|
Ảnh minh họa: 9to5mac |
Tuần qua, Qualcomm đệ đơn lên Tòa án tối cao bang California kiện Apple đã tuồn công nghệ sản xuất chip modem 4G độc quyền cho Intel. Trong thông cáo báo chí, Phó Chủ tịch kiêm cố vấn truyền thông của Intel, Steve Rodgers đã phủ nhận toàn bộ sự lời cáo buộc. Ông cho biết Intel sẽ cung cấp bằng chứng chống lại Qualcomm trước các nhà chức trách.
|
Phó chủ tịch và cố vấn truyền thông của Intel, Steve Rodgers. Ảnh: Intel
|
Ngoài nhắc lại tiền lệ về vi phạm bản quyền của Qualcomm trước đây, ông Rodger nhấn mạnh: “Qualcomm đã lĩnh mức phạt 975 triệu USD tại Trung Quốc, 850 triệu USD tại Hàn Quốc, 1,2 tỷ USD trước Ủy ban Châu Âu và 773 triệu USD tại Đài Loan”. Đồng thời, Qualcomm cũng bị tố cáo vi phạm luật luật chống độc quyền tại Nhật Bản và đang là nghi can của Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ.
Ông Steve Rodger đưa ra dẫn chứng rằng Qualcomm đã thất bại trong vụ tranh chấp với 88 kiến nghị bồi thường liên quan tới 6 bằng sáng chế (sau bị rút xuống còn 1 kiến nghị liên quan tới 1 bằng sáng chế) mà chính họ khởi xướng hồi đầu năm 2017, bao gồm công nghệ sản xuất chip modem 4G chống lại Intel và Apple. Tại phiên xét xử ngày 28/9, Qualcomm đã đề xuất Ủy ban Thương mại Quốc tế (ITC) Mỹ cấm nhập khẩu 5 mẫu iPhone vào thị trường nội địa là: iPhone X, 8, 8 Plus, 7 và 7 Plus của nhà mạng AT&T và T-Mobile.
|
Apple đã ngừng sử dụng chip modem 4G của Qualcomm trên bộ 3 iPhone Xs, Xs Max và Xr. Ảnh: Apple
|
Bước đầu, Thẩm phán Thomas Pender của Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ cho rằng đề xuất trên của Qualcomm không nên được thông qua. Ông Pender nói bóng gió: “Đó là kiến nghị của tôi, vì lợi ích cộng đồng, luật pháp nên cân nhắc lệnh cấm đối với các sản phẩm, cho tới khi cơ quan điều tra phát hiện vi phạm bằng sáng chế”.
Qualcomm cho biết đã chia sẻ mã nguồn công nghệ cho Intel vài năm trước, đồng thời thu thập chứng cứ từ các kỹ sư tham gia dự án phát triển bị Intel buộc thôi việc. Họ yêu cầu các công ty trong lĩnh vực bán dẫn phải ký kết thỏa thuận “không giấy phép, không sản xuất chip”, đồng thời các đối tác của công ty phải “chấp nhận giấy phép công nghệ viễn thông riêng để được phép sử dụng chip modem của Qualcomm”.
Phó chủ tịch Rodger chỉ trích đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng luật cạnh tranh không chỉ tại Mỹ, mà còn ở nhiều quốc gia khác. Ông khẳng định Intel, với đội ngũ kỹ sư hàng đầu, đã đi đầu trong lĩnh vực sáng chế trong vòng 50 năm qua, đặc biệt trong công nghệ máy tính và viễn thông. Cụ thể trong năm 2017, Văn phòng Bằng sáng chế Mỹ đã trao cho Intel nhiều bản quyền sáng chế hơn Qualcomm.
Phía Intel cho rằng chiến dịch tranh tụng sẽ làm gián đoạn quá trình ra mắt sản phẩm của Intel và gây khó khăn trực tiếp cho đội ngũ nghiên cứu. Vụ tranh chấp “tay ba” giữa Qualcomm, Apple và Intel hiện vẫn chưa chấm dứt cho tới khi có phán quyết cuối cùng của các nhà chức trách Mỹ, thậm chí là cả Tổng thống Donald Trump.