Theo ông Nguyễn Thanh Long - Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế - hiện các đơn vị cùng các cơ sở y tế đang xây dựng, hoàn thiện phần mềm khám, chữa bệnh từ xa. Để triển khai trong thời gian tới cần có kế hoạch cụ thể, phân công rõ nhiệm vụ ở từng khoa, phòng.
Kinh phí để thực hiện Đề án có thể được lấy từ nguồn ở các cơ sở y tế, các bệnh viện. Nếu cơ sở nào gặp khó khăn có thể báo cáo Bộ Y tế để có phương án hỗ trợ kịp thời.
Thời gian qua, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã triển khai tích cực Đề án khám, chữa bệnh từ xa thông qua việc hội chẩn các ca bệnh đặc biệt giữa bệnh viện tuyến trên với bệnh viện tuyến dưới. Chính vì thế, ông Long đề nghị các cơ sở y tế phải học tập Bệnh viện Đại học Y Hà Nội về quá trình chuẩn bị, thực hiện khám, chữa bệnh từ xã để hội chẩn các ca bệnh có hiệu quả.
“Các cơ sở y tế có thể kết nối các điểm cầu trực tuyến với các bệnh viện ở nhiều địa phương mà Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã làm. Để khám, chữa bệnh từ xa được triển khai đồng bộ, rất cần có sự phân công, đào tạo, bồi dưỡng cụ thể nguồn nhân lực cho các tuyến bệnh viện từ địa phương đến trung ương.” – ông Long nói.
Bên cạnh đó, cơ sở y tế cần kết nối với người dân, đồng thời, khuyến khích các đơn vị ứng dụng công nghệ thông tin để người dân khám, chữa bệnh thuận lợi, tương tác với các bác sĩ qua các ứng dụng thông minh.
Nhằm đẩy mạnh việc thực hiện Đề án khám, chữa bệnh từ xa trong thời gian tới, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu Cục Quản lý Khám, chữa bệnh khẩn trương ban hành hướng dẫn cụ thể để triển khai, thực hiện quyết định phê duyệt đề án khám, chữa bệnh từ xa.
Đáng chú ý, ông Long nêu rõ: Vụ Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế) cần khẩn trương xây dựng hướng dẫn thanh toán quá trình khám, chữa bệnh từ xa, đồng thời, coi khám, chữa bệnh từ xa là một dịch vụ y tế để đảm bảo tính bền vững sau này.
Ngoài rà soát việc thực hiện Đề án khám, chữa bệnh từ xa, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế còn nhấn mạnh tiến độ triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân. Bộ Y tế sẽ thiết kế hồ sơ sức khỏe điện tử với giao diện thông minh, dễ nhìn để các y, bác sĩ có thể dễ dàng sử dụng ở tất cả các bệnh viện.
Trước ngày 24/7, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh sẽ hoàn thành các thông tin cần thiết để gửi cho Bảo hiểm xã hội.
Dự kiến, việc triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử sẽ có 5 mốc quan trọng sau: 1. Tháng 7/2020 – Các đơn vị tiến hành đặc tat nội dung 2. Tháng 8/2020 – xây dựng các chuẩn thông tin liên quan 3. Tháng 9/2020 – Có chuẩn trao đổi dữ liệu và Gateway 4. Tháng 10/2020 – Xây dựng trục tích hợp dữ liệu 5. Tháng 11/2020 – Đào tạo, triển khai thí điểm và nhân rộng
|