Hoài niệm 30 tháng Tư

VietTimes -- 45 năm trước, ngày 30 tháng Tư năm một chín bảy lăm, dân tộc ta đã cắm một mốc son chói lọi vào thời gian lịch sử, để rồi từ đó, mỗi năm ngày 30 tháng Tư đến, lòng người lại bồi hồi xúc động.
Những người lính bộ binh Giải Phóng quân đầu tiên tiến vào Dinh Độc Lập. Ảnh: Jacques Pavlovsky
Những người lính bộ binh Giải Phóng quân đầu tiên tiến vào Dinh Độc Lập. Ảnh: Jacques Pavlovsky


45 năm thật ngắn trong dòng chảy vô tận của lịch sử nhưng lại thật dài nếu tính theo tuổi thọ trung bình của người Việt Nam hiện tại. Đôi khi tôi tự hỏi: Thế hệ những người được chứng kiến ngày đặc biệt ấy như tôi, còn được bao nhiêu lần để mà hoài niệm 30 tháng Tư nữa? Ý nghĩ có vẻ lẩn thẩn nhưng đấy là thực tế, con người luôn phải đối mặt với thời gian của sự sống. Chỉ có lịch sử là vĩnh hằng.

30 tháng Tư năm nay là số tròn của cột mốc lịch sử: 45 năm thống nhất đất nước. Tôi cũng nhớ, cũng bồi hồi, cũng xúc động như triệu triệu người Việt Nam khác trên dải đất hình chữ S thân yêu này. Kí ức một thời qua cái nhìn trong veo của chàng trai nông thôn tuổi mười bảy mười tám, cái tuổi đã đủ lớn để có thể cảm nhận được những giá trị của lịch sử, lại ùa về.

Cuối đông năm Bảy tư (1974), có một đợt tuyển quân rầm rộ, cả những thanh niên đang học lớp 10 (lớp cuối cấp 3 ở miền Bắc lúc bấy giờ) cũng được gọi nhập ngũ. Không khí ra trận rạo rực ngay từ những ngày đầu xuân Bảy lăm (1975). Trường tôi vào hội tòng quân, chúng tôi lưu luyến tiễn bạn mình, những chàng trai mặt còn búng ra sữa, lên đường ra trận.

Kể từ đó, chuyện học hành không còn thu hút được nhiều sự quan tâm của chúng tôi nữa, nhất là khi bước sang tháng Ba, tin chiến thắng cứ dồn dập dội về.

Tôi có cái may mắn được đọc báo thường xuyên. Nói may mắn vì thời ấy, báo giấy quả là hiếm hoi, kể cả báo Nhân dân hay Quân đội nhân dân là hai tờ báo lớn nhất thời bấy giờ. Ở nông thôn lại càng hiếm vì làm gì có quầy bán báo. Tôi may mắn vì bố tôi là cán bộ xã, hôm nào đi làm về, ông cụ cũng mang theo vài số báo Nhân dân còn thơm mùi mực, mùi giấy mới. Tôi ngấu nghiến đọc không sót một tin nào. Những tờ báo đọc xong, tôi còn cẩn thận cất vào giá sách, mãi sau này khi đã vào đại học, thỉnh thoảng chủ nhật về thăm nhà kiếm bữa cơm của mẹ, lại trải báo ra mà nhâm nhi từng câu từng chữ. Thế cho nên tôi mới thuộc nằm lòng “thời gian biểu” chiến thắng từng ngày của mùa xuân lịch sử năm ấy.

Cuối tháng Tư, mọi người dường như cảm nhận được cái không khí gấp gáp, nóng hổi của cuộc chiến. Người ta bàn tán, người ta hỏi thăm, người ta hồi hộp… nhất là những gia đình có con em đang ở chiến trường.

Cảm xúc vỡ òa của người dân Hà Nội trong ngày Đất nước trọn niềm vui.
Cảm xúc vỡ òa của người dân Hà Nội trong ngày Đất nước trọn niềm vui.

Sáng 30 tháng Tư, tôi vẫn đến lớp như mọi ngày. Phòng học mấy tháng nay đã trống đi dăm ba chỗ ngồi. Những người bạn không biết giờ này đang ở đâu giữa chiến trường lửa đạn trong khi bản đồ chiến trận cứ dịch chuyển xuống phía Nam từng ngày. Sài Gòn có lẽ đã gần lắm với họ?

Một hồi trống dài vang lên báo giờ tan học. Lúc này đã hơn 11 giờ trưa. Tôi vội vã đạp xe. Đường từ trường về nhà hơn mười cây số mà sao hôm nay có cảm giác như ngắn lại.

Vừa qua khỏi dốc đê, đã thấy một không khí khác thường bao trùm lên làng xóm thân quen. Tiếng loa truyền thanh vang vang. Vào đến sân chưa kịp xuống xe đã thấy mẹ tôi chạy ra nói như reo: Giải phóng rồi, giải phóng rồi! Đài vừa thông báo đấy! Tôi đứng lặng đi vài giây. Chị dâu rồi hai vợ chồng người bác ruột nhà bên cũng chạy ra, ai nấy không giấu nổi niềm vui bởi anh họ tôi cũng đang ở chiến trường mà cả năm nay chưa có tin tức gì.

Tâm trạng tôi xốn xang trước không khí rạo rực đang tràn ngập khắp xóm thôn. Tất cả như vỡ òa trong niềm vui chiến thắng. Những gia đình có người thân ở chiến trường miền Nam thì khỏi phải nói, niềm vui hòa trong nước mắt lăn trên gò má in dấu thời gian của những người mẹ, người vợ bấy lâu xiết bao trông đợi mong chờ. Bây giờ, trong lòng họ, trong tim họ chỉ còn vang vọng mỗi câu hỏi: Khi mô chồng con sẽ trở về?

Từ đó, 30 tháng Tư trở thành cột mốc, không chỉ với lịch sử đất nước mà còn với cuộc đời mỗi con người. Tôi vẫn thầm nghĩ mình sinh ra đời thật may mắn khi được sống trong thời khắc lịch sử đặc biệt ấy của dân tộc. Nhưng rồi, chẳng biết tự lúc nào, có lẽ là khi tôi đã trải đời, con tim đã đến độ chín, không còn cái bồng bột của tuổi trẻ nữa thì cái cảm giác hừng hực của niềm vui chiến thắng cũng dần lắng xuống. Để bây giờ, 30 tháng Tư đến, không chỉ có tự hào, kiêu hãnh mà còn đan xen là những nỗi niềm, những suy ngẫm về lẽ sống ở đời.

Chiến tranh liên miên. 30 năm đất nước mới có hòa bình, thống nhất. Dân tộc ta đã phải gánh chịu quá nhiều mất mát, đau thương, chia lìa bởi các thế lực ngoại xâm. Khát vọng của nhân dân không chỉ là hòa bình, độc lập mà còn là hòa hợp và hòa giải dân tộc.

“Lịch sử đã đặt nhiều gia đình người dân miền Nam rơi vào hoàn cảnh có người thân vừa ở phía bên này, vừa ở phía bên kia, ngay cả họ hàng tôi cũng như vậy. Vì thế, một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là một vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm nó thêm rỉ máu” - nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt. (*)

Soi vào lịch sử mấy ngàn năm, đất nước luôn tồn tại trong sự vẹn toàn dẫu cho có lúc núi sông bị ngăn cách nhưng lòng dân vẫn là một – vĩnh viễn như huyền thoại con Lạc cháu Hồng cùng bọc trăm trứng Mẹ Âu Cơ sinh ra. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn song chân lý đó không bao giờ thay đổi”. Vâng, sự vẹn toàn, thống nhất của đất nước, không chỉ ở phương diện địa chính trị mà còn ở phương diện tình cảm dân tộc - lòng người. “Từ đây người biết thương người/ Từ đây người biết yêu người…”, câu hát ấy của cố nhạc sĩ Văn Cao ám ảnh mãi lòng ta.

45 năm hòa bình, thống nhất đất nước. 45 năm hòa hợp và hòa giải dân tộc. 90 triệu đồng bào, dù ăn đâu làm đâu, hãy chung nhịp đập trái tim để cho đất nước mình, dân tộc mình cất cánh bay lên cùng bầu bạn và trường tồn mãi mãi./.

(*) Những đòi hỏi mới của thời cuộc