Theo nhận định của CTCK Ngân hàng BIDV (BSC), tiến trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng sẽ còn tiếp tục sôi động trong thời gian tới.
Theo đó nhiều cặp đôi ngân hàng cũng sẽ tiếp tục được sáp nhập tiêu biểu như Ngân hàng Nam Á (NamABank) và Ngân hàng Xuất nhập khẩu (Eximbank); Ngân hàng An Bình (ABBANK) và Ngân hàng Đông Á (DongABank); Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) và Ngân hàng Phương Nam (SouthernBank).
Nói chung sẽ có khoảng hơn 10 ngân hàng không còn tồn tại trên thị trường. Mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong vài năm tới sẽ rút gọn số lượng ngân hàng thương mại (NHTM) xuống khoảng 20 ngân hàng trong toàn hệ thống.
Trong tháng 4 vừa rồi, vấn đề tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đã được tiến hành rất mạnh mẽ. Điển hình là kế hoạch cụ thể cho việc sáp nhập Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) với Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xăng dầu Petrolimex (PGBank) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) với Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển Nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB).
Ngoài ra, NHNN cũng đã thông báo mua lại Ngân hàng CPTM Đại Dương (Oceanbank) với giá 0 đồng do OceanBank không có các giải pháp khả thi để tăng vốn điều lệ đảm bảo mức vốn pháp định theo yêu cầu của NHNN. Và do vậy, căn cứ quy định của luật các TCTD và quyết định 48/2013 của Thủ tướng về việc góp vốn mua cổ phần bắt buộc của TCTD được kiểm soát đặc biệt và chỉ đạo của Thủ tướng, NHNN đã tuyên bố mua bắt buộc toàn bộ cổ phần của các cổ đông hiện hữu tại OceanBank.
Theo nhìn nhận của BSC, thay vì tuyên bố phá sản, điều này sẽ giúp NHNN hoàn toàn chủ động trong việc tiếp tục tái cơ cấu OceanBank, đảm bảo chi trả tiền gửi, ngăn ngừa sự lây lan các yếu kém của ngân hàng này sang tổ chức tín dụng khác. Ngân hàng VietinBank được NHNN chỉ định tham gia quản trị, điều hành OceanBank.
Trước đó NHNN cũng đã mua lại Ngân hàng Xây dựng (VNCB) với giá 0 đồng và giao Vietcombank tham gia quản trị và điều hành VNCB.
Một thông tin đáng chú ý khác là Chính phủ cũng đã chỉ đạo NHNN và các cơ quan liên quan nghiên cứu sửa đổi quy định theo hướng tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư ngoại tại các NHTM (hiện tại trần là 30%).
Điều này cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, tạo môi trường, chính sách thuận lợi nhằm khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, cũng như phù hợp với các thỏa thuận, cam kết mở cửa của Việt Nam tại các hiệp định thương mại quốc tế.
Theo Dân trí