|
Thương vụ sáp nhập SouthernBank vào Sacombank thu hút sự quan tâm của dư luận. |
11 ngân hàng vào chương trình xử lý
Năm 2015 là năm cuối cùng để Ngân hàng nhà nước (NHNN) hoàn thành mục tiêu tái cơ cấu ngân hàng theo Đề án Tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015 (Đề án 254).
Trong báo cáo vừa được gửi tới các đại biểu Quốc hội về kết quả thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn, Thống đốc NHNN cho biết, thời gian qua, thông qua sáp nhập, hợp nhất, giải thể, số lượng tổ chức tín dụng đã giảm đi 7 tổ chức.
Tuy nhiên, theo thống kê của Báo Đầu tư, nếu tính cả những thương vụ sắp diễn ra vài tháng tới, số ngân hàng đã và sắp biến mất lên tới 9 ngân hàng. Trong đó, 5 cái tên: Ficombank, TinNghiaBank, Habubank, Western Bank, DaiABank đã mất hẳn trên thị trường. MDB đã chính thức sáp nhập vào Maritime Bank, thời gian để thương hiệu MDB còn tồn tại trên thị trường không còn nhiều. Theo dự kiến, từ ngày 25/5 đến cuối tháng 6, sẽ có thêm 3 ngân hàng nữa biến mất sau khi hoàn thành thương vụ sáp nhập.
Đặc biệt, trong tháng 3 và tháng 4 vừa qua, NHNN đã tiến hành mua lại 2 ngân hàng TMCP yếu kém (OceanBank và VNCB) với giá 0 đồng. NHNN cũng chuyển đổi mô hình hoạt động của hai ngân hàng này sang ngân hàng TNHH một thành viên. Đây giải pháp tái cơ cấu chưa từng được áp dụng trước đây, nâng tổng số ngân hàng yếu kém được xử lý lên tới 11 ngân hàng trong hơn 3 năm qua, chưa kể hàng loạt công ty tài chính khác cũng được ồ ạt sáp nhập thời gian qua.
TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, đại biểu Quốc hội cho rằng, quá trình tái cơ cấu thời gian qua đã đi đúng hướng. Với những giải pháp quyết liệt đang được triển khai, chuyên gia này cho rằng, NHNN sẽ hoàn thành được đúng mục tiêu đề ra trong năm 2015 là xử lý cơ bản các ngân hàng yếu kém.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế lại cho rằng, với tiến trình tái cơ cấu quyết liệt như giai đoạn hiện nay, chậm nhất đầu năm sau, NHNN sẽ cơ bản đạt được mục tiêu của Đề án 254.
Nỗi lo nợ xấu và những thương vụ M&A “định hướng”
Tuy đánh giá rất cao nỗ lực của NHNN trong tái cơ cấu hệ thống ngân hàng hơn 3 năm qua, song nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, NHNN cần đưa ra nhiều giải pháp mang tính thị trường hơn, kể cả trong hoạt động mua bán, sáp nhập ngân hàng lẫn xử lý nợ xấu.
Cụ thể, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, thời gian qua, NHNN đã áp dụng 3 giải pháp để giảm số ngân hàng yếu kém là hợp nhất, sáp nhập, mua lại với giá 0 đồng. Việc mua lại ngân hàng yếu với giá 0 đồng tuy hợp lý vì sẽ không gây ảnh hưởng tới hệ thống, song sẽ rất tốn kém nguồn lực xã hội và vốn Nhà nước. Phương án hợp nhất, sáp nhập cũng là cách giải quyết mang nặng tính tình thế, mang nặng tính “chỉ đạo” của NHNN.
“Trong tương lai, không thể tiếp tục theo cách này, mà việc sáp nhập phải trên cơ sở tự nguyện. Cơ quan quản lý phải nắm được thông tin, không để xảy ra những ngân hàng yếu kém đến mức âm vốn, mà chỉ cần dưới tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (car- 9%) là phải xử lý. Và khi hệ thống ngân hàng đủ mạnh, sự đổ vỡ một ngân hàng không gây nên phản ứng tiêu cực cho cả hệ thống, thì NHNN nên xem xét cho phá sản”, TS. Hiếu nói.
Một nỗi lo khác liên quan đến kết quả tái cơ cấu ngân hàng hiện nay là xử lý nợ xấu. Theo báo cáo của Thống đốc NHNN, sau 3 năm thực hiện (2012-2014), tổng các khoản nợ xấu được xử lý ước đạt 311.100 tỷ đồng, tương đương 67% tổng số nợ xấu ước tính tại thời điểm tháng 9/2012. Trong đó, tính lũy kế kể từ khi thành lập đến ngày 31/12/2014, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã mua trên 137.000 tỷ đồng nợ xấu với giá mua nợ trên 111.000 tỷ đồng.
Theo các chuyên gia kinh tế, với tỷ lệ nợ xấu hiện nay, việc kéo nợ xấu xuống dưới 3% vào cuối năm nay là có thể thực hiện được. Song nợ xấu đến nay vẫn chỉ được gom lại mà chưa được xử lý.
Giải pháp khả thi nhất hiện nay để xử lý nợ xấu mà NHNN áp dụng là nhờ ngân hàng thương mại cổ phần lớn “gánh vác” các ngân hàng yếu, nợ xấu lớn. Song về lâu dài, cần những giải pháp thị trường hơn, chỉ khi nợ xấu có thể mua - bán dễ dàng, nợ xấu mới được xử lý nhanh chóng.
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia ngân hàng cảnh báo, hiện xử lý nợ xấu tại Việt Nam thiếu cả nguồn lực lẫn cơ chế, hành lang pháp lý. Vì vậy, nếu không khẩn trương tháo gỡ, quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu ngân hàng có thể sẽ bị kéo dài.
Theo Đầu tư