Hỗ trợ người dân trong trường hợp khẩn cấp
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế sẽ tính toán khả năng, kinh phí chi trả để thực hiện Đề án Khám, chữa bệnh từ xa. Những hoạt động khám, chữa bệnh trong Đề án đã được triển khai trong thực tế ở các bệnh viện nhưng chỉ ở một quy mô nhất định. Cái khó là cách thức ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh.
Ông Long nhấn mạnh: Các đơn vị cần lưu ý tạo ra được 1 mạng lưới y tế không còn giới hạn tới tận các tuyến, để các bệnh viện được hỗ trợ về mặt chuyên môn như nhau. Người dân khám, chữa bệnh ở tuyến dưới phải được hưởng dịch vụ y tế như ở tuyến trung ương. Điều này sẽ làm thay đổi chất lượng của y tế cơ sở. Tới đây, Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện phải khai báo các bác sĩ đang làm việc, nguồn nhân lực chính thông qua mạng.
Khi Đề án khám, chữa bệnh từ xa được thực hiện, toàn bộ dữ liệu của bệnh nhân sẽ được lưu ở trung tâm dữ liệu của Bộ Y tế. Đơn vị nào thực hiện sổ y bạ điện tử cần lưu thông tin của bệnh nhân trên nền tảng công nghệ thông tin. Tuy nhiên, nền tảng công nghệ thông tin được sử dụng trong khám, chữa bệnh từ xa phải đảm bảo tính bảo mật.
“Khám, chữa bệnh từ xa sẽ hỗ trợ cho tuyến dưới rất nhiều, đảm bảo tính bền vững khi được kết nối với bảo hiểm y tế (BHYT). Đề án thực hiện nhằm đảm bảo cho người dân, cơ sở y tế được hỗ trợ thường xuyên, nhất là trong những trường hợp khẩn cấp” – ông Long nói.
Nhiều vướng mắc về chi phí
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, tình hình khám, chữa bệnh ở nước ta còn nhiều bất cập. Người dân ở vùng sâu vùng xa có mức độ tiếp cận dịch vụ chất lượng cao hạn chế. Phần lớn hộ nghèo dù không có điều kiện nhưng vẫn vượt tuyến để khám, chữa bệnh. Do đó, việc triển khai Đề án Khám, chữa bệnh từ xa cũng như ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh là vô cùng cần thiết.
PGS. TS. Đồng Văn Hệ - Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức - cho rằng: Đề án này có tính khả thi trên thực tế. Ở các nước trên thế giới, telemedicine đã được ứng dụng hơn 40 năm. Tuy nhiên, nước ta mới áp dụng hình thức khám, chữa bệnh này, nên Bộ Y tế cần có hướng dẫn cụ thể để các bệnh viện triển khai. Điểm khó khăn nhất chính là nguồn kinh phí để các bệnh viện khám, chữa bệnh từ xa.
Theo PGS. TS. Trần Minh Điển – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, về kinh phí thực hiện Đề án, Bệnh viện và hệ thống Nhi của bệnh viện vẫn chưa được phân bổ, thụ hưởng Đề án. Vấn đề đáng lo ngại nhất chính là tính bền vững của Đề án – đòi hỏi phải có hệ thống BHYT tham gia, các đơn vị bệnh viện hạt nhân phải xây dựng cơ cấu giá. Trong giai đoạn đầu thử nghiện có thể lấy kinh phí ở bệnh viện tuyến trên nhưng giai đoạn sau phải có kế hoạch rõ ràng để chi trả.
"Có những dịch vụ kỹ thuật không thể chuyển giao, đề nghị Bộ y tế phải đầu tư kinh phí khi BHYT chưa thể tham gia. Nếu không có quy định việc chi trả kinh phí rõ ràng thì việc thanh toán các chi phí phát sinh cho bệnh nhân sẽ gặp khó khăn"- Ông Lê Lâm – Phó Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương - chia sẻ.
Toàn cảnh cuộc họp phê duyệt Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020-2025. (Ảnh: Minh Thúy)
|
TS. BS. Mai Đình Điểu - Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế - cho hay, Bệnh viện đang thực hiện đề án bệnh viện vệ tinh và khi chuyển sang Đề án khám, chữa bệnh từ xa còn gặp khó khăn, đặc biệt là vấn đề kinh phí đầu tư ban đầu về hệ thống công nghệ thông tin, trang thiết bị. Kinh phí trong quá trình hoạt động, triển khai đề án hầu hết ở bệnh viện tuyến dưới còn gặp khó khăn ở phần ngân sách do địa phương chịu trách nhiệm, không có kinh phí đào tạo cán bộ.
Theo Phó Giám đốc Bệnh viện K – việc ứng dụng công nghệ thông tin vào khám, chữa bệnh từ xa cần chia giai đoạn để thực hiện. Giai đoạn thử nghiệm là vô cùng cần thiết để Đề án được triển khai.
Bệnh viện đề nghị Bộ Y tế có thể đầu tư ban đầu các thiết bị về phần cứng, từ đó xây dựng phần mềm chung giúp các bệnh viện thực hiện. Ở các bệnh viện tuyến dưới vẫn có những vùng, đơn vị gặp khó khăn cần có nguồn ngân sách để hỗ trợ thực hiện. Cơ chế tài chính rất quan trọng để hỗ trợ thù lao cho các bác sĩ, nhân viên y tế trong quá trình khám, chữa bệnh từ xa. Bộ Y tế và BHYT cần nhanh chóng xây dựng cơ cấu giá đối với từng hạng mục với lĩnh vực này.
Sau khi lắng nghe ý kiến của đại diện đến từ các Bệnh viện, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, kinh phí mà Bộ Y tế đầu tư chủ yếu là về mặt công nghệ (phần mềm) còn phần cứng thì các bệnh viện cần chủ động quan tâm để thực hiện.
Vươn cao, vươn xa chất lượng khám, chữa bệnh
Theo PGS.TS. Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế - Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” được xây dựng với quan điểm chính là “chất lượng khám, chữa bệnh vươn cao, vươn xa” - giúp tăng cường năng lực chuyên môn của các bệnh viện tuyến dưới, vươn lên “chất lượng cao hơn”, đồng thời, để kiến thức chuyên môn của tuyến trên được “lan tỏa xa hơn".
Đề án được triển khai nhằm xây dựng và phát triển mạng lưới bệnh viện tuyến trên gồm một số bệnh viện tuyến cuối và bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đủ năng lực chuyên môn kỹ thuật và trang thiết bị để hỗ trợ cho bệnh viện tuyến dưới khám, chữa bệnh từ xa. Mạng lưới bệnh viện tuyến dưới (gồm một số bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện, bệnh viện tư nhân) thực hiện việc khám, chữa bệnh từ xa được xây dựng và phát triển.
Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho hay, kinh phí để mua sắm trang thiết bị hệ thống telemedicine được sử dụng từ nguồn kinh phí Đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2016-2020 cho các bệnh viện tuyến trên trực thuộc Bộ Y tế.
PGS. TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh.
|
Đối với bệnh viện tuyến dưới, kinh phí được chi chủ yếu nhằm nâng cấp cơ sở hạ tầng, mua sắm các trang thiết bị y tế, công nghệ thông tin, kinh phí để triển khai các hoạt động khác tại bệnh viện tuyến dưới để bảo đảm thực hiện mục tiêu của Đề án.
Nguồn kinh phí được lấy từ ngân sách Nhà nước, nguồn ODA và các nguồn vốn hợp pháp khác. Đối với các dự án khám, chữa bệnh từ xa mà bệnh viện tuyến trên trực thuộc Bộ Y tế, Bộ Y tế bảo đảm theo quy định của Luật ngân sách Nhà nước và các quy định khác.
Đối với các dự án bệnh viện tuyến trên trực thuộc Sở Y tế Hà Nội và Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh: do ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương hoặc ngân sách của địa phương để thực hiện theo quy định của Luật ngân sách Nhà nước.
UBND các tỉnh, thành phố có trách nhiệm bố trí ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để các bệnh viện tuyến dưới thực hiện Đề án. Các bệnh viện tư nhân phải tự bảo đảm kinh phí đầu tư hạ tầng, trang thiết bị, đóng góp kinh phí cho bệnh viện tuyến trên.
24 bệnh viện được Bộ Y tế lựa chọn để thực hiện Đề án Khám, chữa bệnh từ xa gồm: Bệnh viện Bạch Mai; Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức; Bệnh viện đa khoa Trung ương Huế; Bệnh viện Chợ Rẫy; Bệnh viện Phụ sản Trung ương; Bệnh viện Nhi Trung ương; Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương; Bệnh viện K; Bệnh viện E; Viện Huyết học Truyền máu Trung ương; Bệnh viện Nội tiết Trung ương; Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương; Bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên; Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ; Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội; Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TP. Hồ Chí Minh; Bệnh viện Đại học Y Hà Nội; Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh; Bệnh viện Xanh Pôn; Bệnh viện Ung bướu Hà Nội; Bệnh viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh; Bệnh viện Từ Dũ TP. Hồ Chí Minh; Bệnh viện Nhi đồng I TP. Hồ Chí Minh; Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh. |