Theo PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, khám, chữa bệnh từ xa không còn xa lạ đối với các cơ sở khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, khám, chữa bệnh từ xa phải đặc biệt phải đẩy mạnh trong giai đoạn này khi dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, xuất hiện tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
“Bệnh nhân bình thường nếu bị cúm đã mệt, mắc COVID-19 còn mệt hơn rất nhiều, đặc biệt là rất khó khăn đối với người cao tuổi, người khuyết tật, người mắc các bệnh lý nặng đi kèm." - ông Khuê nhấn mạnh.
Hiện, Việt Nam có gần 100 triệu dân trong đó khoảng 10 triệu người cao tuổi. Trong giai đoạn này, phải tăng cường tư vấn cho đối tượng người cao tuổi, người khuyết tật, người mắc các bệnh mạn tính, thực hiện kê đơn thuốc kéo dài để hạn chế người dân đến các bệnh viện, tránh các nguy cơ lây nhiễm.
Cả nước hiện có có 40 bệnh viện tuyến Trung ương, 492 bệnh viện tuyến tỉnh, 645 bệnh viện tuyến huyện, 72 bệnh viện ngành, 275 bệnh viện tư nhân, 32.000 phòng khám tư nhân, 11.000 trạm y tế.
“Các bệnh viện tuyến trung ương có đội ngũ giáo sư, chuyên gia nhiều kinh nghiệm cần phải phát huy trong giai đoạn này để hỗ trợ cho các bệnh viện tuyến dưới. Những kinh nghiệm điều trị rất quan trọng và đáng trân trọng. Các bệnh viện phải quyết tâm thực hiện để phòng ngừa cho bệnh viện mình, không để tình trạng “chưa đánh đã vỡ trận” – ông Khuê nói.
Theo ông Khuê, thời gian qua Trung tâm Quản lý và điều hành hỗ trợ trực tuyến chẩn đoán và điều trị COVID-19 đã huy động đội ngũ giáo sư giỏi hỗ trợ cho các bệnh viện điều trị COVID-19. Những kiến thức và kinh nghiệm điều trị của các giáo sư đều được sự đồng thuận của các bệnh viện.
Dự kiến vào đầu tháng 9, 1.000 cơ sở khám chữa bệnh sẽ kết nối khám, chữa bệnh từ xa.