Chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí: "Đừng đợi người khác thành công mới bắt tay vào làm"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Nhà báo Lê Quốc Minh chia sẻ: "Chuyển đổi số là một con đường dài, nếu không thể nhìn xa hơn thì cũng cần có tầm nhìn 3-5 năm, đừng để lỡ nhịp, đừng đợi người khác thành công mới bắt tay vào làm".

Chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí, truyền thông trở thành vấn đề nóng hổi được bàn tới tại nhiều diễn đàn trong vài năm trở lại đây. Dịch bệnh COVID-19 có thể coi là một chất xúc tác cho hoạt động chuyển đổi số, số hoá nền kinh tế. Khi thói quen của bạn đọc dần thay đổi buộc báo chí phải làm mới mình để thích ứng và phục vụ bạn đọc hiệu quả hơn.

Nhân dịp kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2022), Tạp chí Nhà đầu tư/Nhadautu.vn đã có cuộc trò chuyện với Nhà báo Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập báo Nhân Dân về vấn đề hết sức bức thiết đang đặt ra với lĩnh vực báo chí hiện nay là chuyển đổi số.

Nhà báo Lê Quốc Minh - Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập báo Nhân dân

Nhà báo Lê Quốc Minh - Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập báo Nhân dân

Cụm từ "chuyển đổi số" trong nền kinh tế nói chung và lĩnh vực báo chí nói riêng không còn quá xa lạ nhưng thế nào là chuyển đổi số và làm sao để chuyển đổi số được lại không phải là điều cơ quan báo chí nào cũng biết. Với vai trò là Chủ tịch Hội Nhà báo, xin ông đưa một số khuyến nghị để các cơ quan báo chí có định hướng trong cuộc cuộc chuyển đổi số?

Nhà báo Lê Quốc Minh: Các nghiên cứu và thực tiễn phát triển báo chí đã chỉ ra rằng chuyển đổi số là con đường bắt buộc, tất yếu. Không chỉ cơ quan báo in mà ngay cả các kênh phát thanh, truyền hình cũng không thể mãi hoạt động theo lỗi cũ. Vì vậy, vấn đề đặt ra ở đây chỉ là làm ngay bây giờ hay chậm chân hơn. Khi người dùng đã chuyển đổi hành vi, môi trường tiếp thu thông tin đã thay đổi mà cơ quan báo chí vẫn duy trì nền tảng cũ thì sẽ mất người dùng. Nhiều chuyên gia đã khẳng định phải lựa chọn "chuyển đổi số hay là chết", kinh nghiệm thực tiễn cho thấy người nào càng chậm chân thì càng thiệt thòi.

Nói tới chuyện chuyển đổi số, nhiều người hình dung ra bức tranh rất “ghê gớm” rằng phải chuyển đổi, đầu tư công nghệ, máy móc hiện đại, nhưng đó mới là bề nổi của vấn đề. Cần phải hiểu rằng chuyển đổi số không phải nói về công nghệ mà là nói về tư duy. Nếu đi theo lối tư duy ưu tiên báo in, phát thanh, truyền hình và chỉ coi digital (nội dung kỹ thuật số) là phụ trợ thì cách ứng xử sẽ khác với khi tư duy "digital-first" - ưu tiên nội dung digital.

Chiến lược ưu tiên nội dung digital của các cơ quan báo chí đã được khẳng định cách đây nhiều năm, từ khoảng năm 2010. Câu chuyện ở đây là làm sao thay đổi tư duy để cả toà soạn hoạt động theo chiến lược mới. Như vậy, chúng ta cần trả lời được các câu hỏi: Một chu trình sản xuất thông tin theo hướng mới thì phải triển khai theo cách thức nào? Tổ chức bài viết như thế nào để hiệu quả nhất? Phải kết hợp thế nào giữa báo giấy với điện tử hay phát thanh-truyền hình với điện tử để biến độc giả từ báo in qua điện tử, thậm chí cao hơn là biến họ trở thành người xem trung thành và sẵn sàng trả tiền cho các bài báo? Khi nguồn thu trên báo in ngày càng giảm thì làm sao kinh doanh trên nền tảng digital và có hiệu quả là vấn đề quan trọng. Thậm chí phải tạo văn hoá mới trong toà soạn để cả toà soạn có tư duy chuyển đổi số thay vì vẫn phân chia việc ai người ấy làm.

Không ít người cho rằng, cơ quan lớn mới có tiềm lực tài chính, có khả năng chuyển đổi số, nhưng thực tế cho thấy cơ quan lớn, bộ máy cồng kềnh chưa chắc đã có khả năng triển khai mạnh mẽ. Trong khi đó, các cơ quan nhỏ dù không thể xây dựng bộ máy có công nghệ đồ sộ nhưng lại hoàn toàn có thể thuê ngoài thông qua sự hợp tác với các đối tác công nghệ chiến lược để xây dựng hệ thống quản lý, quản trị từ quy trình kiểm soát nội dung, kiểm soát ngân sách quảng cáo đến quy trình phối hợp hoạt động nội bộ hiệu quả và cách thức này hoàn toàn có thể làm với khoản kinh phí khiêm tốn. Quan trọng hơn cả là sự dẫn dắt của ban lãnh đạo trong việc quyết tâm chuyển đổi số, đóng vai trò là nhân tố quyết định thúc đẩy quy trình chuyển đổi số trong toà soạn.

Nói tới chuyển đổi số không có công thức chung hay con đường chung nào cả, mỗi cơ quan báo chí phải tự xác định được nhu cầu của mình để xây dựng kế hoạch chuyển đổi số phù hợp.

Xin ông cho biết vai trò của Bộ TT&TT, Hội Nhà báo để hỗ trợ các cơ quan báo chí trong công cuộc chuyển đổi số?

Nhà báo Lê Quốc Minh: Các cơ quan chức năng như Bộ Thông tin và Truyền thông có thể xây dựng chiến lược chung và đưa ra những gợi mở cho cơ quan báo chí để chuyển đổi số. Hội Nhà báo Việt Nam có thể tổ chức các khóa học đào tạo cấp cao để thay đổi tư duy chiến lược của lãnh đạo các cơ quan báo chí, hay đào tạo quy mô cấp thấp, cấp trung để các nhà báo có thể biết nhiều hơn về các kỹ năng làm báo hiện đại, về công nghệ mới. Nhưng Bộ và hội không thể làm thay cơ quan báo chí. Chuyển đổi số phải bắt nguồn từ nhu cầu tự thân của cơ quan báo chí, tự họ phải thấy nhu cầu thay đổi thì mới thôi thúc họ xây dựng kế hoạch phù hợp.

Tuy nhiên khó khăn của nhiều cơ quan báo chí hiện nay là không biết thế nào là chuyển đổi số và phải bắt đầu từ đâu. Chính vì vậy, Bộ TT&TT đang xây dựng kế hoạch trình lên Chính phủ với các gợi mở, định hướng chuyển đổi số cho các cơ quan báo chí, từ đó các cơ quan báo chí có thể tham khảo xây dựng định hướng cho phù hợp.

Hiện nay, ngay cả trong hoạt động quảng cáo chúng ta cũng đang làm rất thủ công nhưng với hệ thống phức tạp ở nước ngoài họ đã có thể đo lường được 1 khách hàng nhất định với một khoản ngân sách thì nên quảng cáo trên báo in như thế nào, dành bao nhiêu cho báo điện tử, cho podcast hay video để đạt hiệu quả. Khách hàng có thể giám sát, từ đó đưa ra quyết định nên quảng cáo trên nền tảng nào thì phù hợp. Tất cả đều được tự động hoá, sử dụng trí tuệ nhân tạo và được lượng hoá chứ không quyết định bằng cảm tính. Cùng với đó, nhiều hoạt động khác cũng được quản trị qua hệ thống máy móc, không còn theo phương thức truyền thống. Ngay cả cách thức tương tác với độc giả cũng khác, các cơ quan báo chí giờ đây không ngồi chờ độc giả viết email, gửi thư mới biết độc giả cần gì mà họ sử dụng phần mềm hiện đại để xem ai là độc giả của mình, ở đô thị hay nông thôn, thu nhập cao hay thấp, là nam hay nữ, họ thường xem loại tin nào, v,v... Muốn có được những dữ liệu như vậy cần cả một hệ thống công nghệ, nhưng có những hệ thống đầu tư rất tốn kém, cũng có hệ thống đơn giản, miễn phí, điều quan trọng là chúng ta biết cách khai thác tối đa dữ liệu từ các công cụ.

Vậy theo ông, công cuộc chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí của Việt Nam đang thực hiện đến đâu?

Nhà báo Lê Quốc Minh: Báo chí nước ngoài đã chuyển đổi số từ lâu và cho đến thời điểm hiện tại họ tự thấy cần thiết phải chuyển đổi số, không ai cần tổng kết xem có bao nhiêu % chuyển đổi số và ai chuyển đổi hiệu quả hơn. Tuy nhiên, có những mô hình thành công nhìn thấy rõ như New York Times. Nhờ chuyển đổi số nên doanh thu của tập đoàn báo chí này không còn quá lệ thuộc vào quảng cáo như trước (vốn lên tới 85-90%), các nguồn thu từ digital bao gồm thu phí báo điện tử, thu phí dịch vụ khác như trò chơi, hiện đã vượt doanh thu quảng cáo. Cũng nhờ chuyển đổi số, nhiều cơ quan báo chí ở Mỹ và châu Âu đã đạt tỷ lệ 20-35% từ nguồn thu digital, một tỷ lệ khá cao so với khoảng 5% hoặc ít hơn trước đây. Điều này cho thấy các cơ quan báo chí đang chuyển mình, giảm bớt lệ thuộc vào nguồn thu quảng cáo truyền thống, đa dạng hoá hoá nguồn thu, đa dạng hóa cách thức tiếp cận với khách hàng.

Nghiên cứu trong chuyển đổi số cho thấy, chuyển đổi số không phải là một quy trình làm xong là kết thúc mà hết quy trình này sẽ chuyển sang quy trình khác, không có điểm dừng. Vì vậy, đã có nhiều tập đoàn truyền thông thế giới đã thực hiện mấy vòng chuyển đổi số trong khi nhiều cơ quan báo chí ở nước ta vẫn đang loay hoay không biết bắt đầu từ đâu để làm vòng thứ nhất hoặc một số cơ quan mới trong quá trình số hoá đã tưởng là đang thực hiện chuyển đổi số.

Ở Việt Nam, trong nhiều lĩnh vực chúng ta chuyển đổi số rất nhanh như viễn thông hay thương mại điện tử, doanh nghiệp sử dụng trí tuệ nhân tạo để theo dõi đơn hàng, tiếp cận người dùng... nhưng riêng trong báo chí thì còn chậm. Một số cơ quan báo chí lớn đã làm khá tốt như Thông tấn xã Việt Nam, VTV, VOV... nhưng cũng ở chừng mực nhất định và mới dừng ở một số bộ phận, lĩnh vực. Có thể nói, chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí ở ta hiện còn chưa đồng bộ, chưa rộng khắp và chưa lan tỏa trong tất cả các đơn vị.

Chuyển đổi số là tạo ra sản phẩm mới, tạo cách thức kinh doanh mới, cách thức tiếp cận với người dùng mới, thậm chí tạo ra cả văn hoá mới trong toà soạn. Digital là tương lai, hôm qua là máy tính hôm nay là smartphone, ngày mai có thể sẽ là những thiết bị đeo trên người và biến đổi qua nhiều hình thức khác nhau. Với báo chí, hôm nay chúng ta mới đưa nội dung dưới dạng văn bản, âm thanh, ảnh, video, podcast nhưng ngày mai có thể là điều khiển mọi thứ qua thiết bị đeo trên người, là ảo thay vì các thiết bị vật lý. Vì thế, có thể nói chuyển đổi số là một con đường dài, nếu không thể nhìn xa hơn thì cũng cần có tầm nhìn 3-5 năm, đừng để lỡ nhịp, đừng đợi người khác thành công mới bắt tay vào làm.

Xin cảm ơn ông!

Theo Nhà Đầu tư

Link gốc