Thời gian gần đây, câu chuyện sợ trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan công quyền có biểu hiện gia tăng. Tại sao hiện tượng đó lại tái phát ở thời điểm này và tác hại của nó sẽ là gì?
Trong hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về đánh giá tình hình 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, ngày 4/7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh một số yếu kém trong công tác lãnh đạo, quản lý và thực thi công vụ: Tinh thần phục vụ, đạo đức công vụ, chất lượng một bộ phận cán bộ, công chức còn yếu, trách nhiệm hạn chế. Đáng chú ý, tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cảnh báo, đã xuất hiện tâm lý ngại triển khai các dự án, các nội dung công việc, do chưa nắm vững quy định của pháp luật và sợ trách nhiệm.
Giữ mình, sợ trách nhiệm và chờ thời để đoạt quyền gây ra nhiều tác hại, làm ảnh hưởng đến các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước
|
Vậy tại sao thời điểm này lại xuất hiện bệnh sợ trách nhiệm trong cán bộ, công chức, viên chức? Xin trả lời ngay rằng, thường cứ gần đến mỗi kỳ chuẩn bị đại hội Đảng, hoặc bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp, nhỏ hơn nữa là khi đánh giá, phân loại cán bộ, đảng viên thì vấn đề chất lượng công việc trong các cơ quan, đơn vị, địa phương lại bị trùng xuống, ấy chính là do sợ va chạm, sợ bị trượt phiếu bầu, sợ bị đánh giá là khắt khe.
Thế nên, không ít cán bộ, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương chọn giải pháp giữ mình, hạn chế kiểm tra, đôn đốc nhắc nhở cấp dưới.
Nói về tác hại của vấn đề này, ông Lê Văn Giang ở TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang cho rằng: Hậu quả là chất lượng công việc của cơ quan, đơn vị, địa phương giảm sút, ảnh hưởng đến nhiệm vụ chung và những mục tiêu đã đề ra trong kế hoạch.
Trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy công quyền vốn được hiều là việc phải làm, phải gánh vác hoặc phải nhận lấy và hoàn thành. Tùy vị trí công tác, nhiệm vụ khác nhau mà mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan công quyền có một trách nhiệm khác nhau.
Điểm chung lớn nhất trong thực hiện trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức, viên chức là phải tuân thủ quy định pháp luật và tổ chức thực hiện nhiệm vụ, phục vụ đạt được các tiêu chí quy định với chất lượng tốt. Trách nhiệm có mối quan hệ khăng khít với lợi ích. Lợi ích càng lớn thì trách nhiệm càng được đề cao và càng được phát huy.
Thước đo trách nhiệm của mỗi người chính là hiệu quả công việc, mối quan hệ khăng khít, hài hòa và có uy tín cao trong tập thể. |
Trong thực tế, công việc ở cơ quan công quyền được chia thành các công đoạn, các khâu khác nhau, được triển khai theo hệ thống dọc từ trên xuống, nhưng cũng có thể được triển khai theo hệ thống ngang. Thế nên, chỉ cần một người thiếu trách nhiệm hoặc thờ ơ thì công việc chung sẽ không thể hoàn thành đúng kế hoạch, hạn định.
Ấy nhưng, trong bộ máy hoạt động ấy, nếu ai đó thờ ơ, thiếu trách nhiệm một chút cũng khó bị phát hiện, bị quy kết và xử lý ngoài việc đôn đốc, nhắc nhở chung chung. Chính vì vậy mà việc nhiều người chọn giải pháp giữ mình, né trách nhiệm và chờ thời đã gây ra những thiệt hại đáng kể cho cơ quan, đơn vị, địa phương.
Quyền và lợi ích luôn đi kèm với nhau. Quyền càng lớn thì lợi ích càng lớn. Vì cái quyền và lợi ích đấy nhiều người dùng mọi thủ đoạn để đạt được nó, trong đó có cả những thủ đoạn rất đớn hèn.
Suy cho cùng, việc giữ mình, không làm hết trách nhiệm, không đôn đốc, kiểm tra sát sao và nhắc nhở kiên quyết cũng là một thủ đoạn để giữa quyền và chiếm quyền. Nhưng tác hại là công việc bị đình trệ, tốt thời gian. Đó là điều không người dân, doanh nghiệp nào muốn. Đó là hành vi trái với bản chất là công bộc, phục vụ nhân dân.
Danh dự của mỗi con người chính là “lá chắn” ngăn cản những hành vi, việc làm thiếu trách nhiệm, vi phạm pháp luật.
Có lẽ đã đến lúc Nhà nước nên xem xét, lựa chọn những người có danh dự, biết xấu hổ, không vì lợi ích riêng mà tự tư tự lợi, không vi phạm pháp luật để làm cán bộ lãnh đạo, quản lý. Ở những người ấy sẽ chẳng có hiện tượng giữ mình, né trách nhiệm và chờ thời.