Nghị quyết 36 ra đời đã làm cơ sở cho việc ứng xử đổi mới với kiều bào, nhất là ở Mỹ, Canada, hay Australia, có thể được coi là những nạn nhân của dòng đời lịch sử chia cắt đất nước, sau đó giúp nhiều kiều bào đã về lại đất nước, và đóng góp không nhỏ vào quá trình chấn hưng đất nước Việt Nam.
Còn nhớ trước khi nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt qua đời khoảng 2 năm, ông mới hiểu được những nỗ lực to lớn của Bộ Ngoại giao nửa sau những năm 80 của thế kỷ trước, trong việc phá vỡ dần thế bao vây cấm vận, đưa Việt Nam dần hội nhập với thế giới bên ngoài, và bản thân vai trò cầm trịch của cố Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, người đã mất cách đó 8 năm. Người kể với ông Võ Văn Kiệt là nguyên Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Quảng châu Dương Danh Dy.
VietTimes xin giới thiệu bài phỏng vấn với nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao, và Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Đình Bin, người đề xuất, chủ trì xây dựng đề án, và kiên nhẫn tìm ra các cơ hội để đề án được lãnh đạo chấp thuận. Chứ người ngoài chỉ biết đây là sáng kiến và nỗ lực của Ban Cán sự Bộ Ngoại giao.
Pv Huỳnh Phan: Xin ông cho biết về ý tưởng công khai thái độ ứng xử với kiều bào?
Ông Nguyễn Đình Bin: Tôi nhận chức Chủ nhiệm Ủy ban người Việt bắt đầu thiên niên kỳ mới. Trước đó, tôi cũng có biết về công tác Việt Kiều. Chẳng hạn, khi tôi làm Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, từ năm 1988 đến 1990, tôi đã biết hoạt động của Ban Việt Kiều TƯ (thuộc Chính phủ), và có tìm hiểu về công tác Việt Kiều.
Nhưng khi sang làm Vụ trưởng Vụ Lãnh sự, tôi mới biết vấn đề Việt Kiều sau năm 1975 khác xa so với trước đó, chủ yếu là Việt Kiều ở Lào, Campuchia và Thái Lan là cơ sở cách mạng và ở Pháp đã có phong trào ủng hộ kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ, được Bác Hồ mời nhiều trí thức tiêu biểu về tham gia kháng chiến, và đã giúp đỡ chúng ta khi đàm phán hiệp định Paris thế nào. Sau năm 1975, là thế hệ Việt Kiều hậu quả của cuộc chiến thống nhất đất nước, và phần nào đó âm mưu chống Việt Nam của Trung Quốc dẫn đến hiện tượng “nạn kiều”. Họ bị coi là bỏ nước ra đi, và mang theo lòng hận thù đất nước…
Khi bắt tay vào việc ở Ủy ban, tôi mới tìm hiểu sâu về công tác này và biết đã có một nghị quyết của Bộ Chính trị về công tác cộng đồng là Nghị quyết 08, năm 1993. Nhưng đây là nghị quyết đóng dấu "mật".
Pv:Tức là kiều bào không hề biết về chính sách đối xử của Đảng và Chính phủ Việt Nam đối với họ?
Ông Nguyễn Đình Bin: Không những kiều bào không biết, mà ngay cả nhiều người làm công tác Việt Kiều cũng không biết. Nghị quyết “mật” mà.
Tôi nghĩ, chúng ta đã bắt đầu thiên niên kỷ mới, phải tận dụng thời điểm thay đổi quan trọng này để thúc đẩy một điều mới – đó là hòa giải dân tộc. Mục đích của cuộc kháng chiến chống Mỹ chính là thống nhất đất nước để xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Bác Hồ đã căn dặn; mà muốn làm được việc ấy thì phải hòa giải dân tộc, mới đoàn kết, phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc.
Chúng ta đã bình thường hóa quan hệ với Mỹ năm 1995, và xác định hợp tác cùng nhau để xây dựng kinh tế - thương mại, thông qua Hiệp định Thương mại song phương được ký năm 2000, đã bình thường hóa và thiết lập quan hệ bạn bè và đối tác tin cậy với tất cả các nước từng đô hộ và xâm lược nước ta. Vậy đối với những người đồng bào ta ở phía bên kia chiến tuyến, xét cho cùng cũng là nạn nhân của sự xâm lược ngoại bang, tại sao chúng ta không hòa giải được?
Cụ Hồ dạy rồi, phải đoàn kết dân tộc mới có thể đưa Việt Nam đi lên được. “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công, thành công, đại thành công!”
Pv: Và ông đã bắt đầu từ Nghị quyết 08?
Ông Nguyễn Đình Bin: Đúng. Tôi nghiên cứu kỹ nghị quyết và thấy nó đã thể hiện nhiều quan điểm đổi mới chủ yếu của Đảng ta trên lĩnh vực này, mà điều quan trọng nhất là đã xác định cộng đồng người Việt ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam. Thế nhưng kiều bào lại không biết điều đó.
Nhưng, đến thời điểm ấy, Nghị quyết ban hành đã được gần 7 năm, tình hình trong nước, tình hình cộng đồng cũng như tình hình thế giới đã có nhiều điểm mới. Tôi thấy cần phải tiến hành tổng kết việc thực hiện nghị quyết quan trọng này, từ đó đề xuất những kiến nghị điều chỉnh, bổ sung cần thiết để đáp ứng những đòi hỏi của tình hình mới.
Qua quá trình thực hiện tổng kết, chúng tôi phát hiện một thực tế là nhận thức chung về cộng đồng và công tác cộng đồng còn nhiều điểm quá lạc hậu và lệch lạc nữa. Nhiều lãnh đạo các ngành, các cấp thậm chí còn không biết là đã có NQ - 08 của BCT. Điều này hiểu được, vì đó là một nghị quyết mật và ra đời đã gần 7 năm.
Trong khoảng thời gian này, rất nhiều lãnh đạo các ngành, các cấp đã thay đổi. Chính thực tế này đã làm cho tôi nảy sinh ý tưởng cần kiến nghị BCT ra một NQ mới và công khai về vấn đề này, bởi tôi nghĩ rằng để có thể làm tốt công tác đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) trong thời kỳ mới thì, điều kiện đầu tiên, quan trọng nhất và quyết định nhất là phải tạo được một nhận thức chung, thực sự đổi mới, đúng đắn và thống nhất.
Không chỉ cán bộ lãnh đạo các ngành, các cấp và các đảng viên mà toàn bộ hệ thống chính trị cũng như toàn thể nhân dân ta và cả cộng đồng NVNONN cũng phải được biết, hiểu và quán triệt tư duy đổi mới của Đảng và Nhà nước ta trên lĩnh vực này.
Hơn nữa, chủ trương, chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước ta đối với cộng đồng NVNONN là quang minh, chính đại, không hề có gì trái với lợi ích của các nước nơi bà con ta đang làm ăn, sinh sống, mà ngược lại còn góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa các nước đó với nước ta; trong khi người ta cũng nghi kỵ lắm; họ nghĩ đây là “đội quân thứ 5 của Cộng sản Việt Nam” ở nước ngoài, cũng như Trung Quốc, và nhằm mục đích gì thì anh biết rồi đấy.
Bởi vậy, cũng rất cần phải tuyên truyền rộng rãi chủ trương, chính sách đó cho thế giới hiểu. Và, biện pháp khả thi và hiệu nghiệm nhất để đạt được các mục tiêu này là BCT ra một nghị quyết công khai, nói rõ tư duy, các quan điểm và chủ trương đổi mới đó.
Nhưng khi chỉ đạo UB VNVNONN xây dựng "Đề án tăng cường công tác vận động cộng đồng", tôi nêu ý này ra thì đã có một số ý kiến không đồng tình ngay trong số cán bộ chủ chốt của UB, vì cho rằng các nghị quyết của BCT lâu nay hầu hết đều là “mật”, Nghị quyết 08 cũng là một văn kiện mật, BCT không thể ra một nghị quyết công khai về một vấn đề phức tạp và tế nhị như vậy.
Nhưng qua tranh luận thật sự dân chủ, thẳng thắn, ý tưởng đổi mới này đã được hoàn toàn nhất trí. Chúng tôi đã tập trung lực lượng khẩn trương xây dựng Đề án, trong đó kiến nghị 8 giải pháp tổng thể mà điểm then chốt nhất, có tính chất quyết định để đổi mới công tác vận động cộng đồng, là BCT ra một Nghị quyết mới, công khai về vấn đề này.
Pv: Tức là kiều bào có khả năng giám sát các cán bộ làm công tác Việt Kiều, xem họ có làm đúng những gì mà nghị quyết quy định không, thưa ông?
Ông Nguyễn Đình Bin: Đúng vậy, chúng ta đưa ra chính sách, và kiều bào có thể so sánh với việc thực hiện chính sách ấy, và phản ứng lại nếu chúng ta làm sai. Đó là chủ ý của tôi.
Pv: Công việc trình lên xin ý kiến của trên có thuận lợi không, thưa ông?
Ông Nguyễn Đình Bin: Nhận thức rõ đây là một công việc rất quan trọng và nhạy cảm, tôi đã tranh thủ trình trước 2 Ủy viên BCT (đồng chí Nguyễn Mạnh Cầm, Phó Thủ tướng phụ trách đối ngoại, và đồng chí Trương Tấn Sang, khi đó là Trưởng Ban kinh tế TƯ), để cho ý kiến sơ bộ. Thầm mừng được cả 2 đồng chí bật đèn xanh - đồng chí Trương Tấn Sang còn khen là đề án tốt - tôi rà soát kỹ lại và sửa sang lần chót văn bản, và ngày 28/7/2000 đã ký Tờ trình Đề án lên Thường vụ BCT (Khóa VIII, Trung ương Đảng không có Ban Bí thư) và Thủ tướng Chính phủ.
Tiếp đó là những ngày tháng chờ đợi. Qua các mối quan hệ công tác, tôi cố gắng thúc đẩy việc đưa Đề án ra trình xin ý kiến lãnh đạo. Nhưng, thời điểm đó, lãnh đạo Đảng đang tập trung vào việc chuẩn bị, tiếp đến là tiến hành Đại hội toàn quốc lần thứ IX của Đảng, và sau đó là vào việc triển khai các NQ của Đại hội IX…
Đầu tháng 10/2001, tôi thật vui mừng nhận được công văn của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với "Đề án tăng cường công tác vận động cộng đồng", trong đó Thủ tướng chỉ thị "Ban cán sự Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan chuẩn bị Đề án trình Bộ Chính trị có Nghị quyết (hoặc Chỉ thị) về lĩnh vực công tác này".
Thế là tôi cùng các cán bộ hữu quan của UB bắt tay vào xây dựng dự thảo Đề cương, rồi Đề cương chi tiết và cuối cùng là văn kiện mà chúng tôi vẫn kiên trì kiến nghị là "Nghị quyết công khai của BCT". Trong suốt quá trình này, chúng tôi đều tiến hành trao đổi, lấy ý kiến đóng góp của Mặt trận Tổ quốc và các Bộ, cơ quan, ban, ngành hữu quan. Quả thực, đây là một công việc không đơn giản.
Nhưng qua kiên trì trao đổi cởi mở, tranh luận thẳng thắn, cuối cùng , ngoại trừ một cơ quan còn phân vân giữa " Nghị quyết" hay " Chỉ thị", 12 Bộ, cơ quan, ban, ngành hữu quan khác đều nhất trí với chúng tôi là kiến nghị BCT ra" Nghị quyết công khai".
Ngày 20/5/2002 tôi ký Tờ trình dự thảo Nghị quyết lên BCT và Thủ tướng Chính phủ. Tiếp đó lại là những tháng ngày cố gắng thúc đẩy việc xem xét kiến nghị này, nhưng vẫn chưa có thông tin khích lệ.
Khi chuẩn bị Đại Đảng IX, tôi đã đề xuất được tham luận tại Đại hội về công tác cộng đồng, với ý định nhân cơ hội này trình bầy rõ cho toàn thể các đại biểu tham dự những điểm chủ chốt trong Dự thảo Nghị quyết mới của BCT mà chúng tôi đã trình. Đề xuất đã được chấp thuận, và tôi đã trình bày tham luận trước Đại hội, với hy vọng những ý kiến đó sẽ được lãnh đạo và các đại biểu để ý.
Nhưng số phận của kiến nghị đó vẫn nằm trong ngăn kéo, vì sau Đại hội lãnh đạo phải lo thực hiện các nghị quyết thông qua trong đại hội. Đến 2 năm sau, mới có cơ hội cho tôi trình lại đề án.
Pv: Cơ hội gì vậy, thưa ông?
Ông Nguyễn Đình Bin: Đó là ngày 12/3/2003, tại Hội nghị Toàn thể lần thứ 7, TƯ Đảng khóa IX ra Nghị quyết về "phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, vì dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh". Tôi thầm mừng: thời cơ đã đến để làm sống lại kiến nghị mà chúng tôi đã kiên trì đeo đuổi suốt 3 năm qua.
Bởi BCT ra nghị quyết mới này chính là một bước triển khai và cụ thể hóa Nghị quyết TƯ 7 nói trên đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, một bộ phận không thể tách rời của toàn dân tộc Việt Nam. Thế là chúng tôi lại rà soát lại các văn bản và ngày 14/4/2003, tôi ký một Tờ trình mới lên BCT, nhắc lại kiến nghị này trong bối cảnh tình hình và yêu cầu mới.
Cùng với việc đó, nửa đầu tháng 6/2003, tôi kiến nghị cử một đoàn liên ngành đầu tiên của nước ta đi thăm, tiếp xúc trên tinh thần rất chủ động, thẳng thắn, cởi mở với cộng đồng người Việt tại Canada và Hoa Kỳ để nắm tình hình mới làm căn cứ thúc đẩy việc ra Nghị quyết.
Pv: Phải nhất thiết có chuyến đi này mới có cơ hội được trình lại đề án hay sao, thưa ông? Và như vậy, các ông lại phải làm lại đề án khác, cập nhật tình hình hơn?
Ông Nguyễn Đình Bin: Tôi đề nghị phải đi Canada và Mỹ, vì đa số dân di tản sau vào 30/4/1975 và sau đó đều sống ở đó. Những nhân vật quan trọng cũng nằm hết ở đó. Tôi nghĩ phải tấn công vào chỗ đó, để vừa để nắm tình hình mới vừa thể hiện tinh thần Nghị quyết TW7 nói trên và tinh thần cái nghị quyết mà mình đang cố gắng đề đạt thông qua.
Pv: Tức là ông có 2 mục đích rõ ràng. Một là có cái cớ để thúc đẩy việc nghị quyết, đồng thời áp dụng luôn tinh thần của nghị quyết đó, dù nó chưa được thông qua?
Ông Nguyễn Đình Bin: Chính xác! Tôi đề nghị, trước hết, thành lập một đoàn liên ngành cho nó bề thế, dễ có tiếng nói sau này. Trước đây đi nước ngoài toàn đoàn của Ủy ban, nhỏ bé lắm.
Thứ hai, do người đi tản đại đa số là người miền Nam, nên tôi đề nghị phải có người miền Nam trong đoàn. Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Minh Triết khi đó đã cử Phó Chủ tịch UBND Nguyễn Thiện Nhân. Cuối cùng ông Nhân lại bận, nên ông Triết lại cử ông Trần Văn Tạo khi ấy là Chủ tịch Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị thành phố.
Nhưng Trần Văn Tạo là sinh viên phản chiến, cùng lứa với Huỳnh Tấn Mẫm. Sau này, làm Ủy viên Thường vụ Thành ủy, Giám đốc Công an Thành phố, và Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Thành ủy.
Bên Ban Dân vận Trung Ương là Phó ban Thường trực Trịnh Xuân Giới. Bên Mặt trận Tổ quốc là Nguyễn Tiến Võ, Ủy viên Đoàn Chủ tịch…
Pv: Thế lần này các ông nhắm đến những nhân vật quan trọng?
Ông Nguyễn Đình Bin: Đúng.
Pv: Đó là ý kiến của ông? Hay đó là chỉ đạo của cấp trên?
Ông Nguyễn Đình Bin: Của tôi. Tôi nghĩ đã đến lúc làm việc đó, để thể hiện mạnh mẽ nhất chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước về hòa giải dân tộc đối với cộng đồng NVNONN. Cần chủ động gặp gỡ cựu Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ, và các nhân vật có máu mặt khác. Nhưng tôi phải xin sự chuẩn y của cấp trên.
Song, khi họp đoàn trao đổi về đề án chuyến đi, tôi nêu ra đã không được các vị trong đoàn tán thành. Tôi phải tôn trọng ý kiến tập thể, nên đã trình đề án theo tinh thần truyền thống. Đề án đã được Ban Bí thư chấp thuận.
Tôi nghĩ với đề án đó, chuyến đi không thể đạt được mục đích mà tôi mong muốn. Nên tôi đã xin gặp Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Vũ Khoan, phụ trách đối ngoại, để trực tiếp trình bầy ý kiến của tôi, nói rõ cho tôi thăm dò, nếu được thì tiến hành gặp, và nếu gặp thấy thuận thì cho phép tôi với danh nghĩa Chủ nhiệm Ủy ban Người Việt chính thức mời về thăm đất nước. Đồng chí Vũ Khoan đã đồng ý.
Tôi đã điện cho các cơ quan đại diện ta ở Hoa Kỳ thăm dò. Nguyễn Cao Kỳ nhận lời…
Pv: Vâng, tôi sẽ hỏi về việc ông gặp và mời ông Nguyễn Cao Kỳ ở phần sau. Thế số phận của đề án nghị quyết sau chuyến đi ra sao?
Ông Nguyễn Đình Bin: Những nét rất mới trong tình hình cộng đồng nắm được qua chuyến đi này càng củng cố thêm niềm tin, và thôi thúc tôi phải tiếp tục thúc đẩy kiến nghị nói trên. Sau khi trình lên Lãnh đạo báo cáo chi tiết về kết quả chuyến đi, tôi đã chủ động xin ý kiến đồng chí Vũ Khoan. Tôi rất mừng được đồng chí đồng ý.
Thế là lại một lần nữa, tôi cùng anh chị em cán bộ hữu quan của UB khẩn trương rà soát, chỉnh lý lại văn bản đã trình trước đây; và ngày 25/6/2003, tôi lại ký Tờ trình lên BCT nhắc lại kiến nghị nói trên, lần này với niềm hy vọng lớn hơn bao giờ hết. Thật là may mắn, đồng chí Vũ Khoan đã dành thời gian đích thân đọc, và cho ý kiến chỉ đạo trực tiếp vào văn bản.
Pv: Lần đầu tiên, thưa ông? Vậy các lần trước đó? Tôi nhớ trong văn bản của Thủ tướng ký tháng 10/2001, “Ban Cán sự Bộ Ngoại giao” được giao chủ trì và phối hợp với bộ ngành hữu quan cơ mà?
Ông Nguyễn Đình Bin: Tôi đều trình lên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên, nhưng anh ấy nói đều bận những việc khác, nên giao cho tôi tự sửa, tự ký và trình lên trên.
Vào thời điểm đó, tôi đã có quyết định của Lãnh đạo cấp cao cử làm Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền nước ta tại Pháp. Tôi đặt mục tiêu: phải hoàn thành bằng được công việc then chốt này mà tôi đã tâm huyết, trăn trở từ khi mới nhận nhiệm vụ làm Chủ nhiệm UB NVNONN.
Với quyết tâm đó, theo ý kiến chỉ đạo rất cụ thể của đồng chí Vũ Khoan, tôi đã dành thời gian, công sức cùng anh chị em cán bộ UB hoàn chỉnh dự thảo. Rồi lại lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, ban, ngành hữu quan một lần nữa. Tôi rất vui đã thực hiện được mục tiêu đề ra: hoàn chỉnh lần cuối cùng các văn bản và kịp trình Dự thảo NQ lên BCT trước khi tôi lên đường đi Paris nhận nhiệm vụ mới vào đầu tháng 12/2003.
Ít tháng sau, trong khi đang công tác tại Pháp, tôi thật sự vui mừng nhận được tin và toàn văn Nghị quyết số 36 NQ/TW, bản NQ công khai đầu tiên của BCT về cộng đồng NVNONN, ban hành ngày 26/3/2004.
Như trên đã nói, Nghị quyết 36 của BCT chính là bước cụ thể hóa và triển khai Nghị quyết 7 của TƯ Đảng (khóa IX) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đối với hơn 4 triệu đồng bào ta đang sinh sống ở nước ngoài, một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, một văn kiện có ý nghĩa lịch sử, có giá trị cơ bản, to lớn, toàn diện và lâu dài.
Từ đó, trên cơ sở các tư tưởng, quan điểm và nguyên tắc chỉ đạo của Nghị quyết 36, nhiều chính sách đổi mới cụ thể của Nhà nước ta đối với cộng đồng đã (và sẽ còn tiếp tục) được ban hành, được bà con kiều bào cũng như dư luận quốc tế nhiệt liệt hoan nghênh.
(Còn tiếp)