Trung Quốc đưa J-20 theo tàu sân bay Liêu Ninh “khoe cơ bắp“

VietTimes -- Hành động của biên đội tàu sân bay Liêu Ninh lần này là "bắn một mũi tên trúng nhiều con chim", không những có thể uy hiếp Đài Loan, mà còn "khoe cơ bắp" ở khu vực Biển Đông.
Biên đội tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc. Ảnh: Reuters/Thời báo Tự do Đài Loan.
Biên đội tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc. Ảnh: Reuters/Thời báo Tự do Đài Loan.

Tờ Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) ngày 27/6 cho hay hiện nay báo chí Đài Loan đã xôn xao về việc Trung Quốc điều biên đội tàu sân bay Liêu Ninh đến Hồng Kông tham gia các hoạt động chúc mừng tròn 20 năm Hồng Kông quay trở về với Trung Quốc.

Mặc dù Trung Quốc vẫn chưa công bố chính thức việc này, nhưng tàu sân bay Liêu Ninh đã rời cảng, đã trở thành đề tài bàn luận sôi nổi trong dư luận Đài Loan.

Theo trang tin NOWnews Đài Loan ngày 26/6, quân đội Trung Quốc ngày 25/6 tuyên bố biên đội gồm tàu sân bay Liêu Ninh và 3 tàu hộ tống khác đã khởi hành rời Thanh Đảo ra biển, chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ huấn luyện cơ động xuyên qua các vùng biển khác nhau.

Mặc dù Trung Quốc chưa chính thức công bố hành trình, nhưng có tờ báo Hồng Kông cho biết tàu sân bay Liêu Ninh sẽ đến Hồng Kông tham gia các hoạt động chúc mừng.

Trong quá trình này, khả năng tàu sân bay Liêu Ninh đi qua vùng biển lân cận Đài Loan đã thu hút dư luận Đài Loan. Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết họ sẽ tiếp tục theo dõi các động thái, chuẩn bị tốt các biện pháp ứng phó.

Theo kênh truyền hình TTV NEWS Đài Loan ngày 26/6, trong biên đội tàu sân bay Liêu Ninh vừa ra khơi lần này ngoài tàu sân bay Liêu Ninh còn có 2 tàu khu trục tên lửa (Type 052C/D), 1 tàu hộ vệ tên lửa (Type 054A) và nhiều máy bay chiến đấu, máy bay trực thăng.

Tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc. Ảnh: AFP
Tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc. Ảnh: AFP

Hành động của biên đội tàu sân bay Liêu Ninh lần này có thể được cho là "bắn một mũi tên trúng nhiều con chim", không những có thể tiếp tục đi qua vùng biển lân cận Đài Loan, mà còn thể hiện tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Ngoài ra, Trung Quốc có thể mở cửa cho người dân Hồng Kông tham quan tàu sân bay Liêu Ninh, thể hiện tác phong "thân dân".

Hãng tin CNA Đài Loan ngày 26/6 dẫn nguồn tin từ Hồng Kông cho biết tàu sân bay Liêu Ninh dự định sẽ đến Hồng Kông vào ngày 7/7/2017, đậu ở đó trong 2 ngày.

Việc lựa chọn ngày 7/7 đến Hồng Kông có ý nghĩa đặc biệt, đó là ngày kỷ niệm tròn 80 năm sự kiện cầu Lư Câu (phát xít Nhật tấn công Trung Quốc), có ý nghĩa là "không quên quốc nhục".

Có tin cho biết khi tàu sân bay Liêu Ninh đến Hồng Kông, ngoài máy bay chiến đấu J-15, máy bay chiến đấu tàng hình tiên tiến nhất J-20 của quân đội Trung Quốc cũng sẽ cùng đến Hồng Kông.

Về tuyến đường đi, tàu sân bay Liêu Ninh có thể đi xuyên qua eo biển Miyako, rồi vòng ra vùng biển phía đông Đài Loan xuống phía nam, đi vào eo biển Bashi, cuối cùng đến Hồng Kông. Điều này tạo ra thách thức cho Đài Loan như trong năm 2016. Bộ Quốc phòng Đài Loan khẳng định đã triển khai giám sát chặt chẽ, toàn diện.

Huấn luyện máy bay chiến đấu J-15 trên tàu sân bay Liêu Ninh, Trung Quốc. Ảnh: Sohu
Huấn luyện máy bay chiến đấu J-15 trên tàu sân bay Liêu Ninh, Trung Quốc. Ảnh: Sohu

Một số chính khách "phe lục" Đài Loan đã tận dụng việc này để lên tiếng. Ngày 26/6, La Trí Chính, ủy viên Ủy ban quốc phòng và ngoại giao Viện Lập pháp Đài Loan cho rằng hoạt động chạy quanh Đài Loan của biên đội tàu sân bay Liêu Ninh Trung Quốc đã trở nên thường xuyên, nhưng "không hợp lý", Đài Loan cần theo dõi chặt chẽ, tiến hành chuẩn bị ứng phó cần thiết.

La Trí Chính còn tuyên bố, trước Đại hội 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, bất cứ động thái quân sự nào đều có ý đồ chính trị, một mặt cắt đứt tương tác với Đài Loan, mặt khác tăng cường gây sức ép với Đài Loan về quân sự và ngoại giao. Vì vậy, ở trên các cấp độ, Trung Quốc áp thái độ gây sức ép với Đài Loan rất rõ ràng.

Tờ Thời báo Tự do Đài Loan cho rằng biên đội tàu sân bay Liêu Ninh triển khai hành động lần này đã tạo ra "hiệu ứng phá vỡ thế cân bằng khu vực" đối với tình hình Đông Á hoặc Biển Đông.

Đài Loan ở vị trí trọng yếu của Đông Á, biên đội tàu sân bay Liêu Ninh Trung Quốc muốn đến Tây Thái Bình Dương huấn luyện biển xa hoặc tiến hành huấn luyện liên hợp 3 hạm đội lớn ở các vùng biển khác nhau thì đều phải đi qua vùng biển xung quanh Đài Loan hoặc đi qua eo biển Đài Loan.

Điều này chắc chắn sẽ gia tăng sức ép lên phòng thủ của Đài Loan, nhưng càng cho thấy vị trí và giá trị chiến lược của Đài Loan. Giữa Đài Loan và các nước Mỹ, Nhật Bản có lợi ích chiến lược chung, cần sớm hợp tác ứng phó thì mới có thể xây dựng có hiệu quả mạng lưới phòng thủ - Tờ Thời báo Tự do Đài Loan nhấn mạnh.

Máy bay chiến đấu tàng hình J-20 Trung Quốc. Ảnh: Cankao
Máy bay chiến đấu tàng hình J-20 Trung Quốc. Ảnh: Cankao