Mùa ĐHCĐ vào giai đoạn cao trào cũng là lúc các thương vụ M&A trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng được hé mở, khi HĐQT các ngân hàng trình cổ đông thông qua.
Cụ thể, sau khi chính thức thông qua đề án sáp nhập MekongBank vào Maritimebank đầu tháng 4/2015, với tỷ lệ chuyển đổi 1:1, NHNN đang xem xét thêm một số thương vụ khác. Trong đó, SouthernBank - Sacombank dự kiến sẽ sớm được thông qua.
Trong tài liệu về ĐHCĐ 2015, báo cáo của HĐQT Sacombank có điểm đáng chú ý về việc sáp nhập. Theo HĐQT Sacombank, hiện 2 ngân hàng này đã hoàn tất đề án sáp nhập, đang chờ ý kiến chấp thuận về nguyên tắc của NHNN và các cơ quan hữu quan. Vì thế, năm 2015, sau khi có ý kiến chấp thuận chính thức của NHNN, HĐQT Sacombank sẽ tiếp tục phối hợp với HĐQT SouhternBank tập trung chỉ đạo, triển khai kế hoạch sáp nhập 2 ngân hàng một cách có hiệu quả nhất.
Tuy nhiên, tỷ lệ chuyển đổi cổ phiếu SouhernBank - Sacombank đến thời điểm này vẫn là dấu chấm hỏi lớn được nhiều người quan tâm, nhất là giới kinh doanh cổ phiếu.
Lợi nhuận trước thuế của Sacombank năm 2014 được công bố ở mức trên 2.800 tỷ đồng, và mục tiêu lợi nhuận năm nay là trên 3.000 tỷ đồng.
Sacombank sẽ tiến hành ĐHCĐ vào ngày 21/4 tới. Trong khi đó, SouthernBank sẽ tiến hành ĐHCĐ trước một ngày. Tuy nhiên, đến thời điểm này, SouthernBank vẫn “giấu nhẹm” báo cáo tài chính 2014. Tuy tài liệu ĐHCĐ đã đưa lên website Ngân hàng, nhưng phải có mã cổ đông mới được xem.
Trong những năm qua, hoạt động của SouthernBank không hiệu quả, lợi nhuận thu về chỉ bằng 15 - 20% so với chỉ tiêu đưa ra, nên ngân hàng không chia cổ tức cho cổ đông. Song, thù lao HĐQT của SouthernBank vẫn được cam kết theo như kế hoạch đã đưa ra hàng năm.
Còn với Saigonbank – Vietcombank, ĐHCĐ của cả hai nhà băng được ấn định vào cùng ngày là 24/4. Theo một nguồn tin đáng tin cậy, trong kỳ đại hội này, HĐQT của 2 nhà băng cũng sẽ trình cổ đông để thông qua việc sáp nhập Saigonbank vào Vietcombank. Phó thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh cũng cho hay, về mặt chủ trương, NHNN chấp thuận cho hai nhà băng này sáp nhập. Mọi vấn đề còn lại tùy thuộc vào sự quyết định của 2 bên, bởi Saigonbank không thuộc diện ngân hàng buộc phải tái cơ cấu, hoạt động của nhà băng này cũng tương đối tốt. Tuy nhiên, xu hướng cạnh tranh ngày một gia tăng trên thị trường tài chính đang buộc các nhà băng nhỏ phải tìm đối tác sáp nhập mới có thể phát triển lớn mạnh hơn là đứng riêng lẻ.
Thế nhưng, với thương vụ sáp nhập Nam A Bank – Eximbank, DongABank –ABBank, mọi chuyện vẫn phải chờ đến kỳ ĐHCĐ của các nhà băng này mới có thể sáng tỏ. Trong đó, riêng với Nam A Bank – Eximbank, mặc dù người của Nam A Bank đã ứng cử vào thành viên HĐQT Eximbank, với tỷ lệ trên 20%, nhưng nhóm cổ đông nào sẽ nắm quyền chi phối lớn nhất và ngồi vào ghế “nóng” Eximbank vẫn là dấu hỏi.
Vào ngày 17/4 tới, Nam A Bank sẽ tiến hành ĐHCĐ nhưng sẽ chỉ trình cổ đông thông qua việc sáp nhập với một ngân hàng khác, đồng thời sớm đưa cổ phiếu năm yết trên sàn chứng khoán. Vì thế, sự quan tâm của giới đầu tư cũng như cổ đông của 2 nhà băng này sẽ được đổ dồn vào ĐHCĐ Eximbank được tiến hành vào ngày 22/4.
Còn với DongABank – ABBank, mặc dù trên thị trường thời gian gần đây đã râm ran thông tin sáp nhập 2 ngân hàng này, nhưng lãnh đạo của 2 nhà băng trên đều từ chối bình luận. Phía NHNN cũng không xác nhận thông tin trên. Trong khi đó, lại có thông tin cho rằng, thương vụ DongABank – ABBank sẽ sớm được xem xét thông qua trong năm 2015.
Trên thực tế, 2 ngân hàng này không nằm trong diện tái cơ cấu bắt buộc. Vì thế, việc sáp nhập, hợp nhất là tùy thuộc vào chủ đích của 2 nhà băng. Theo Phó thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh, việc hợp nhất các ngân hàng đều trên tinh thần tự nguyện và đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, cổ đông tham gia góp vốn mua cổ phần phải đảm bảo tỷ lệ sở hữu theo quy định; nguồn gốc tiền sử dụng góp vốn, mua cổ phần phải rõ ràng, minh bạch, tránh vốn “ảo”. Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng phải tiếp tục thực hiện chức năng thanh tra, giám sát để theo dõi chặt chẽ quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng.
Theo ĐTCK