Nhức nhối chuyện động vật vẫn bị ngược đãi thời IoT, AI, Drone

VietTimes – Dù thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã nỗ lực xây dựng Luật, phát triển công nghệ giám sát,... nhằm bảo vệ vật nuôi, động vật hoang dã nhưng trên thực tế nạn ngược đãi và săn bắn trái phép các loài động vật này vẫn là vấn đề nhức nhối.
Nhức nhối chuyện bảo vệ động vật hoang dã, vật nuôi trong nhà. Ảnh: Internet
Nhức nhối chuyện bảo vệ động vật hoang dã, vật nuôi trong nhà. Ảnh: Internet

Liên tiếp xảy ra các vụ ngược đãi động vật


Thông tin từ tờ Tuổi Trẻ Online, tại Ấn Độ, một con bò cái đang mang thai vô tình ăn phải bột mì trộn với pháo nổ, khiến quai hàm nó bị thương nghiêm trọng. Cảnh sát nước này đã bắt giữ một người đàn ông tình nghi.

Chủ của con bò cho biết đã nghe thấy tiếng nổ cách nhà 20m, anh chạy ra xem thì phát hiện con bò nhà mình bị thương nặng. Sau đó, cảnh sát cùng đội ngũ y tế tới hỗ trợ.

Trước đó, cũng tại nước này, một con voi mẹ mang thai chết thảm vì ăn trái cây có chứa chất nổ. Voi mẹ đã chết gục giữa dòng nước trên sông Velliyar, quận Malappuram, Kerala, New Delhi, Ấn Độ gây phẫn nộ cư dân mạng trên toàn thế giới.

Một vụ việc tương tự đã xảy ra vào tháng trước khi con voi cái được tìm thấy với vết thương nghiêm trọng ở quận gần Kerala, Surendra Kumar chia sẻ. Con voi cũng chết ngay sau đó.

Tê giác là một trong những con vật được săn bắt nhiều nhất vì cho rằng nó là "thần dược". Ảnh: Internet
Tê giác là một trong những con vật được săn bắt nhiều nhất vì cho rằng nó là "thần dược". Ảnh: Internet

Nạn ngược đãi, săn bắt động vật hoang dã đã trở thành vấn đề nhức nhối trên toàn cầu. Tại Việt Nam, nạn săn bắn, buôn bán động vật hoang dã, ngược đãi vật nuôi vẫn diễn ra thường xuyên. Hàng ngày, nhiều người truy lùng các con vật này để lấy nội tạng làm thuốc mà họ cho rằng đó là "tiên dược".

Trong việc khai thác thủy hải sản, nhiều vùng còn dùng điện để đánh bắt gây chết hàng loạt và phá hủy hệ sinh thái. Thậm chí, động vật còn bị ngược đãi trong quá trình giết mổ.

Với động vật nuôi, chó mèo là những đối tượng ngược đãi thường xuyên. Cho đến nay, việc có được ăn thịt chó, mèo hay không vẫn là đề tài tranh luận gay gắt của người Việt.

Nỗ lực thực hiện các biện pháp bảo vệ động vật


Theo tờ tạp chí Tòa Án, để bảo vệ động vật hoang dã, Công ước CITES (Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp) đã được thông qua năm 1963 và có hiệu lực năm 1975. Công ước này gồm nhiều cấp độ khác nhau để bảo vệ hơn 34.000 loài động và thực vật.

Các nước thành viên sẽ thực hiên theo Công ước hay có những quy định riêng phù hợp với từng quốc gia dựa trên nền tảng Công ước này.

Các nước nỗ lực xây dựng Luật, phát triển công nghệ giám sát,...để bảo vệ động vật, động vật hoang dã. Ảnh: Internet
Các nước nỗ lực xây dựng Luật, phát triển công nghệ giám sát,...để bảo vệ động vật, động vật hoang dã. Ảnh: Internet

Theo tờ Tuổi Trẻ Online, ngày 25/11/2019, Tổng thống Donald Trump đã phê chuẩn đạo luật đầu tiên ở Mỹ quy định ngược đãi động vật là hành vi phạm tội. Người có hành vi tàn ác, tra tấn động vật, người ngược đãi động vật sẽ bị phạt tiền và có thể bị phạt tù đến 7 năm tù, trừng phạt người phát tán video hành hạ động vật trên mạng xã hội 1 năm tù.

Tại Pháp, Bộ luật hình sự vẫn cho phép đá gà và đấu bò tại các địa phương có truyền thống. Tuy nhiên, người hành hạ động vật sẽ bị phạt tiền đến 750 euro. Nếu ngược đãi nghiêm trọng vật nuôi trong nhà, người vi phạm có thể bị phạt tù đến 2 năm.

Giết mổ động vật cũng cần phải nhân văn. Ảnh: Internet
Giết mổ động vật cũng cần phải nhân văn. Ảnh: Internet

Việt Nam cũng đưa ra các quy đinh về bảo vệ vật nuôi, động vật hoang dã. Ngày 1/1/2020, Luật chăn nuôi của Việt Nam chính thức có hiệu lực, quy định phải đối xử nhân đạo với vật nuôi. Theo đó, các tổ chức, cá nhân phải có chuồng trại, không gian chăn nuôi phù hợp với vật nuôi; không đánh đập, hành hạ vật nuôi; hạn chế làm chấn thương, sợ hãi cho vật nuôi; trong quá trình giết mổ vật nuôi phải có biện pháp gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ, không để vật nuôi chứng kiến đồng loại bị giết mổ.

Trên tờ PLO, ông Lê Việt Bảo - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM, cho biết giết mổ gia súc còn sống sẽ gây đau đớn, ảnh hưởng lớn đến hệ thần kinh của gia súc, vật nuôi, nhiều trường hợp máu còn tụ lại thì chất lượng thịt chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, nếu trong quá trình giết mổ nếu để vật nuôi nhìn thấy những con vật khác bị giết thì chúng sẽ bị căng thẳng, ức chế (stress). Với những con vật bị stress thì chất lượng thịt cũng bị ảnh hưởng xấu.

Ông Việt cho biết trước đó Luật Thú y đã quy định về quy trình giết mổ vật nuôi, tuy nhiên những quy định về tính nhân đạo lại không được quy định chi tiết như Luật Chăn nuôi này. 

Bên cạnh xây dựng các đạo Luật nhiều quốc gia đã có các kỹ thuật giám sát để theo dõi, bảo vệ động vật hoang dã hiệu quả hơn.

Thông tin từ tờ tạp chí Điện tử ngày nay, hiên nay, các kỹ thuật giám sát truyền thống như gắn máy vô tuyến điện và camera đã được kết hợp bằng các phương pháp giám sát mới hơn sử dụng theo dõi vệ tinh, máy bay không người lái, thiết bị IOT và trí thông minh nhân tạo, tất cả để giúp cứu động vật hoang dã trên khắp thế giới. Điều này đã giúp các nhà bảo tồn hiểu rõ hơn về hành vi động vật và số lượng động vật.

Có những công cụ miễn phí như Cybertracker, cho phép các ứng dụng di động thu thập dữ liệu và hình ảnh được liên kết với GPS. Từ đó, nó giúp việc phân tích và giám sát chuyên sâu dễ dàng hơn và đã được sử dụng để bảo vệ báo tuyết ở dãy Hy Mã Lạp Sơn và rùa ở Thái Bình Dương, ngăn chặn rủi ro đối với động vật.

Một phương pháp giám sát mới được áp dụng là thu thập âm thanh tinh vi. Ở phía bắc Brazil, Rainforest Connection cung cấp công nghệ âm thanh sinh học cho các kiểm lâm viên bộ lạc Tembé. Họ đã sử dụng cảm biến thu nhận âm thanh hoạt động của con người  trong hoạt động khai thác trái phép, săn trộm,... để báo cho cảnh sát địa phương.

Rainforest Connection cho biết dự án của họ ở Ecuador bao gồm 10.000 ha rừng và tải lên 1,8 gigabyte dữ liệu mỗi ngày để các nhà khoa học và nhà bảo tồn theo dõi quần thể động vật.

Tại Mỹ, Đại học Nam California đã phát triển một nền tảng theo dõi kỹ thuật số nguồn mở có tên là SMART được liên kết với 'Trợ lý bảo vệ an ninh động vật hoang dã' ( PAWS ) do AI cung cấp, tạo điều kiện cho các kiểm lâm viên địa phương có thể phát hiện và thu hồi bẫy săn trộm.

Tại Campuchia, PAWS dự đoán hành vi săn trộm từ các địa điểm bẫy, địa hình địa phương và bản đồ đường bộ. Dự án PAWS có thể được đưa vào 100 khu bảo tồn châu Phi và châu Á vào đầu năm tới và 300-600 trên toàn thế giới vào cuối năm 2020.

Ngoài ra, một công nghệ khác góp phần bảo vệ động vật hoang dã là Drone. Công nghệ này giúp tăng hiệu quả cho những người bảo vệ động vật hoang dã với khả năng quay video cùng với hình ảnh hồng ngoại hoặc nhiệt vào ban đêm khi những kẻ săn trộm hoạt động mạnh nhất. Chính cách tiếp cận dữ liệu được nối mạng này cung cấp giá trị cao nhất trong việc ngăn chặn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp.

Rõ ràng các quốc gia đã nỗ lực xây dựng Luật và tạo ra các công nghệ giúp ngăn chặn nạn săn bắt động vật hoang dã, ngược đãi vật nuôi. Tuy nhiên, thực tế nạn ngược đãi, săn bắt trái phép động vật quý hiếm vẫn diễn ra rất nhiều.

Cụ thể, Bộ Tư pháp Pháp ghi nhận trong năm 2019 đã xảy ra gần 3.000 trường hợp hành hạ vật nuôi được thụ lý. Trong khoảng 380 phiên tòa có 90% dẫn đến kết án. Cảnh sát bảo vệ động vật Hà Lan gồm hơn 250 người, mỗi năm tiếp nhận khoảng 3.000 cuộc gọi cần can thiệp.

Do đó, mọi người trên toàn cầu cần nâng cao ý thức hơn nữa trong việc bảo vệ động vật hoang dã, chăm sóc vật nuôi, giết mổ động vật. Với những nỗ lực về Luật pháp, công nghệ như hiện nay, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng sẽ ngăn chặn, phát hiện và bắt những kẻ săn trộm trước khi vụ giết động vật bắt đầu.