|
Xe tăng Israel được bố trí gần biên giới Israel-Gaza, tại Israel, ngày 18/3. Ảnh: Reuters. |
Israel có thể tiến hành chiếm toàn bộ Dải Gaza và trực tiếp kiểm soát hoạt động viện trợ nhân đạo trong một chiến dịch quân sự mở rộng nhằm vào phong trào vũ trang Hamas, theo kế hoạch vừa được Nội các An ninh của Thủ tướng Benjamin Netanyahu phê duyệt hôm 5/5.
Một quan chức quốc phòng Israel tiết lộ chiến dịch này sẽ chỉ được bắt đầu sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump kết thúc chuyến thăm Trung Đông vào tuần tới.
Quyết định được đưa ra sau nhiều tuần đàm phán ngừng bắn với Hamas không đạt kết quả, cho thấy nguy cơ cuộc chiến – vốn đang khiến Israel đối mặt với áp lực quốc tế gia tăng và sự ủng hộ suy giảm trong nước – sẽ tiếp tục mà chưa có hồi kết.
Một người phát ngôn chính phủ Israel cho biết trên mạng rằng quân dự bị đang được huy động để mở rộng chiến dịch tại Gaza, nhưng phủ nhận ý định "chiếm đóng" lãnh thổ.
Kênh truyền hình công cộng Kan của Israel dẫn nguồn thạo tin cho biết, kế hoạch mới sẽ được triển khai theo từng giai đoạn trong nhiều tháng, bắt đầu từ một khu vực cụ thể của Dải Gaza – vùng đất vốn đã bị tàn phá nặng nề.
Hiện tại, quân đội Israel đã kiểm soát khoảng một phần ba diện tích Dải Gaza, di dời người dân và thiết lập các trạm quan sát, hệ thống giám sát tại các "vùng an ninh". Tuy nhiên, kế hoạch mới sẽ tiến xa hơn.
Một quan chức trong chính phủ Israel cho biết chiến dịch lần này sẽ bao gồm việc chiếm toàn bộ lãnh thổ Gaza, buộc người dân di dời về phía nam và kiểm soát chặt hoạt động viện trợ để không rơi vào tay Hamas.
Quan chức quốc phòng nói rằng việc phân phối viện trợ – vốn do các tổ chức quốc tế và Liên Hợp Quốc thực hiện – sẽ được chuyển giao cho các công ty tư nhân và chỉ diễn ra tại khu vực Rafah ở phía nam sau khi chiến dịch bắt đầu.
Lực lượng quân đội Israel – vốn nhiều lần thể hiện không muốn chiếm đóng Gaza – từ chối bình luận về các tuyên bố từ giới chức và chính trị gia.
Israel đã nối lại chiến dịch quân sự tại Gaza từ tháng 3 sau khi thỏa thuận ngừng bắn do Mỹ bảo trợ đổ vỡ. Từ đó đến nay, Tel Aviv đã phong tỏa viện trợ vào khu vực, khiến Liên Hợp Quốc và các tổ chức nhân đạo cảnh báo nguy cơ nạn đói cận kề với 2,3 triệu dân Gaza.
Quan chức quốc phòng cho biết Israel sẽ duy trì các “vùng an ninh” đã chiếm được quanh rìa Gaza vì đây là “tuyến phòng thủ sống còn” cho các cộng đồng Israel gần đó.
Tuy nhiên, ông cũng nói rằng chuyến thăm của Tổng thống Trump tới khu vực vào tuần tới mở ra một “cửa sổ cơ hội” cho một thỏa thuận ngừng bắn và trao đổi con tin.
“Nếu không đạt được thỏa thuận trao đổi con tin, Chiến dịch ‘Chiến Xa Gideon’ sẽ bắt đầu với cường độ lớn và chỉ kết thúc khi mọi mục tiêu được hoàn thành”, ông tuyên bố.
Trong khi đó, đại diện Hamas, ông Mahmoud Mardawi, phản bác và gọi các điều kiện của Israel là “sức ép và tống tiền”.
“Chúng tôi sẽ không chấp nhận bất kỳ thỏa thuận nào ngoài một thỏa thuận toàn diện, bao gồm ngừng bắn hoàn toàn, rút quân toàn bộ khỏi Gaza, tái thiết dải đất này và trả tự do cho tất cả tù nhân từ cả hai phía”, ông nói.
“Chiếm đóng” bị đặt lại tên?
Tới nay, Israel vẫn chưa đưa ra kế hoạch rõ ràng cho tương lai hậu chiến tại Gaza, nơi phần lớn dân cư đã phải rời bỏ nhà cửa và sống nhờ vào nguồn viện trợ ngày càng cạn kiệt.
Các Bộ trưởng Israel cho rằng không thể tiếp tục để các tổ chức quốc tế phân phối viện trợ vì cáo buộc Hamas chiếm đoạt phần lớn hàng hóa dành cho dân thường. Giới chức nước này đang xem xét việc giao cho các nhà thầu tư nhân thực hiện phân phối, thông qua các "trung tâm hậu cần" do Israel kiểm soát, theo mô tả của Liên Hợp Quốc.
Hôm đầu tuần, ông Jan Egeland, Tổng thư ký Hội đồng Người tị nạn Na Uy, viết trên X rằng Israel đang yêu cầu LHQ và các tổ chức phi chính phủ dừng hệ thống phân phối viện trợ tại Gaza.
Ngay lập tức, quyết định mở rộng chiến dịch nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các bộ trưởng cánh hữu trong chính phủ Israel, vốn từ lâu kêu gọi chiếm toàn bộ Dải Gaza và di dời vĩnh viễn dân cư – phù hợp với kế hoạch "Riviera" mà ông Trump từng nêu hồi tháng Hai.
“Chúng ta cuối cùng sẽ chinh phục Gaza. Chúng ta không còn sợ cụm từ ‘chiếm đóng’ nữa”, Bộ trưởng Tài chính Bezalel Smotrich phát biểu tại một hội nghị trực tuyến ủng hộ người định cư.
Tuy nhiên, trong bối cảnh Israel phải đối phó với các mối đe dọa từ phiến quân Houthi do Iran hậu thuẫn ở Yemen – những người vừa bắn tên lửa gần sân bay Ben Gurion hôm Chủ nhật – cùng với tình hình bất ổn tại Syria và Bờ Tây, khả năng duy trì chiến dịch quân sự kéo dài cũng đối mặt với nhiều hạn chế.
Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Israel, Trung tướng Eyal Zamir, cho biết quân đội đã bắt đầu phát lệnh triệu tập hàng chục nghìn quân dự bị để mở rộng chiến dịch tại Gaza. Ông Zamir – người mới nhậm chức từ tháng Ba – từng phản đối các yêu cầu cắt viện trợ hoàn toàn và nói với các bộ trưởng rằng Israel cần sớm mở lại luồng viện trợ, theo Kan.
Cuộc chiến nổ ra từ vụ tấn công của Hamas vào ngày 7/10/2023 khiến 1.200 người Israel thiệt mạng – hầu hết là dân thường – và 251 người bị bắt làm con tin, trong ngày đẫm máu nhất trong lịch sử Israel.
Chiến dịch không kích và tấn công trên bộ của Israel từ đó đến nay đã khiến hơn 52.000 người Palestine thiệt mạng, phần lớn là dân thường – theo số liệu từ cơ quan y tế địa phương – và khiến phần lớn Dải Gaza bị tàn phá nặng nề.
Hiện chỉ còn khoảng 59 con tin bị giam giữ tại Gaza, trong đó có thể chỉ còn 24 người sống sót. Gia đình các con tin lo ngại chiến sự sẽ đe dọa tính mạng người thân, trong khi các nhà phân tích cho rằng Israel có thể bị cuốn vào một cuộc chiến du kích kéo dài, không mang lại nhiều lợi ích rõ ràng.
Các cuộc khảo sát liên tiếp gần đây cho thấy sự ủng hộ công chúng Israel dành cho chiến tranh đang giảm sút mạnh. Nhiều người dân bày tỏ mong muốn chính phủ đạt thỏa thuận ngừng bắn và đưa các con tin trở về an toàn.