Khám, chữa bệnh từ xa vẫn chưa có nguồn thu - chi hiệu quả

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tại buổi gặp mặt báo chí thông tin về lễ khánh thành kết nối 1.000 bệnh viện khám, chữa bệnh từ xa do Bộ Y tế tổ chức vào sáng nay (24/9), PGS. TS. Nguyễn Lân Hiếu – Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội – cho hay: Hiện, khám, chữa bệnh từ xa vẫn chưa có nguồn thu – chi hiệu quả ngoài Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXHVN).
Bộ Y tế gặp mặt báo chí thông tin về lễ khánh thành kết nối 1.000 bệnh viện khám, chữa bệnh từ xa vào sáng nay (Ảnh: Minh Thúy)
Bộ Y tế gặp mặt báo chí thông tin về lễ khánh thành kết nối 1.000 bệnh viện khám, chữa bệnh từ xa vào sáng nay (Ảnh: Minh Thúy)

Còn nhiều khó khăn

 

Theo ông Hiếu, từ tháng 4, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã triển khai khám, chữa bệnh từ xa, gần 300 bệnh nhân đã được khám bệnh, hội chẩn trực tuyến nằm trong giai đoạn 1. Đến giai đoạn 2, Bệnh viện sẽ mở phòng khám trực tuyến. Ở giai đoạn 3, các bác sĩ tại Bệnh viện sẽ khám trực tiếp khám bệnh tại gia đình cho bệnh nhân. Khó khăn lớn nhất trong quá trình triển khai khám, chữa bệnh từ xa mà Bệnh viện triển khai chính là là vấn đề về pháp lý. Bởi Luật Khám, chữa bệnh vẫn chưa được sửa đổi, đặc biệt, việc ký đơn thuốc từ xa còn gặp nhiều vướng mắc.

Điển hình là trường hợp bệnh nhân người Lào điều trị ở Bệnh viện 199 của Đà Nẵng. Mặc dù bác sĩ của Bệnh viện 199 khám bệnh cùng bác sĩ của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội nhưng khi xuất ra đơn thuốc thì bác sĩ của Bệnh viện 199 ký. Nếu có bất kỳ vấn đề gì xảy ra thì Bệnh viện 199 phải chịu trách nhiệm. Điều này dẫn đến tình trạng vai trò của bác sĩ ở bệnh viện hạt nhân sẽ giảm đi, không chịu trách nhiệm cùng đơn vị khác.

Không chỉ vậy, để khám, chữa bệnh từ xa có thể duy thì thì “Có thực mới vực được đạo”. Trong suốt quá trình triển khai khám, chữa bệnh từ xa, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chưa có bất kỳ một nguồn thu nào, BHYT chưa có hướng dẫn chi trả. “Vì vậy, tôi cho rằng ngoài BHXHVN, các đơn vị bảo hiểm khác cần được tham gia để quá trình thực hiện khám, chữa bệnh từ xa có hiệu quả” - ông Hiếu nói. 

PGS. TS. Nguyễn Lân Hiếu – Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội phát biểu (Ảnh: Minh Thúy)
PGS. TS. Nguyễn Lân Hiếu – Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội phát biểu (Ảnh: Minh Thúy) 

Sau 40 buổi hội chẩn khám, chữa bệnh từ xa được thực hiện tại Bệnh viện Đại Học Y Hà Nội, ông Hiếu nhấn mạnh: Việc hội chẩn khám, chữa bệnh từ xa phải đảm bảo thực chất, có sự quyết tâm thực sự từ tất cả các bệnh viện. Thực tế, có trường hợp bệnh nhân đã tử vong nhưng vẫn được bệnh viện đưa lên hội chẩn.

Chia sẻ về việc khám, chữa bệnh viện Nhi Trung ương, PGS. Trần Minh Điển – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương – cho biết: thời gian qua, Bệnh viện Nhi Trung ương đã bắt đầu đưa khám, chữa bệnh từ xa trở thành thường quy, giúp bệnh nhân hưởng lợi. Bệnh viện đã kết nối với các bệnh viện giúp đỡ tuyến dưới để đưa ra chẩn đoán chính xác và chiến lược điều trị cho bệnh nhân. Ngoài ra, các bác sĩ còn nâng cao được kiến thức thông qua những ca bệnh lâm sàng.

Theo ông Dương Đức Hùng – Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai - về mặt đường truyền, công nghệ khám, chữa bệnh từ xa tại Bệnh viện Bạch Mai không gặp khó khăn. Tuy nhiên, để từng người bệnh được tiếp cận trực tiếp với bác sĩ thông qua khám, chữa bệnh từ xa vẫn là một chặng đường khá dài bởi khám, chữa bệnh từ xa tương đối mới mẻ với bệnh viện và người bệnh. Để phát triển bền vững khám, chữa bệnh từ xa thì phải có nền tảng pháp lý, công nghê tài chính hiệu quả.

“Khám, chữa bệnh từ xa là một mô hình hiệu quả nên Bệnh viện Bạch Mai đang tích cực triển khai. Thông qua từng buổi hội chẩn ca bệnh, Bệnh viện sẽ tổng hợp, hệ thống lại để chuyển giao kiến thức cho các bệnh viện tuyến dưới nhằm phát triển năng lực cho các bác sĩ” – ông Hùng cho hay.

Công cụ hiệu quả thực hiện nhiệm vụ kép  

Theo ông Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế - sau 45 ngày, 1.000 điểm cầu khám, chữa bệnh từ xa tại các bệnh viện đã được kết nối. Khi dịch COVID-19 có nhiều diễn biến phức tạp, bên cạnh việc các thầy thuốc trực tiếp điều trị bệnh nhân thì sự chi viện từ những cuộc hội chẩn qua khám, chữa bệnh từ xa đã giúp quá trình điều trị có hiệu quả. Điển hình là trường hợp bệnh nhân 91 mắc COVID-19 – đã khỏi bệnh, mong muốn quay trở lại làm phi công.

“Khám, chữa bệnh từ xa là một trong những công cụ để phòng, chống dịch COVID-19, đồng thời, là giải pháp được đề xuất qua Trung tâm Điều trị, hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa của Bộ Y tế. Hiệu quả của công nghệ thông tin trong thời đại 4.0 sẽ được ứng dụng vào hệ thống khám, chữa bệnh từ xa. Nhằm giúp mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh, hỗ trợ chuyên môn của các bác sỹ từ tuyến xã đến tuyến Trung ương; người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới, Bộ Y tế đã ban hành tạm thời hướng dẫn và quy định tổ chức hội chẩn, tư vấn khám, chữa bệnh từ xa” – ông Khuê nói.

Ông Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế (Ảnh: Minh Thúy)
Ông Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế (Ảnh: Minh Thúy) 

Theo ông Khuê, khám, chữa bệnh từ xa là một giải pháp quan trọng để thực hiện nhiệm vụ kép vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế-xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Việc người dân được hưởng các dịch vụ và chăm sóc y tế ngay tại tuyến dưới không chỉ tiết kiệm chi phí, tăng cường sự hài lòng mà còn giúp người bệnh hiểu rõ hơn về hoạt động chuyên môn đòi hỏi tập trung trí tuệ, sức lực của cán bộ y tế.

Về vấn đề bảo mật thông tin trong khám, chữa bệnh từ xa, các bệnh viện đều có quy định không được tiết lộ thông tin cá nhân của bệnh nhân. Người bệnh phải có đơn tự nguyện xin hội chẩn khám, chữa bệnh từ xa. Ngoài ra, để đảm bảo đường truyền trong khám, chữa bệnh từ xa, các bệnh viện có quyền thuê các đơn vị bên ngoài để thực hiện.

Trước đó, vào ngày 23/6, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyên Thanh Long - đã chủ trì cuộc họp về triển khai Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020 – 2025.

Ngày 5/8, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - đơn vị đầu mối thường trực giúp Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo tổ chức thực hiện Đề án đã phối hợp với Tập đoàn Viettel tổ chức hội thảo góp ý kế hoạch triển khai Đề án Khám, chữa bệnh từ xa.

Sau 2 tháng triển khai đồng loạt Đề án Khám, chữa bệnh từ xa, hơn 1.000 điểm cầu khám, chữa bệnh được kết nối với 20 bệnh viện tuyến Trung ương và các bệnh viện tuyến cuối của Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Nhiều ca bệnh phức tạp đã được các bác sỹ hội chẩn và cứu sống kịp thời không phải lên tuyến trên. Những điểm cầu vùng sâu, vùng xa đã được kết nối với bệnh viện tuyến trên để chẩn đoán ca bệnh như ở Trường Sa, Cô Tô, Mường Nhé,…