Máy bay chiến đấu J-20 Trung Quốc. Ảnh: People. |
Trong cuộc họp báo ngày 28/9, Bộ Quốc phòng Trung Quốc xác nhận, máy bay chiến đấu tàng hình J-20 đã trang bị cho quân đội Trung Quốc, công tác thử nghiệm đang được tiến hành theo kế hoạch.
Trước đó, máy bay chiến đấu J-20 từng hai lần xuất hiện tại 2 sự kiện bao gồm Triển lãm hàng không Chu Hải năm 2016 và Lễ duyệt binh tròn 90 năm thành lập quân đội Trung Quốc năm 2017.
Nghi vấn có tiến bộ về động cơ
Tờ Đa Chiều ngày 29/8 cho rằng J-20 trang bị cho quân đội có nghĩa là Trung Quốc đã nắm được toàn bộ công nghệ bao gồm radar, thân máy bay tàng hình, tên lửa, máy tính kiểm soát hỏa lực và động cơ.
Trong khi đó, gần đây chiếc máy bay chiến đấu J-20 đánh số 2021 đã xuất hiện trên các trang mạng của Trung Quốc vào ngày 18/9, được cho là đã trang bị động cơ Thái Hành phiên bản cải tiến. Trung Quốc đang nỗ lực để J-20 thoát khỏi sự lệ thuộc vào động cơ Nga với điển hình là máy bay chiến đấu J-11.
Theo tờ Chinatimes (Đài Loan), động cơ hàng không là “trái tim” của máy bay. Máy bay chiến đấu tàng hình mới J-20 đổi sang dùng “trái tim Trung Quốc” có ý nghĩa to lớn đối với quốc phòng và hệ thống công nghiệp của Trung Quốc.
Sự tiến bộ trong phát triển động cơ cho máy bay J-20 được lợi từ sự đột phá về vật liệu mới của Trung Quốc. Trong tương lai, Trung Quốc sẽ có khả năng chế tạo hàng loạt động cơ máy bay chiến đấu.
Trung Quốc đã coi trọng nghiên cứu phát triển động cơ máy bay trong nhiều năm qua. Gần đây, cuộc khủng hoảng Ukraine đã tăng thêm cơ hội cho Trung Quốc đạt được tiến bộ mới trong lĩnh vực này với sự tham gia đông đảo của các chuyên gia hàng không Ukraine.
Nhiệm vụ mới sau biên chế
Đánh giá về máy bay chiến đấu J-20 vừa biên chế, chuyên gia quân sự Trung Quốc Doãn Trác cho rằng trang bị J-20 có nghĩa là máy bay này đã định hình và được sản xuất quy mô nhỏ.
Doãn Trác khẳng định, sau khi tiếp nhận máy bay chiến đấu tàng hình J-20, đơn vị tiếp nhận sẽ tiếp tục tiến hành bay thử, hoạt động bay thử này khác với bay thử của đơn vị sản xuất.
Dựa trên kết quả bay thử, quân đội Trung Quốc sẽ tổ chức biên soạn sổ tay hướng dẫn bay, điều lệnh bay, sổ tay bảo trì, bảo dưỡng. Sau khi xác định được các chỉ tiêu kỹ chiến thuật của máy bay chiến đấu, J-20 sẽ bước vào giai đoạn sản xuất hàng loạt.
Doãn Trác cho rằng, một nhiệm vụ quan trọng khác của đơn vị quân đội tiếp nhận J-20 là đào tạo phi công. J-20 được Trung Quốc định vị là máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư, có sự khác biệt lớn so với các máy bay chiến đấu thế hệ cũ. Việc đào tạo phi công sẽ rất phức tạp, đòi hỏi phi công phải thay đổi rất nhiều thói quen bay, phải tìm hiểu nguyên lý của các thiết bị thông tin tiên tiến và học cách kiểm soát chúng.
Trương Hạo, phi công từng lái máy bay chiến đấu J-20 tham gia duyệt binh ở căn cứ Chu Nhật Hòa, cho biết J-20 có tính năng tăng giảm tốc độ ưu việt, tốc độ trung bình ổn định. J-20 bay ở tốc độ siêu âm và cận âm đều tốt.
Nhu cầu vài trăm chiếc
Tháng 6/2017, các hình ảnh và video trên mạng cho thấy có 5 máy bay chiến đấu J-20 bay theo biên đội. Sau đó lại có 3 máy bay J-20 tham gia duyệt binh Chu Nhật Hòa. Chuyên gia Doãn Trác cho rằng hiện có khoảng 10 máy bay J-20 đã trang bị cho quân đội, có quy mô gần bằng một đại đội.
Trong khi đó, tờ Phượng Hoàng Hồng Kông cho rằng hiện nay quân đội Trung Quốc trang bị 12 - 14 máy bay J-20. Số máy bay này là phiên bản sản xuất, không bao gồm các máy bay thử nghiệm có số hiệu từ 2001 - 2017, thậm chí cả máy bay mới số hiệu 2021.
Chuyên gia Doãn Trác cho rằng quy mô máy bay chiến đấu do nhu cầu quân đội và năng lực kinh tế quốc gia, năng lực sản xuất quyết định. Chẳng hạn nhu cầu ban đầu về máy bay chiến đấu tàng hình F-22 của quân đội Mỹ là 600 - 700 chiếc, quy mô mua sắm thực tế chỉ 189 chiếc, điều này có liên quan đến sức mạnh quốc gia của Mỹ giảm đi.
Nhu cầu mua sắm J-20 của Trung Quốc có thể đạt vài trăm chiếc. Ngoài máy bay chiến đấu hạng nặng J-20, quân đội Trung Quốc còn có thể trang bị máy bay chiến đấu hạng trung J-31 với giá cả rẻ hơn.
Nhiều đối thủ khu vực
Doãn Trác tự tin cho rằng, trang bị J-20 giúp cho Trung Quốc khắc phục được “khoảng cách thế hệ” với các cường quốc quân sự trên thế giới, thậm chí sẽ có ưu thế trên không nhất định so với những nước mua máy bay chiến đấu hạng trung F-35 ở khu vực xung quanh.
Chuyên gia quân sự Trung Quốc Doãn Trác chỉ ra, loại máy bay này có thể được triển khai ở các khu vực quan trọng, cần thiết nhất như duyên hải phía đông hoặc Biển Đông.
Theo tờ Phượng Hoàng, hiện nay, tình hình Đông Bắc Á ngày càng căng thẳng. Gần đây, máy bay ném bom chiến lược B-1B và máy bay chiến đấu tàng hình F-35A của Mỹ ngày càng xuất hiện thường xuyên trên bầu trời Hàn Quốc, làm cho tình hình khu vực ngày càng căng thẳng.
Máy bay chiến đấu J-20 gần đây xuất hiện ở căn cứ huấn luyện Chu Nhật Hòa và căn cứ huấn luyện Thương Châu (Hà Bắc) - những khu vực gần với bán đảo Triều Tiên rõ ràng đã phát đi lời cảnh cáo: Một khi tình hình bán đảo Triều Tiên mất kiểm soát, Trung Quốc có khả năng sử dụng trang bị tiên tiến để ứng phó.
Trong các hình ảnh công khai gần đây, J-20 còn xuất hiện cùng với máy bay chiến đấu J-16. Như vậy, khi có chiến sự, khả năng tàng hình sẽ giúp cho máy bay J-20 đóng vai trò “đạp cửa”, tiến hành tiêu diệt radar, trung tâm thông tin và chỉ huy. Tiếp đến, J-16 sẽ triển khai nhiệm vụ “quét sạch”, mở rộng thành quả chiến đấu.
Tờ Phượng Hoàng tự tin khẳng định rằng sự phối hợp giữa J-20 và J-16 sẽ có thể phá vỡ hoạt động “phòng thủ” của mọi đối thủ ở khu vực xung quanh Trung Quốc.
Theo tờ Chinatimes Đài Loan ngày 30/9, thông tin J-20 đưa vào biên chế làm cho hải quân Trung Quốc vui hơn so với không quân Trung Quốc, vì nó có ý nghĩa quan trọng hơn, giúp Trung Quốc có thể đối phó với lực lượng đường không trong cụm tấn công tàu sân bay Mỹ.
Hiện nay, máy bay chiến đấu J-15 trên tàu sân bay Liêu Ninh có bán kính tác chiến hạn chế, do lệ thuộc vào phương thức cất cánh kiểu nhảy cầu. Trong khi đó, máy bay chiến đấu tàng hình F-35 sẽ được trang bị quy mô lớn cho quân đội Mỹ, bao gồm hải quân Mỹ trong thời gian tới.
Vì vậy, tàu sân bay Trung Quốc muốn tranh chấp quyền kiểm soát trên không với tàu sân bay Mỹ thì phải dựa vào máy bay chiến đấu mới, phải đưa máy bay J-20 lên tàu sân bay, nhất là tàu sân bay trang bị máy phóng trong tương lai, triển khai tác chiến đồng bộ với J-15.