Trong tháng 9/2016, truyền thông quốc tế đưa tin về phát biểu của ông Bill Hayton tại Washington liên quan đến vấn đề chủ quyền tại Biển Đông. Ông Hayton nêu rõ, quả thực ngư dân Trung Quốc có đến đánh bắt cá, đi lại ở Biển Đông từ khá sớm, nhưng khi đó người của những quốc gia khác cũng qua lại trên vùng biển này. Học giả Hayton khẳng định, Trung Quốc nhận bừa chủ quyền Biển Đông không phải “từ xưa đến nay” mà chỉ mới gần đây mà thôi. Còn trước đó, người Trung Quốc vẫn thường coi đây là khu vực hoạt động của cướp biển.
Nhà Thanh nhận vơ Hoàng Sa mới từ năm 1909
Hai năm trước, ông Bill Hayton đã xuất bản sách “Biển Đông: Cuộc chiến quyền lực tại châu Á”, tác phẩm tường thuật và phân tích chi tiết diễn biến lịch sử trong vấn đề Biển Đông. Ông Hayton nêu rõ, Trung Quốc chỉ bắt đầu lên tiếng về chủ quyền Biển Đông bắt đầu từ năm 1909, nguyên nhân khi đó vì nhà Thanh dùng nó như con bài chính trị ứng phó với nguy cơ chính trị trong nước.
“Khi đó, khu vực phía nam Trung Quốc xuất hiện nhiều cuộc khởi nghĩa và động loạn, vì thế việc khơi dậy vấn đề chủ quyền trở thành chiêu bài ứng phó của chính quyền, để cho thấy ít nhất chính quyền đang làm việc chống lại nước ngoài. Đây là nguyên nhân lý giải tại sao triều Thanh yêu sách Hoàng Sa năm 1909”.
Học giả Bill Hayton giải thích, thời kỳ này gắn liền với bối cảnh lịch sử Trung Quốc khi đó. Sự xâm nhập của người phương Tây, đặc biệt là thất bại trong chiến tranh giáp ngọ Trung-Nhật, một mặt nào đó nó kích thích ý thức chủ quyền và ý thức dân tộc của người Trung Quốc. Bill Hayton đặc biệt quan tâm sự kiện thương nhân Nhật Bản Xizejici chiếm quần đảo Pratas (Đông Sa), sau đó là hoạt động kháng nghị quy mô lớn ở Quảng Đông và Quảng Tây.
Tháng 5/1909, Tổng đốc Lưỡng Quảng (Quảng Đông và Quảng Tây) Trương Nhân Tuấn phái Đề đốc thủy quân Quảng Đông là Lý Chuẩn đưa tàu tuần tra và khảo sát quần đảo Hoàng Sa. Lý Chuẩn đặt tên lại 15 đảo và đá ngầm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và lên đảo cắm cờ biểu thị chủ quyền trái phép. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc lên tiếng bừa về chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa.
Còn tuyên bố chủ quyền trái phép tại quần đảo Trường Sa thì muộn hơn nhiều.
Đưa bừa Trường Sa vào bản đồ Trung Quốc năm 1935
Theo nghiên cứu của học giả Bill Hayton, từ khi Trung Hoa Dân Quốc thành lập năm 1912, năm 1928 Tưởng Giới Thạch thống nhất Trung Quốc về hình thức, khi đó người Trung Quốc vẫn chưa xác định được bản đồ lãnh thổ của họ. Bản đồ Trung Hoa Dân Quốc năm 1912 thậm chí không có đường biên giới Trung Quốc.
Ông Hayton vạch rõ, cho tận đến năm 1928, người Trung Quốc mới chỉ vơ vào lãnh thổ của họ đến quần đảo Hoàng Sa chứ chưa đến quần đảo Trường Sa. Năm 1928, ông Thẩm Bằng Phi, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư khoa học nông lâm Đại học Trung Sơn dẫn đầu đoàn khảo sát khoa học đi đến quần đảo Trường Sa, sau đó Thẩm Bằng Phi mới viết đề xuất trong báo cáo khảo sát rằng: “Chúng ta phải bảo vệ quần đảo Trường Sa là lãnh thổ cực nam”.
Năm 1933, tàu chiến Pháp đến đảo Ba Bình và Thị Tứ (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam), khi đó quần đảo Trường Sa mới bị Trung Quốc cho sáp nhập bừa vào lãnh thổ Trung Quốc. Học giả Hayton nhấn mạnh: “Từ thông tin thời đó cho thấy, chính quyền Trung Quốc khi đó chưa biết sự tồn tại của quần đảo Trường Sa, họ yêu cầu nhân viên ngoại giao ở Manila và Paris cung cấp bản đồ… Sau này Trung Quốc mới biết nơi người Pháp chiếm cứ là quần đảo Trường Sa, lúc đầu họ quyết định không lên tiếng phản đối người Pháp, vì họ chỉ có hứng thú với quần đảo Hoàng Sa”.
Nhưng ông Bill Hayton chỉ ra, chính quyền ở Quảng Đông do Hồ Hán Dân (1879 - 1936) thành lập đã lợi dụng sự kiện này làm chiêu bài chính trị công kích chính quyền Tưởng Giới Thạch, họ kích động dân chúng và kéo theo hoạt động kháng nghị bùng nổ ở khắp nơi. Ông nêu rõ: “Cuối năm 1933, sau khi người Pháp chiếm quần đảo Trường Sa thì mới có hiện tượng kháng nghị người Pháp trên quy mô lớn”.
Sau này chính quyền Trung Hoa Dân Quốc của Tưởng Giới Thạch bắt đầu kháng nghị và đàm phán với Pháp. Nhưng để giành chủ quyền lãnh thổ (phi pháp) các đảo ở Biển Đông họ dùng biện pháp khác, trong đó quan trọng nhất là thành lập Ủy ban Thẩm tra Bản đồ thủy bộ, bắt đầu thực hiện đặt tên các đảo ở Biển Đông và cho vẽ bản đồ. Tháng 6/1933, Ủy ban Thẩm tra Bản đồ thủy bộ chính thức đi vào hoạt động.
Tháng 1/1935, Ủy ban Thẩm tra Bản đồ thủy bộ đưa ra “Danh sách đối chiếu Anh - Hoa địa danh các đảo ở Biển Đông”, tổng cộng có 138 địa điểm (132 địa danh đảo, tiêu, ghềnh và 6 quần thể khác). Đây là lần đầu tiên chính quyền Trung Quốc (Trung Hoa Dân Quốc) công bố tên gọi trái phép các đảo ở Biển Đông.
Nhà nghiên cứu Bill Hayton nói: “Danh sách này rất quan trọng, vì đây là nguồn gốc tài liệu của họ. Nếu bạn đọc được tiếng Trung thì bạn sẽ phát hiện, những tên gọi sớm nhất của Trung Quốc được dịch ra từ tiếng Anh hoặc tiếng châu Âu”. Tuy nhiên ông Bill Hayton cho biết ông có ấn tượng mạnh với cụm từ “Money islands” được người Trung Quốc dịch thành kim ngân (vàng bạc), nhưng thực tế tên của nó là tên của Giám đốc Công ty Đông Ấn của Anh là Wiliiam Taylor Money, nhưng người Trung Quốc lại dịch nó thành nghĩa theo tiếng Trung”.
Ông Bill Hayton chỉ ra, rất nhiều chứng cứ cho thấy, Ủy ban Thẩm tra đặt tên các đảo Biển Đông bằng cách dịch lại theo bản đồ Biển Đông do người Anh làm ra năm 1906, vì thế cả những sai sót trong bản đồ trước đó cũng lặp lại trong danh sách của Trung Quốc.
Theo học giả Bill Hayton, điều này không thể xem là tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sa được, vì bản đồ của Ủy ban Thẩm tra năm 1935 cũng dịch tên gọi đảo của Philippines. Có thể khẳng định khi đó Trung Quốc chưa có tuyên bố chủ quyền khu vực này.
(còn tiếp)