Áp lực dự phòng tăng cao, lợi nhuận quý III của PGBank vẫn tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(VietTimes) – Dù chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng mạnh song quý III/2024, PGBank vẫn đem về 77 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng trưởng gần 36% so với cùng kỳ năm trước.

Lợi nhuận quý III của PGBank vẫn tăng trưởng dù dự phòng tăng cao
Lợi nhuận quý III của PGBank vẫn tăng trưởng dù dự phòng tăng cao

Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank, UPCoM: PGB) vừa công bố báo cáo tài chính quý III với các chỉ tiêu đều tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo đó, thu nhập lãi thuần tăng 50% so với cùng kỳ năm 2023, mang về 416 tỷ đồng. Kết quả tích cực này nhờ thu nhập lãi tiếp tục tăng trưởng trong khi chi phí lãi giảm so với cùng kỳ năm ngoái.

Ở nguồn thu ngoài lãi, ngoại trừ hoạt động dịch vụ lợi nhuận giảm 40%, các mảng khác đều tăng trưởng bằng lần. Cụ thể, lãi hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng 5 lần lên 8,3 tỷ đồng; lãi hoạt động khác tăng gấp đôi lên 15 tỷ đồng.

Qua đó, tổng thu nhập hoạt động (TOI) quý III của PGBank đạt gần 448 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ năm trước. Trừ chi phí hoạt động (224 tỷ đồng), ngân hàng có lãi thuần từ hoạt động kinh doanh 223,5 tỷ đồng, tăng 96%.

Sau khi tăng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng lên 147 tỷ đồng, gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm trước, PGBank thu về 77 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng 36%.

Luỹ kế 9 tháng năm 2024, PGBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế 344 tỷ đồng, giảm nhẹ 4,4% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, ngân hàng đạt 62% kế hoạch lợi nhuận năm.

Ảnh màn hình 2024-10-19 lúc 14.33.25.png
(Biểu đồ tổng hợp từ BCTC PGBank)

Tính tại ngày 30/9/2024, tổng tài sản của PGBank tăng 11% so với đầu năm, đạt 61.804 tỷ đồng. Cơ cấu tài sản có 59% là dư nợ cho vay khách hàng với 36.475 tỷ đồng, tăng nhẹ 4% và hơn 20.000 tỷ đồng tiền, vàng gửi tại các tổ chức tín dụng (TCTD) khác, tăng 43%.

Tổng số dư nợ xấu tính đến cuối tháng 9 của PGBank là 1.175 tỷ đồng, tăng gần 17% so với đầu năm, tỷ lệ nợ xấu đã tăng từ 2,85% lên 3,19%.

Liên quan đến hoạt động ngân hàng, vừa qua PGBank công bố danh sách cổ đông nắm trên 1% vốn. Cơ cấu cổ đông tại nhà băng này khá cô đặc khi 3 tổ chức và 13 cá nhân sở hữu tới 409 triệu cổ phần, tương đương 97,4% vốn.

Cụ thể, 3 doanh nghiệp đang sở hữu xấp xỉ 40% vốn điều lệ PGBank là Công ty Cổ phần Quốc tế Cường Phát (13,541%), Công ty Cổ phần Thương mại Vũ Anh Đức (13,36%) và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển thương mại Gia Linh (13,099%). Tỷ lệ sở hữu của 3 đơn vị này đều đang vượt trần mức quy định mới của Luật (giảm tỷ lệ sở hữu của cổ đông tổ chức từ 15% xuống 10%).

Đây là 3 doanh nghiệp đã mua lại 120 triệu cổ phiếu PGB, tương đương 40% vốn điều lệ PGBank tại buổi bán đấu giá hồi tháng 4/2023 của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex). Cả 3 pháp nhân kể trên đều có nhiều liên hệ tới TC Group.

Danh sách cổ đông nắm giữ từ 1% vốn điều lệ không có tên Chủ tịch HĐQT Phạm Mạnh Thắng. Còn ông Đinh Thành Nghiệp, thành viên HĐQT, nắm giữ 4,3 triệu cổ phiếu PGB, tương đương 1,025% vốn điều lệ.

Trên thị trường chứng khoán, chốt phiên 18/10, cổ phiếu PGB của PGBank giảm 1,76% xuống 16.700 đồng/đơn vị. So với mức đỉnh 22.700 đồng/đơn vị tại phiên 22/2, mã này giảm khoảng 26%.