Cuộc chia tay âm thầm giữa người dân Mỹ và chiếc ô tô

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Giấc mơ sở hữu ô tô đang dần phai nhạt ở Mỹ khi giá xe, phí bảo hiểm và chi phí bảo dưỡng tăng vọt. Người tiêu dùng chuyển sang thuê xe, chia sẻ xe và phương tiện công cộng.

Nguoi dan My ngay cang het hung thu voi viec so huu xe o to.png
Chi phí bảo dưỡng và sửa chữa xe ô tô tăng sau đại dịch COVID-19, số vụ tai nạn gia tăng, phí bảo hiểm ô tô tăng khiến người dân Mỹ giảm hứng thú sở hữu ô tô. Ảnh: Washington Post.

Trong nhiều thập kỷ, việc sở hữu một chiếc ô tô ở Mỹ không chỉ đơn thuần là nhu cầu di chuyển hay biểu tượng của sự sung túc – đó còn là hiện thân cho tinh thần độc lập, cá tính và thành công cá nhân. Ô tô trước đây đã góp phần định hình mạng lưới đường sá, kiến trúc đô thị, vùng ngoại ô và cả lối sống Mỹ suốt thế kỷ qua.

Thế nhưng hiện tại, trước áp lực giá cả leo thang, ngày càng nhiều người Mỹ tìm đến những giải pháp thay thế rẻ hơn và thân thiện với môi trường hơn như phương tiện công cộng, dịch vụ gọi xe, chia sẻ xe (car-sharing) hoặc thuê xe ngắn hạn thay vì sở hữu lâu dài.

Vì sao xu hướng này đáng chú ý?

Thị trường ô tô Mỹ trong những năm gần đây chứng kiến mức tăng giá đáng kể cả ở phân khúc xe mới lẫn xe đã qua sử dụng. Giới phân tích dự báo, các mức thuế nhập khẩu do chính quyền Tổng thống Donald Trump áp dụng đối với ô tô và linh kiện nhập khẩu có thể tiếp tục đẩy giá bán lên cao, làm trầm trọng thêm áp lực tài chính lên người mua xe.

Bên cạnh đó, chi phí bảo dưỡng và sửa chữa xe cũng tăng sau đại dịch COVID-19, một phần do tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng, phần khác do số vụ tai nạn gia tăng vì hành vi lái xe thiếu thận trọng. Ngoài ra, phí bảo hiểm ô tô cũng liên tục tăng cao. Theo số liệu từ trang tài chính Bankrate, mức phí bảo hiểm trung bình tại Mỹ hiện đạt 2.685 USD/năm, tăng khoảng 12% so với cùng kỳ năm trước.

Trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ đối mặt với nguy cơ suy thoái, những chi phí này đang trở thành thách thức lớn đối với ngân sách của nhiều hộ gia đình.

Người tiêu dùng ngày càng dè dặt

Theo khảo sát mới nhất từ WalletHub, tỷ lệ người Mỹ có kế hoạch mua xe trong 6 tháng tới đã giảm 13,4% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chính được cho là những lo ngại về tác động của chính sách thuế quan mới lên giá xe cũng như nền kinh tế nói chung.

"Ô tô là một trong những khoản chi tiêu lớn nhất của người tiêu dùng. Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, việc người dân thận trọng hơn khi quyết định mua xe là điều dễ hiểu", ông Karl Brauer, chuyên gia phân tích cấp cao tại iSeeCars, nhận định với tạp chí Newsweek.

Theo ông Brauer, ngay cả những mẫu xe lắp ráp tại Mỹ cũng phụ thuộc đáng kể vào linh kiện nhập khẩu. "Nếu thuế áp dụng cả với xe và linh kiện, chi phí sản xuất chắc chắn sẽ tăng. Các nhà sản xuất có thể chia sẻ một phần gánh nặng, nhưng nếu mức thuế lên tới 25% hoặc cao hơn, phần lớn chi phí cuối cùng sẽ chuyển sang người tiêu dùng", ông giải thích.

Trước làn sóng phản đối từ ngành công nghiệp ô tô nội địa, chính quyền Tổng thống Trump đã có điều chỉnh chính sách, cho phép các nhà sản xuất xe được khấu trừ tới 15% giá trị xe lắp ráp trong nước khi nhập khẩu linh kiện. Ngoài ra, các sản phẩm này cũng không phải chịu thêm các loại thuế nhập khẩu khác như thuế 25% áp dụng với hàng hóa từ Canada và Trung Quốc hay thuế thép, nhôm.

Tuy nhiên, giới chuyên gia đánh giá hiệu quả thực tế của chính sách này sẽ rất hạn chế. Ông Patrick Masterson, chuyên gia tại Cars.com, cho biết: "Không có mẫu xe nào được sản xuất 100% tại Mỹ. Ngay cả Tesla Model Y - dẫn đầu chỉ số American-Made Index năm 2024 - cũng chỉ đạt 75% tỷ lệ linh kiện nội địa. Điều này đồng nghĩa với việc đa số xe trên thị trường chỉ đủ điều kiện hưởng một phần nhỏ ưu đãi thuế, và người tiêu dùng khó có thể mong đợi mức giá giảm đáng kể".

Ông Mark Hamrick, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Bankrate, cho biết nhiều người Mỹ đã tranh thủ mua xe trong quý đầu năm để tránh đợt tăng giá mới. "Niềm tin tiêu dùng đang suy giảm rõ rệt. Người dân ngày càng thận trọng hơn với các quyết định tài chính lớn, đặc biệt là việc mua ô tô - một trong những khoản chi tiêu đắt đỏ nhất. Trong khi đó, cả giá xe lẫn lãi suất vay mua xe vẫn duy trì ở mức cao", ông Hamrick nhận định.

Một người đi xe máy di chuyển trong tình trạng ùn tắc giao thông trên đường liên bang số 5 hướng Nam vào trung tâm thành phố San Diego vào giờ cao điểm buổi chiều ngày 8 tháng 4 năm 2025, tại San Diego, California..png
Một người đi xe máy di chuyển trong tình trạng ùn tắc giao thông trên tuyến đường liên bang đi vào trung tâm thành phố San Diego vào giờ cao điểm buổi chiều ngày 8/4 tại San Diego, California. Ảnh: Getty.

Khi xe riêng không còn là lựa chọn duy nhất

Ngay cả khi không còn sở hữu xe riêng, người dân Mỹ vẫn cần phương tiện để di chuyển. Và ngày càng nhiều người đang thích nghi với thực tế đó bằng cách chuyển sang những lựa chọn linh hoạt hơn.

Các dịch vụ như Uber, Lyft hay nền tảng chia sẻ xe Turo đang trở thành giải pháp phổ biến. Khảo sát mới nhất của Harris thực hiện trên nền tảng Turo cho thấy 60% chủ xe ghi nhận chi phí sở hữu phương tiện đã tăng đáng kể trong 4 năm qua. Đáng chú ý, 48% người được hỏi đang cân nhắc từ bỏ việc mua hoặc thuê xe dài hạn.

Theo các chuyên gia, mô hình thuê xe đang trở nên hấp dẫn nhờ giảm bớt gánh nặng tài chính trước mắt. "Thuê xe giúp giảm áp lực chi tiêu hàng tháng," ông Mark Hamrick, chuyên gia kinh tế tại Bankrate, nhận định. "Tuy nhiên, điểm bất lợi là người dùng không tích lũy được tài sản. Trong khi đó, nếu mua xe trả góp, sau khi hoàn tất các khoản thanh toán, họ sẽ sở hữu phương tiện và có thể tiết kiệm hơn về lâu dài".

Albert Mangahas, Giám đốc dữ liệu tại Turo, cho biết các mô hình chia sẻ xe và thuê xe theo nhu cầu đang phát triển nhanh chóng khi người tiêu dùng tìm kiếm giải pháp di chuyển linh hoạt, phù hợp với ngân sách eo hẹp. "Gần một nửa số người được khảo sát sẵn sàng chuyển sang các hình thức như chia sẻ xe hoặc đăng ký sử dụng xe theo gói. Đáng chú ý, 57% bày tỏ mong muốn được sử dụng xe mà không cần sở hữu lâu dài."

Trong khi đó, giao thông công cộng vẫn là lựa chọn tiết kiệm và thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, giải pháp này chỉ thực sự khả thi với cư dân các đô thị lớn, còn tại các vùng ngoại ô và khu vực ít dân cư - nơi hệ thống hạ tầng còn hạn chế - thì vẫn chưa phải là lựa chọn tối ưu.

Cuộc cách mạng “không lái xe” bắt đầu

Dù việc lái xe đã ăn sâu vào lối sống Mỹ, ngày càng nhiều người lựa chọn gác lại vô lăng. Theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew công bố cuối năm 2024, cứ 10 người Mỹ thì có 1 người hiếm khi hoặc không bao giờ lái xe – trong đó 6% hoàn toàn không lái.

Tỷ lệ người không lái xe tại khu vực đô thị lên tới 18%, gấp đôi so với khu vực ngoại ô (6%) và vùng nông thôn (8%).

Tình trạng này phổ biến hơn ở các hộ gia đình có thu nhập thấp (19%), người Mỹ gốc Phi (21%) và những người dưới 30 tuổi (15%).

Chi phi o to, bao hiem gia tang khien nhieu nguoi ngai so huu o to.png
Sở hữu xe ô tô giờ không còn là lựa chọn tối ưu của nhiều người dân Mỹ. Ảnh: Freepik.

Dù phần lớn trong số họ từ bỏ việc lái xe vì điều kiện tài chính, thì với thế hệ trẻ, đây lại là lựa chọn mang tính chủ động – và ngày càng nhận được sự đồng thuận.

Theo số liệu mới công bố từ Bộ Giao thông Mỹ, tỷ lệ thanh thiếu niên 16 tuổi có bằng lái xe đã giảm mạnh từ 50% năm 1983 xuống chỉ còn 25% vào năm 2022. Xu hướng tương tự cũng được ghi nhận ở nhóm 18 tuổi khi tỷ lệ này giảm từ 80% xuống 60% sau gần 40 năm.

Phân tích cơ cấu người có bằng lái theo thế hệ cho thấy sự chênh lệch đáng kể. Tính đến năm 2022, thế hệ Gen Z (sinh trong khoảng 1997-2012) chỉ chiếm 12,4% tổng số người có bằng lái, trong khi tỷ lệ này ở thế hệ Millennials (sinh trong khoảng1981-1996) là 25,9% và Gen X (sinh trong khoảng 1965-1980) là 28,2%.

Ông Albert Mangahas, Giám đốc dữ liệu tại Turo, nhận định: "Có thể thấy rõ sự thay đổi trong quan điểm của giới trẻ Mỹ. Giấc mơ sở hữu một chiếc xe hơi đang dần phai nhạt ở các thế hệ trẻ".

Kết quả khảo sát mới nhất do Turo phối hợp với Harris Poll thực hiện càng củng cố nhận định này khi 58% Gen Z và 56% Millennials được hỏi cho biết họ có xu hướng lựa chọn các giải pháp di chuyển thay thế thay vì mua hoặc thuê xe dài hạn trong năm 2025.

Điều đáng nói là xu hướng này không chỉ giới hạn ở thế hệ trẻ. Theo ông Mangahas, ngày càng nhiều người thuộc các thế hệ lớn tuổi hơn cũng bắt đầu cởi mở với các giải pháp di chuyển thay thế do áp lực từ chi phí sở hữu và bảo dưỡng xe ngày càng tăng cao. Sự thay đổi này đang tạo ra những chuyển biến sâu sắc trong thói quen di chuyển và quan điểm về sở hữu phương tiện cá nhân của người dân Mỹ.

Hơn 60% người tham gia cho biết chi phí sử dụng xe đã tăng đáng kể trong 4 năm qua, bao gồm các khoản chi phí sửa chữa, bảo hiểm và thuế quan khiến việc sở hữu xe trở nên kém hấp dẫn. Đặc biệt, 62% người thuộc thế hệ Baby Boomers (sinh từ 1946-1964) dự đoán chi phí này sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Xu hướng từ bỏ sở hữu xe đang ngày càng phổ biến. Hai phần ba số người thuộc thế hệ Baby Boomers được hỏi khẳng định họ không có kế hoạch mua hoặc thuê dài hạn xe trong năm 2025. Bên cạnh đó, 71% nhóm này cho rằng dịch vụ thuê xe là giải pháp thiết yếu khi không có phương tiện công cộng, chứng tỏ mô hình "di chuyển theo nhu cầu" đã trở thành lựa chọn chung của nhiều thế hệ, không chỉ giới hạn ở người trẻ.

Theo Newsweek