Hôm nay (21/9), bắt đầu thí điểm chuyển mạng giữ số

VietTimes -- Nội dung cơ bản của việc chuyển mạng giữ số là người dùng có thể yêu cầu chuyển đổi giữa các nhà mạng như Mobifone, Viettel, Vinaphone... để phù hợp với nhu cầu của mình nhưng được phép giữ nguyên số thuê bao cũ.
Dịch vụ này hứa hẹn sẽ đem lại nhiều lợi ích cho người dùng khi có thể tự do lựa chọn dịch vụ tốt nhất cho mình mà không mất đi số điện thoại cũ. Ảnh minh họa: Vietnamnet.

Theo kế hoạch của Bộ TT&TT, từ ngày 31/12/2017 các nhà mạng sẽ chính thức triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ số di động (Mobile Number Portibility - MNP). Vì vậy, kể từ ngày 21/9,  Mobifone, Viettel, Vinaphone sẽ triển khai thí điểm kỹ thuật của dịch vụ này để có thể sẵn sàng cung cấp dịch vụ này cho khách hàng.

Dịch vụ này hứa hẹn sẽ đem lại nhiều lợi ích cho người dùng khi có thể tự do lựa chọn dịch vụ tốt nhất cho mình mà không mất đi số điện thoại cũ, đồng nghĩa với việc sẽ không phải mất thời gian làm phiền người khác khi thông báo chuyển thuê bao.
Ngoài ra, khách hàng cũng sẽ được lợi lớn hơn từ việc các nhà mạng đẩy mạnh cạnh tranh, đồng thời nhà mạng cũng xóa bỏ rào cản gia nhập thị trường với các nhà mạng mới.
Đây cũng là một phương pháp để cơ quan quản lý  điều tiết thị trường và gia tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên kho số.
Dự kiến, MNP tại Việt Nam triển khai được theo mô hình tập trung và sử dụng phương thức định tuyến cuộc gọi/SMS trực tiếp (nhà mạng thuê bao chủ gọi truy vấn trực tiếp thông tin về thuê bao được gọi từ cơ sở dữ liệu chung quốc gia, xác định mạng đích và thiết lập cuộc gọi).
Theo đó, Việt Nam sẽ xây dựng Trung tâm chuyển mạch quốc gia để thực hiện nhu cầu chuyển mạng của tất cả các thuê bao của tất cả các mạng di động trong nước (thông qua Hệ thống xử lý chuyển mạng trung tâm).
Mô hình thực hiện chuyển mạng và quản lý cơ sở dữ liệu chuyển mạng của Bộ TT&TT
Trong Trung tâm chuyển mạng quốc gia còn có Cơ sở dữ liệu quốc gia, nơi lưu trữ thông tin về các giao dịch chuyển mạng cũng như thông tin mạng đích mới của thuê bao chuyển mạng phục vụ mục đích đối soát giữa các nhà mạng và định tuyến cuộc gọi.

Mỗi nhà mạng cung cấp dịch vụ sẽ xây dựng một cổng chuyển mạng tại hạ tầng mạng của mình để thực hiện việc chuyển mạng. Tại đây cũng có một Cơ sở dữ liệu nội bộ của doanh nghiệp được liên tục đồng bộ với dữ liệu tại Cơ sở dữ liệu quốc gia.

Tại các nhà mạng không hoặc chưa triển khai MNP cũng cần xây dựng một Cổng cập nhật thông tin định tuyến để cập nhật thông tin định tuyến thuê bao chuyển mạng, đảm bảo định tuyến đúng các cuộc gọi, tin nhắn đi và đến của các thuê bao đã chuyển mạng. Cơ sở dữ liệu nội bộ (bản sao của cơ sở dữ liệu quốc gia) cũng được lưu trữ tại cổng này.

Được biết, dịch vụ chuyển mạng giữ số được triển khai trên thế giới từ những năm 1995 với cả số điện thoại cố định và số điện thoại di động, và hiện đang được triển khai tại hơn 90 quốc gia trên toàn thế giới (dành cho cả số cố định và di động). Tại một số quốc gia chuyển mạng giữ số còn được coi như một dịch vụ viễn thông cơ bản.

Năm 2008 Việt Nam tham gia đàm phán Hiệp định đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), dự thảo Hiệp định có một điều khoản là yêu cầu Việt Nam triển khai MNP trong vòng 5 năm tới, sau đó cần xem xét triển khai dịch vụ giữ số đối với số cố định. Bắt đầu từ lúc đó, khái niệm MNP được đưa ra nghiên cứu, bàn thảo.

Tháng 9/2013, Bộ TT&TT đã chính thức thông qua Đề án triển khai dịch vụ chuyển mạng thông tin di động giữ nguyên số thuê bao tại Việt Nam. Với việc số lượng thuê bao di động chiếm tới trên 90% tổng số thuê bao điện thoại của cả nước, Bộ TT&TT quyết định sẽ triển khai trước đối với số di động. Dịch vụ cho số cố định sẽ tùy theo nhu cầu người dùng và tình hình thị trường mà lựa chọn thời điểm triển khai phù hợp.

Theo kế hoạch ban đầu, các nhà mạng trong nước sẽ chính thức triển khai MNP từ ngày 1/1/2017, tuy nhiên do một vài lý do khách quan, thời hạn đã được dời lại 1 năm.