Apple bị tố ăn cắp bí mật công nghệ độc quyền và tuồn chúng cho đối thủ Intel để giảm sự phụ thuộc vào đối tác cung cấp chip viễn thông lớn nhất của mình. Ngày 24/9, Qualcomm chính thức trình lên Tòa án Tối cao bang California nhiều bằng chứng và tài liệu. Cùng mối quan hệ cơm “chẳng lành, canh chẳng ngọt” trước đây, cuộc chiến pháp lý lần này càng làm leo thang căng thẳng giữa 2 công ty công nghệ hàng đầu nước Mỹ.
Qualcomm khẳng định trong nhiều năm, Apple đã khởi xướng “chiến dịch bẩn thỉu, sai trái và dối trá để ăn cắp thông tin và bí mật thương mại của Qualcomm”. Tất cả nhằm giúp Intel cải thiện hiệu suất trên chip xử lý và cạnh tranh ngược lại với sản phẩm của chính Qualcomm. Bằng chứng đưa ra bao gồm các đoạn mã nguồn, công cụ phát triển phần mềm và các tệp nhật ký theo dõi hiệu suất.
Cuộc chiến pháp lý giữa Apple và Qualcomm bắt nguồn từ một cáo buộc từ phía Apple rằng Qualcomm đã hoạt động phi pháp, gây ảnh hưởng lớn tới hoạt động kinh doanh của Apple và cả ngành công nghiệp công nghệ cao. Apple đã đòi Qualcomm khoản bồi thường lên tới 1 tỷ USD vì hành vi thu phí bản quyền dựa trên giá thành mỗi sản phẩm thay vì dựa trên số lượng con chip cung cấp.
Phản bác lại cáo buộc từ Qualcomm, đại diện Apple cho rằng mặc dù được quyền tiếp cận với cơ sở dữ liệu nhưng không bất kỳ bằng chứng cho thấy công ty đánh cắp bí mật công nghệ của Qualcomm. Phía Qualcomm tiếp tục nhấn mạnh Apple đã ép buộc Qualcomm cung cấp các thông tin cần thiết.
CEO Qualcomm, Steve Mellenkopf. Ảnh: Forbes
|
Hiện tại, Qualcomm đang là nhà sản xuất linh kiện bán dẫn số 1 cho smartphone và các thiết bị di động. Từ năm 2011, Qualcomm được chọn là đối tác cung cấp chip viễn thông chính cho tất cả các mẫu iPhone. Tới tháng 9, Apple bất ngờ giảm đơn đặt hàng sản phẩm của Qualcomm, đồng thời công bố sẽ chuyển sang sử dụng chip modem Intel trên loạt iPhone mới.
Hơn một năm qua, mặc dù vẫn cung cấp chip cho iPhone nhưng Qualcomm đã nhiều lần đâm đơn kiện Apple lên Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ và Tòa án sở hữu trí tuệ Bắc Kinh vì hành động vi phạm bằng sáng chế. Trong vụ kiện tại thành phố San Diego lần này, Qualcomm cáo buộc Apple đi ngược lại thỏa thuận quan trọng về sử dụng công nghệ độc quyền giữa 2 công ty.
Theo thỏa thuận, Apple cam kết giữ bí mật công nghệ và mã nguồn của Qualcomm. Tuy nhiên, nhà sản xuất iPhone lại lén lút chia sẻ những thông tin nhạy cảm đó cho Intel. Để minh chứng cho tuyên bố của mình, Qualcomm đã cung cấp nhiều bằng chứng thuyết phục thẩm phán mở cuộc điều tra để vạch trần hành vi trộm cắp bí mật thương mại của Apple.
Tòa án tối cao bang California dự kiến mở phiên điều trần vào 30/11 và ấn định buổi xét xử vào tháng 4 năm sau. Theo tờ New York Times, nhiều chuyên gia tin rằng động cơ chủ yếu của Qualcomm trong vụ “huyết chiến” với Apple lần này là do số tiền bản quyền không thể thương thảo giữa 2 bên. Giám đốc điều hành Qualcomm, Steve Mellenkopf hy vọng: “Điều này thực sự tạo ra môi trường tốt hơn để giải quyết ít nhất là các vấn đề bản quyền kinh doanh của chúng tôi”.
Nhìn chung, vụ tranh chấp bản quyền với Apple chỉ là một trong những khó khăn lớn mà Qualcomm gặp phải trong thời gian gần đây. Giá trị cổ phiếu sụt giảm mạnh khiến công ty suýt chút nữa rơi vào tay đối thủ Broadcom. May mắn là thương vụ được định giá 130 triệu USD đã đổ bể vào phút chót nhờ quyết định của Tổng thống Donald Trump. Gần nhất, chính phủ Trung Quốc giáng đòn trừng phạt lên gã khổng lồ bán dẫn khi chặn thỏa thuận mua lại NXP trị giá 44 tỷ USD, khiến Qualcomm phải gánh chịu tổn thất 2 tỷ USD phí hủy bỏ hợp đồng.
Theo NY Times