Hội nghị Đột quỵ Quốc tế: Diễn đàn khoa học cập nhật các thành tựu về phòng ngừa, điều trị đột quỵ

Hội nghị Đột quỵ Quốc tế năm 2024 với chủ đề “Tiếp cận đa chuyên khoa và trí tuệ nhân tạo (AI)” đã khai mạc tại Hà Nội hôm nay, 9/11.
PGS.TS. Mai Duy Tôn - Giám đốc Trung tâm Đột quỵ - trao đổi với các bác sĩ về phương pháp điều trị

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn khẳng định đây là sự kiện ý nghĩa, quy tụ những tinh hoa trong lĩnh vực đột quỵ, để chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm, nhằm tìm ra những giải pháp đột phá cho điều trị và dự phòng đột quỵ.

Mỗi năm, thế giới có hơn 12,2 triệu ca đột quỵ não mới, tức là cứ mỗi 3 giây lại xuất hiện 1 ca mắc mới và 6,5 triệu ca tử vong, trong đó hơn 6% xảy ra ở người trẻ.

Các chuyên gia đột quỵ hàng đầu của Việt Nam và các nước Mỹ, Nga, Anh, Ý, Úc, Trung Quốc, Singapore, Indonesia... đã tham gia hội nghị cùng gần 1.000 đại biểu dự trực tiếp và 2.000 người dự trực tuyến.

“Tại Việt Nam mỗi năm có hơn 200.000 ca bệnh và con số đáng báo động này đang ngày càng tăng. Mỗi trường hợp đột quỵ không chỉ là một người bệnh cần điều trị mà còn là một mạng sống, một gia đình bị ảnh hưởng trầm trọng. Chính vì vậy, Bộ Y tế đặc biệt coi trọng việc nghiên cứu, cập nhật và triển khai các chiến lược phòng ngừa, cấp cứu và điều trị đột quỵ một cách toàn diện” - Thứ trưởng Thuấn nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn

PGS.TS Mai Duy Tôn - Giám đốc Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai - cho biết: Với những đột phá trong điều trị đột quỵ, Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ so với các nước trong khu vực. Đến làm việc tại Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai, Chủ tịch Hội đột quỵ thế giới đã đánh giá cao hệ thống cấp cứu đột quỵ của Việt Nam.

Nhờ được cấp cứu, đã có khoảng 60% bệnh nhân sau đột quỵ trở lại cuộc sống bình thường. Trong số 40% còn lại, khoảng 10% bệnh nhân tử vong, 30% bị các di chứng tàn phế, gây ra những gánh nặng cho gia đình và xã hội do cấp cứu muộn.

“Do đó, việc nâng cao nhận thức trong cộng đồng rất quan trọng, để có thể đưa người bệnh đột quỵ đến cơ sở y tế để cấp cứu trong “giờ vàng”, mới giảm tỷ lệ tử vong và tàn phế do đột quỵ gây ra”- PGS. Tôn nhấn mạnh.

PGS.TS. Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đánh giá cao sáng kiến tổ chức hội nghị này của Hội Đột quỵ TP Hà Nội

Cũng theo ông Tôn, có khoảng 50% bệnh nhân ở các khoa, trung tâm thần kinh là bệnh nhân đột quỵ. Nếu có khoa, trung tâm đột quỵ riêng biệt thì người bệnh sẽ được bác sĩ, điều dưỡng chuyên về đột quỵ theo dõi, chăm sóc 24/7.

“Do đó, việc thành lập các khoa, trung tâm đột quỵ chuyên biệt để nâng cao khả năng khả năng cấp cứu, điều trị cho người bệnh đột quỵ là rất cần thiết, để bệnh nhân vào viện cấp cứu được tiếp cận ngay bác sĩ chuyên khoa và được điều trị chuyên biệt, giảm tỷ lệ tử vong và biến chứng, quản lý dự phòng cho bệnh nhân sau khi ra viện sẽ tốt hơn” - PGS.TS Mai Duy Tôn lưu ý.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã cập nhật những tiến bộ mới nhất về chẩn đoán điều trị, can thiệp mạch não và các kỹ thuật chuyên sâu về đột quỵ, có tính ứng dụng thực tiễn cao trong lâm sàng và khám phá những chiến lược mới, những bước đi quan trọng, giúp Việt Nam từng bước kiểm soát đột quỵ.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E.Knapper phát biểu

Các chuyên gia cũng đi sâu vào vai trò của AI trong lĩnh vực đột quỵ: AI hỗ trợ thầy thuốc phân tích nhanh chóng và chính xác dữ liệu hình ảnh, dự đoán diễn biến bệnh, tối ưu hoá kế hoạch điều trị và thậm chí cá nhân hoá phương pháp phục hồi chức năng cho từng bệnh nhân. AI cũng tạo điều kiện giúp chúng ta rút ngắn khoảng cách trong công tác chẩn đoán và điều trị so với các nước tiên tiến.

Bên cạnh đó, hội thảo cũng phân tích về vai trò then chốt của cấp cứu ngoại viện trong điều trị đột quỵ, bởi sự can thiệp trong “thời gian vàng” sẽ quyết định kết quả điều trị và khả năng hồi phục của người bệnh. Điều này đặt ra yêu cầu về 1 hệ thống cấp cứu ngoại viện hiện đại, được đào tạo chuyên sâu và tích hợp chặt chẽ với các bệnh viện, để người bệnh đột quỵ được hỗ trợ y tế sớm nhất.

Chuyên gia hàng đầu của nhiều nước tham dự hội nghị

Bên cạnh đó cần tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, xây dựng các đơn vị cấp cứu lưu động tại các khu có nguy cơ cao; đào tạo đội ngũ nhân viên y tế ngoại viện về kỹ năng xử lý đột quỵ.

Các chuyên gia cũng trao đổi về kinh nghiệm nâng cao năng lực đào tạo và phát triển đội ngũ chuyên gia đột quỵ với những chương trình đào tạo chuyên sâu, phối hợp với các tổ chức quốc tế và các bệnh viện đầu ngành.

Tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức cộng đồng về đột quỵ được khẳng định tại hội thảo, để cần có các chiến dịch truyền thông giúp người dân nhận biết sớm các dấu hiệu đột quỵ hay các biện pháp sơ cứu cơ bản.

Hội nghị Đột quỵ Quốc tế do Hội Đột quỵ TP. Hà Nội phối hợp với Trường Đại học Y Dược - ĐHQG Hà Nội và Bệnh viện Bạch Mai tổ chức, nhằm cập nhật các thành tựu khoa học về lĩnh vực đột quỵ.

Lãnh đạo Bộ Y tế, Bệnh viện Bạch Mai và Hội Đột quỵ TP HN cắt băng khai mạc hội nghị quan trọng này

Tại hội nghị, Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai tiếp tục được chứng nhận Kim Cương của Tổ chức Đột quỵ thế giới. Với 14 chứng nhận, Trung tâm Đột quỵ lọt vào danh sách 4 cơ sở y tế đứng đầu thế giới về số lượng chứng nhận Kim Cương, nhờ khả năng cấp cứu đột quỵ với chất lượng tối ưu hóa. Đây là món quà ý nghĩa đúng dịp Trung tâm tròn 4 tuổi ( 9/11/2020 - 9/11/2024).