Ngày 7/6 tới, hoạ sĩ Hà Hùng Dũng sẽ triển lãm chùm tranh thiếu nhi “Sa Pa ngày về”, và ngày 12/6, Hà Hùng Dũng cùng một nhóm 9 hoạ sĩ khác sẽ trưng bày hàng trăm tác phẩm trong triển lãm “Gió mùa” tại Hội Mỹ thuật TP.HCM.
Ở “Gió mùa” lần này, Hà Hùng Dũng trưng bày 15 bức tranh lụa vẽ trong hai năm gần đây. “Có những lúc tôi đã nghĩ mình không bén duyên với lụa, vì lụa đòi hỏi tính kiên nhẫn, tỉ mỉ vô cùng. Khó quá, có những lúc tôi đã định bỏ cuộc” – Hoạ sĩ tự sự.
Trải qua bao cực khổ, Hà Hùng Dũng cũng có được bộ sưu tập tranh lụa |
Hoạ sĩ cho biết, sau khi phác thảo, tìm hình, tìm nét, mảng miếng sao cho đẹp, rồi mới can lên lụa. Hà Hùng Dũng vẽ lụa nhưng vẫn mang phong cách đồ hoạ, nên khi chuyển sang vẽ lụa hoạ sĩ cho hay: “Không thể vung tay được, đòi hỏi tỉ mỉ, đi nét nhiều, hoa văn, hoạ tiết… nên rất cần kiên nhẫn, tốn nhiều thời gian”.
“Từ vẽ tranh màu nước qua vẽ lụa, nhiều khi nhớ nhớ quên quên, nếu đem áp dụng kỹ thuật màu nước sang vẽ lụa là sai hết. Màu nước có thể vẽ một lần là xong nhưng lụa phải vẽ nhiều lần. Đầu tiên vẽ nét xong rồi đi những mảng màu tối trước, để một hai ngày cho ngấm xong lại rửa để cho ra các cặn màu, rồi mới bắt đầu đi các gam màu khác. Sau khi hoàn thiện bức vẽ, tôi mới bồi vải cho tranh” – Hà Hùng Dũng tự sự.
Tranh lụa của Hà Hùng Dũng được tỉ mỉ dán vàng, bạc vào các đồ trang sức của nhân vật trong bức vẽ |
Quyết định “chơi lớn”, cũng là một trải nghiệm vô cùng mới mẻ, tranh lụa của Hà Hùng Dũng còn được tỉ mỉ dán vàng, bạc vào các đồ trang sức của nhân vật, những người phụ nữ vùng cao, bởi vì đây chính là điểm nhấn mê hồn của Sa Pa đã thu hút hoạ sĩ nhiều lần trở đi trở lại với vùng đất này.
Không cho phép mình dễ dãi với bất cứ tác phẩm nào, hoạ sĩ cho hay: “Để đi nét không thôi, đã phải tập trung tới mức mở nhạc thật lớn, cắm headphone vào tai, để đầu óc được tập trung hoàn toàn cho từng nét, không được phép một chút lơ là”.
Với tính chất mơ màng đầy chất thơ của lụa, chỉ có thể chọn những tông màu trầm, ấm áp, nền nã. Điều này hoàn toàn trái ngược với cách đi màu rực rỡ của Hà Hùng Dũng xưa nay. Nhưng lần này, gam màu trầm của lụa đến với Hà Hùng Dũng rất đỗi tự nhiên, không chút vay mượn.
Tranh lụa của Hà Hùng Dũng có tông trầm nền nã |
Hà Hùng Dũng chọn lụa truyền thống mua từ Hà Nội chuyển vào. “Khi tôi là sinh viên trong trường Mỹ thuật TP.HCM, tôi đã thích lụa rồi. Nhưng hồi đó tôi không chọn lụa để sáng tác. Mãi tới gần đây, mỗi khi đi triển lãm, tôi đều đứng trước các bức tranh lụa, nghiền ngẫm mọi thứ. Tôi mua sưu tập tranh lụa cũng nhiều. Cho đến bây giờ thì thực sự cảm nhận được mối duyên với lụa nên ngồi vào vẽ lụa” – Hà Hùng Dũng tự sự.
Hoạ sĩ cười, tự sự: “Chắc tại vì cũng bắt đầu trên 40 tuổi rồi nên màu bắt đầu trầm xuống”.
Để chụp hình các bức tranh lụa cũng rất khó, vì tranh lụa mỏng manh nên không nổi bật các sắc độ rực rỡ. Người yêu tranh phải đến tận nơi, tận mắt ngắm tác phẩm mới hiểu những gì hoạ sĩ gửi gắm. Nhìn gam trầm của tranh lụa Hà Hùng Dũng, công chúng sẽ thấy cả một tinh thần mới mẻ, đầy suy tư, chiêm nghiệm.
Trăn trở với vùng cao, những sáng tác ở nhiều thể loại như màu nước, gốm, tranh lụa... của Hà Hùng Dũng đều ghi lại nét đẹp phụ nữ Sa Pa |
“Hồi chưa có dịch COVID-19, tôi rất năng động, làm nhiều việc, sáng tác và kinh doanh, có thể nói là việc nào cũng thành công. Có cảm giác như lúc đó đang sung sức nên mọi cánh cửa cho năng lượng sống và sáng tác đều mở toang để mọi thứ ào vào. Nhưng hai năm gần đây, vì xảy ra đại dịch, các công việc bên ngoài không phải việc nào cũng dễ dàng thành công, tôi đã tự đóng bớt một số “cánh cửa”, ngồi trong xưởng, sống toàn tâm toàn ý với các sáng tác. Lựa chọn lụa để thể hiện là thêm thách thức, mỗi bức vẽ chiếm mất hai lần thời gian và công sức so với màu nước, và đối diện tất cả những khó khăn để chinh phục kỹ thuật. Nhưng chính lúc này, tôi cảm thấy việc sống hết mình với tác phẩm mang nhiều ý nghĩa hơn là lúc mọi thứ dễ dàng đến” – Hoạ sĩ cho hay.