Bài viết đắt đến từng chữ của TTK LHQ về năng lượng toàn cầu: Một số lãnh đạo tệ hơn cả Nero!

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Anthony Guterres vừa có bài viết trên tờ Nikkei Asia, kêu gọi các quốc gia tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo. VietTimes chuyển ngữ bài viết rất đáng chú ý này để gửi tới độc giả.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres

Hoàng đế Nero bị cáo buộc là vẫn ung dung tiêu khiển trong khi thành Rome bị đốt cháy. Ngày nay, một số nhà lãnh đạo đang làm tồi tệ hơn.

Họ đang đổ dầu vào lửa theo đúng nghĩa đen.

Khi hậu quả của cuộc chiến Nga - Ukraine lan rộng trên toàn cầu, phản ứng của một số quốc gia đối với cuộc khủng hoảng năng lượng là sử dụng gấp đôi nhiên liệu hóa thạch và đổ thêm hàng tỉ USD vào than, dầu và khí đốt, khiến cho tình trạng khẩn cấp về khí hậu ngày càng trầm trọng hơn.

Trong khi đó, tất cả các chỉ số khí hậu tiếp tục phá vỡ kỷ lục, dự báo một tương lai của những cơn bão dữ dội, lũ lụt, hạn hán, cháy rừng và nhiệt độ cao hủy diệt sự sống khắp các vùng đất rộng lớn của hành tinh. Thế giới của chúng ta phải đối mặt với khủng hoảng khí hậu.

Nguồn vốn mới cho cơ sở hạ tầng sản xuất và thăm dò nhiên liệu hóa thạch là ảo tưởng.

Nhiên liệu hóa thạch không phải là câu trả lời, và sẽ không bao giờ là câu trả lời cho bài toán năng lượng của thế giới.

Chúng ta có thể thấy những thiệt hại mà chúng ta đang gây ra cho hành tinh và xã hội của mình. Chúng có trên các bản tin thời sự hàng ngày. Không ai là không bị ảnh hưởng.

Nhiên liệu hóa thạch là nguyên nhân gây ra khủng hoảng khí hậu. Năng lượng tái tạo là câu trả lời để hạn chế tác động tiêu cực của khí hậu và tăng cường an ninh năng lượng.

Nếu chúng ta đầu tư sớm hơn và nhiều hơn vào năng lượng tái tạo, chúng ta sẽ không thấy mình một lần nữa phải chịu tổn thương từ thị trường nhiên liệu hóa thạch không ổn định. Năng lượng tái tạo là kế hoạch hòa bình của thế kỷ 21. Nhưng cuộc chiến để có được sự chuyển đổi năng lượng nhanh chóng và công bằng không hề dễ dàng. Các nhà đầu tư vẫn đang ủng hộ nhiên liệu hóa thạch và các chính phủ vẫn chi hàng tỉ USD trợ cấp cho than, dầu và khí đốt - khoảng 11 triệu USD mỗi phút.

Có một từ để mô tả về tầm nhìn ngắn hạn của các chính phủ thay vì hướng tới sự sung túc dài hạn. Đó là "Nghiện".

Chúng ta vẫn "nghiện" nhiên liệu hóa thạch. Vì sức khỏe của xã hội và hành tinh của chúng ta, chúng ta cần phải từ bỏ. Hiện nay, con đường duy nhất để đạt được an ninh năng lượng, giá điện ổn định, sự thịnh vượng và một hành tinh đáng sống nằm ở việc từ bỏ nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng dựa trên năng lượng tái tạo.

Để đạt được mục đích đó, tôi đã kêu gọi Nhóm G20 loại bỏ cơ sở hạ tầng than, với giai đoạn hoàn thành vào năm 2030 đối với các nước OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) và năm 2040 đối với tất cả các nước khác. Tôi đã kêu gọi các tổ chức tài chính từ bỏ nguồn thu nhập từ nhiên liệu hóa thạch và đầu tư vào năng lượng tái tạo. Và tôi đã đề xuất một kế hoạch 5 điểm để thúc đẩy năng lượng tái tạo trên toàn thế giới.

Trước tiên, chúng ta phải làm cho công nghệ năng lượng tái tạo trở thành hàng hóa công cộng toàn cầu, bao gồm việc dỡ bỏ các rào cản về sở hữu trí tuệ đối với việc chuyển giao công nghệ.

Thứ hai, chúng ta phải cải thiện khả năng tiếp cận chuỗi cung ứng toàn cầu đối với các thành phần và nguyên liệu thô của công nghệ năng lượng tái tạo.

Vào năm 2020, thế giới đã tạo ra 5 gigawatt pin lưu trữ. Chúng ta cần 600 gigawatt dung lượng lưu trữ vào năm 2030. Rõ ràng, chúng ta cần một liên minh toàn cầu để đạt được điều đó. Sự tắc nghẽn trong vận chuyển và những hạn chế trong chuỗi cung ứng, cũng như chi phí cao hơn đối với lithium và các kim loại pin khác, đang làm tổn hại đến việc triển khai các công nghệ và vật liệu như vậy ngay khi chúng ta cần chúng nhất.

Thứ ba, chúng ta phải cắt băng khánh thành các dự án năng lượng mặt trời và gió. Chúng ta cần phê duyệt nhanh chóng và nỗ lực hơn nữa để hiện đại hóa lưới điện. Ở Liên minh châu Âu, phải mất tám năm để phê duyệt một trang trại điện gió. Ở Hoa Kỳ, phải mất 10 năm. Tại Hàn Quốc, các dự án điện gió trên đất liền cần 22 giấy phép từ 8 Bộ, ngành.

Thứ tư, thế giới phải chuyển trợ cấp năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch để bảo vệ những người dễ bị tổn thương khỏi các cú sốc năng lượng và đầu tư vào một quá trình chuyển đổi chính đáng sang một tương lai bền vững.

Thứ năm, chúng ta cần 3 bên đầu tư vào năng lượng tái tạo, bao gồm các ngân hàng phát triển đa phương và các tổ chức tài chính, cũng như các ngân hàng thương mại. Tất cả đều phải đẩy mạnh đầu tư vào năng lượng tái tạo.

Chúng tôi cần sự khẩn trương hơn nữa từ tất cả các nhà lãnh đạo toàn cầu. Chúng ta đã gần chạm đến giới hạn 1,5 độ C mà khoa học cho chúng ta biết là mức độ ấm lên tối đa để tránh những tác động xấu nhất của khí hậu. Để giữ cho 1,5 độ C tồn tại, chúng ta phải giảm lượng phát thải 45% vào năm 2030 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ. Nhưng các cam kết quốc gia hiện tại sẽ dẫn đến mức tăng gần 14% trong thập kỷ này. Đó là một thảm họa.

Câu trả lời nằm ở năng lượng tái tạo để cải thiện khí hậu, tăng cường an ninh năng lượng và cung cấp điện sạch cho hàng trăm triệu người hiện đang thiếu nó. Năng lượng tái tạo có thể coi như có 3 chiến thắng .

Không có lý do gì để bất cứ ai từ chối cuộc cách mạng năng lượng tái tạo. Trong khi giá dầu và khí đốt đạt mức kỷ lục, năng lượng tái tạo đang ngày càng rẻ hơn. Chi phí năng lượng mặt trời và pin đã giảm 85% trong thập kỷ qua. Chi phí năng lượng gió đã giảm 55%. Và đầu tư vào năng lượng tái tạo tạo ra nhiều việc làm gấp ba lần so với nhiên liệu hóa thạch.

Tất nhiên, năng lượng tái tạo không phải là câu trả lời duy nhất cho cuộc khủng hoảng khí hậu. Các giải pháp dựa vào thiên nhiên, chẳng hạn như ngăn chặn nạn phá rừng và suy thoái đất, là điều cần thiết. Các nỗ lực thúc đẩy hiệu quả năng lượng cũng vậy. Nhưng một quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo nhanh chóng phải là tham vọng của chúng ta.

Khi chúng ta ngừng sử dụng nhiên liệu hóa thạch, những lợi ích mang lại sẽ rất lớn, và không chỉ đối với khí hậu. Giá năng lượng sẽ thấp hơn và dễ dự đoán hơn, có tác động tích cực đến an ninh lương thực và kinh tế. Khi giá năng lượng tăng, chi phí thực phẩm và tất cả các hàng hóa mà chúng ta dựa vào cũng tăng theo.

Vì vậy, tất cả chúng ta hãy đồng ý rằng một cuộc cách mạng năng lượng tái tạo nhanh chóng là cần thiết và hãy ngừng loay hoay trong khi tương lai của chúng ta bùng cháy./.