Theo ThS.Bs. Ngô Gia Khánh - Trưởng Khoa Phẫu thuật lồng ngực mạch máu, Bệnh viện Bạch Mai - bệnh nhân N.M.H (41 tuổi), mắc bệnh Lupus (một loại bệnh lý gây ra do rối loạn đáp ứng miễn dịch) nhiều năm nay vẫn định kỳ đi khám và điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai.
Gần đây, bệnh nhân bị đau tức ngực, khó thở nhiều, triệu chứng ngày càng nặng nên đã đến bệnh viện để kiểm tra. Qua chẩn đoán hình ảnh, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân có khối u trung thất lớn, trọng lượng khoảng 4 kg, chiếm phần lớn thể tích lồng ngực. Khối u lớn làm giảm thể tích trường phổi hai bên, gây chèn ép tim và các mạch máu lớn trên nền bệnh lý mãn tính gây không ít lo ngại cho quá trình điều trị.
Sau khi hội chẩn liên khoa Tim mạch, Dị ứng, Gây mê hồi sức, Phẫu thuật lồng ngực để tìm phương án, các bác sĩ quyết định phẫu thuật để cắt bỏ khối u.
Vết mổ của bệnh nhân đã dần ổn định |
ThS.Bs. Ngô Gia Khánh - người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân - cho biết, khối u là tổ chức mỡ, chiếm toàn bộ trung thất và phần dưới khoang màng phổi, ranh giới u tương đối rõ với các tổ chức xung quanh. Khối u khổng lồ khiến hai phổi của bệnh nhân bị đẩy lên trên, ôm quanh tim và các mạch máu lớn, là nguyên nhân dẫn đến việc bệnh nhân bị tức ngực, khó thở.
Cũng theo ThS.Bs. Gia Khánh, khối u to, đường mổ lớn nên nguy cơ mất máu, đau sau mổ rất lớn. Để thực hiện ca mổ, ê kíp bác sĩ gây mê và phẫu thuật đã phải phối hợp và theo dõi sát từng chỉ số huyết động trong mổ, phẫu tích, bảo tồn các cấu trúc mạch máu, thần kinh trong toàn bộ cuộc mổ để hạn chế mất máu mà vẫn lấy trọn khối u lớn, giải phóng hai phổi khỏi bị chèn ép.
ThS.Bs. Nguyễn Văn Minh - phẫu thuật viên tham gia cùng kíp mổ cho biết, u mỡ là u lành tính của mô mỡ và là u lành tính thường gặp nhất ở người lớn. U mỡ chiếm 20% tổng số u lành tính ở mô mềm và hay gặp nhất là u mỡ dưới da. Tuy nhiên, u mỡ trong khoang ngực lại rất hiếm gặp.
Hầu hết những người bị u mỡ trong lồng ngực không có triệu chứng nếu u có kích thước nhỏ. Tuy nhiên, vì u mỡ có thể phát triển với kích thước khổng lồ, nên có thể gây ra hiệu ứng áp lực, thay đổi tùy theo vị trí và kích thước của u. Khi bệnh nhân có các triệu chứng như khó thở và khó nuốt có thể do có khối u chèn ép cục bộ lên các cấu trúc lân cận như khí quản hoặc thực quản, tim và các bộ phận quan trọng trong khoang ngực.
Bác sĩ Khánh và bác sĩ Minh kiểm tra cho bệnh nhân |
Cũng theo các bác sĩ chuyên khoa, trường hợp như bệnh nhân H. đến với Bệnh viện Bạch Mai không phải là hiếm gặp. Các bệnh nhân bị khó thở nhưng thường cố chịu, hoặc nghĩ là do hậu COVID-19. Chỉ đến khi không thể thở được, mới đến bệnh viện thì thường tình trạng khá nặng, khó khăn trong điều trị và phục hồi.
"Để phòng bệnh và có thể điều trị sớm khi mới phát bệnh, người bệnh nên đi khám sức khỏe định kỳ hàng năm để có thể phát hiện những bất thường và có thể can thiệp điều trị kịp thời trước khi quá muộn. Những bệnh nhân đã được phẫu thuật cũng nên đi khám, kiểm tra sức khoẻ theo hướng dẫn của nhân viên y tế để theo dõi tình trạng tái phát, có phương án điều trị kịp thời"- các bác sĩ của Khoa Phẫu thuật lồng ngực và mạch máu khuyến cáo