Theo HoREA, nếu được đầu tư xây dựng, tuyến đại lộ này sẽ nối trung tâm TP HCM từ bến Bạch Đằng (Quận1) với các quận huyện phía Tây như Hóc Môn, Củ Chi, quận 12, Gò Vấp.
Không những thế dự án còn giúp phát triển khu vực huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương; huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh; huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, giúp phá thế độc đạo của quốc lộ 22, tức đường Xuyên Á hiện nay.
Giá trị lớn nhất nếu đầu tư tuyến đại lộ này, là sẽ tạo điều kiện phát triển khu đô thị Tây Bắc TP.HCM rộng 9.000 ha đã quy hoạch hơn 15 năm nay vẫn chưa thực hiện được.
Mặt khác, hiện TP HCM cũng đang điều chỉnh quy hoạch hệ thống hạ tầng giao thông đến năm 2030, do vậy cần thiết bổ sung dự án này vào một phần tuyến cao tốc TP HCM - Mộc Bài nhằm tận dụng quỹ đất hiện hữu của địa phương.
Trước đó, vào tháng 1/2018, HoREA cũng đã có văn bản báo cáo Thủ tướng về tình hình thị trường bất động sản giai đoạn 2011-2017, đồng thời kiến nghị các giải pháp để minh bạch thị trường.
Trong đó, HoREA nêu quan điểm hoan nghênh ý tưởng làm Đại lộ ven sông Sài Gòn của Tập đoàn Tuần Châu - Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh. Nếu việc này thực hiện thành công, TP HCM sẽ có một con đường dài khoảng 59 km, tốc độ xe dự kiến 100 km/ giờ.
Đại lộ ven sông Sài Gòn là ý tưởng của Tập đoàn Tuần Châu đề xuất với UBND TP HCM từ đầu năm 2017, sau khi khảo sát và xây dựng đề án.
Thời điểm này nhà đầu tư đề xuất được thực hiện dự án đại lộ ven sông Sài Gòn bằng hình thức PPP (hợp tác công tư) thông qua hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao), thanh toán bằng quỹ đất. Tức khi thực hiện, UBND TP HCM phải giao đất với diện tích gần 12.400 ha, tương đương 5% tổng diện tích TP HCM cho tập đoàn này.
Tuy nhiên, cuối năm 2017, Bộ Giao thông Vận tải có văn bản góp ý gửi Sở Kế hoạch & Đầu tư TP HCM về đề xuất dự án đầu tư xây dựng Đại lộ ven sông Sài Gòn theo hợp đồng BT.
Bộ này cho rằng, các nội dung chi tiết của hồ sơ đề xuất cần được rà soát, hoàn chỉnh, đảm bảo phù hợp quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành vùng và kế hoạch phát triển kinh tế xã hộ của địa phương. Đề nghị bổ sung một số nội dung còn thiếu liên quan đến năng lực, kinh nghiệm nhà đầu tư.
Về quỹ đất đề xuất để thực hiện dự án theo hình thức hợp đồng BT, theo đề xuất của Tập đoàn Tuần Châu là thanh toán bằng quyền khai thác quỹ đất khoảng 10.450ha (đối với phương án 1) và 12.000ha (đối với phương án 2) thuộc huyện Củ Chi, hai bên tuyến đường song hành tỉnh lộ 7 và các quỹ đất khác thuộc thành phố quản lý, các quỹ đất hiện chưa thực hiện bồi thường. Bộ Giao thông Vận tải cho rằng địa phương cần xem xét tính khả thi của việc bố trí quỹ đất trên.
Thời điểm đó, nhà đầu tư để xuất được chỉ định thực hiện dự án. Tuy nhiên, Bộ này cho rằng, theo hồ sơ đề xuất, dự án không thuộc trường hợp quy định, đề nghị Sở Kế hoạch và đầu tư TP HCM báo cáo cấp có thẩm quyền tuân thủ quy trình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.