
Ủy ban châu Âu (EC) đang lên kế hoạch đề xuất luật chấm dứt toàn bộ việc nhập khẩu khí đốt từ Nga, bao gồm cả khí hóa lỏng (LNG), vào cuối năm 2027, hãng tin Bloomberg dẫn nguồn thạo tin hôm 5/5 cho biết.
Đây được xem là bước đi mạnh mẽ nhất của Liên minh châu Âu (EU) nhằm cắt đứt sự phụ thuộc năng lượng vào Moscow – nhà cung cấp lớn nhất của khối trước khi xung đột tại Ukraine bùng phát năm 2022.
Dù lượng khí đốt từ Nga qua đường ống sang châu Âu đã giảm mạnh trong hai năm qua, Nga vẫn là nguồn cung quan trọng thông qua tuyến dẫn qua Thổ Nhĩ Kỳ và các chuyến tàu LNG cập cảng các nước EU.
Theo Bloomberg, trong tháng 6 tới, EU dự kiến đề xuất cấm các hợp đồng mới và các giao dịch mua khí đốt giao ngay từ Nga, với hiệu lực bắt đầu vào cuối năm nay. Bên cạnh đó, Ủy ban châu Âu cũng chuẩn bị thông qua kế hoạch loại bỏ dần khí đốt đường ống và LNG từ Nga trong các hợp đồng dài hạn, với thời gian chuyển tiếp kéo dài đến hết năm 2027.
Kế hoạch dự kiến được công bố tại Strasbourg vào ngày thứ Ba tới, nhưng vẫn có thể thay đổi vào phút chót, theo các nguồn tin.
Trước đó, đề xuất cấm LNG Nga từng được đưa ra trong quá trình xây dựng gói trừng phạt thứ 16 của EU, được thông qua hồi tháng 2/2025, nhưng cuối cùng bị gác lại do vấp phải phản đối từ một số nước thành viên.
Theo Viện Phân tích Kinh tế và Tài chính Năng lượng (IEEFA), hiện Pháp, Tây Ban Nha và Bỉ vẫn tiếp tục nhập khẩu phần lớn LNG từ Nga, chiếm tới 85% tổng lượng khí hóa lỏng châu Âu mua từ quốc gia bị trừng phạt này.
Dù khí đốt qua đường ống từ Nga đã suy giảm đáng kể từ 2022, nhập khẩu LNG Nga vào EU lại tăng vọt. Năm 2024, Nga cung cấp 17,5% tổng lượng LNG nhập khẩu của khối, chỉ đứng sau Mỹ với 45,3%.
Nếu lệnh cấm được thông qua, giới quan sát nhận định đây sẽ là cơ hội để LNG Mỹ mở rộng hiện diện tại châu Âu. Washington từ lâu đã hối thúc EU giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga, từng mô tả LNG Mỹ là những “phân tử của tự do”.
Tuy nhiên, một báo cáo gần đây của Reuters cảnh báo rằng lệnh cấm LNG Nga có thể khiến EU suy yếu vị thế trong các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ – nơi Brussels đang tìm cách dùng nhập khẩu năng lượng làm đòn bẩy để yêu cầu Washington dỡ bỏ thuế với hàng hóa châu Âu.
Trong khi đó, một số lãnh đạo doanh nghiệp tại EU đang kêu gọi khối quay lại sử dụng khí đốt Nga giá rẻ, trong bối cảnh ngành sản xuất ngày càng lâm vào khủng hoảng do chi phí năng lượng cao.
Nga nhiều lần khẳng định nước này vẫn là đối tác cung ứng năng lượng đáng tin cậy, đồng thời lên án các biện pháp trừng phạt và hạn chế thương mại từ phương Tây là vi phạm luật pháp quốc tế. Moscow cũng tuyên bố đã thành công trong việc xoay trục xuất khẩu sang các "thị trường thân thiện".

Tổng thống Trump: "Ông Putin không nghe điện thoại của lãnh đạo châu Âu"

Cựu lãnh đạo CIA: Mỹ chỉ viện trợ để Ukraine "chảy máu", không thể chiến thắng
