Trước đó, Tập đoàn Hòa Phát đã có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Ngãi, đề nghị được thay thế nhà đầu tư Guang Lian Steel (Trung Quốc) làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà máy gang thép Guang Lian (Quảng Liên) Dung Quất.
Dự án này vốn do Công ty TNHH Quảng Liên Stell Việt Nam làm chủ đầu tư nhưng sau 10 năm vẫn không triển khai được. Do đó tỉnh Quảng Ngãi đã rút giấy phép đầu tư đối với dự án này vào cuối tháng 8/2016.
Hiện, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có công văn gửi các Bộ KHĐT, Công thương, TNMT, Tài chính, KHCN, GTVT và Xây dựng để xin ý kiến việc để Hòa Phát thay thế Quảng Liên Stell.
Đồng thời, Ban quản lý khu kinh tế Dung Quất cũng có văn bản với các Bộ ngành liên quan tạo điều kiện cho dự án thép này được sớm khởi công.
Được biết, dự án có tổng vốn đầu tư gần 3 tỷ USD, với công suất 4 triệu tấn/năm, được chia làm 2 giai đoạn, mỗi giai đoạn có công suất 2 triệu tấn/năm, thời gian hoạt động 70 năm. Dự án sẽ được hoàn thành các giai đoạn trong vòng hơn 40 tháng nếu được phép triển khai xây dựng.
Trong đó, công suất giai đoạn 1 của dự án là 2 triệu tấn thép/năm, với các sản phẩm như thép xây dựng, thép thanh xoắn và thép cuộn. Giai đoạn 2 sẽ triển khai sản xuất các sản phẩm dẹt, thép cuộn cán nóng chiều dày từ 1.2mm đến 19mm, khổ rộng từ 700-1650 mm.
Theo Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất, khi hoàn thành, dự kiến với doanh thu hàng năm khoảng 2 tỷ USD, dự án sẽ góp phần tăng đáng kể sản lượng công nghiệp, dịch vụ, đóng góp cho ngân sách 4.000 tỷ đồng mỗi năm sau khi hoạt động hết công suất. Dự kiến sẽ có khoảng 8.000 việc làm cho lao động địa phương tại đây.
Chủ đầu tư cam kết sẽ lựa chọn và sử dụng công nghệ, thiết bị hiện đại, đảm bảo môi trường. Sau khi đi vào hoạt động dự án dự kiến có doanh thu 2 tỉ USD, đóng góp 4.000 tỉ đồng/năm cho ngân sách địa phương.
Theo, UBND tỉnh Quảng Ngãi, dự án đăng ký đầu tư của Hòa Phát phù hợp với quy hoạch tổng thể Khu kinh tế Dung Quất đến năm 2015 và năm 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt. Quy mô của dự án phù hợp với quyết định của Bộ Công Thương về việc phê duyệt quy hoạch hệ thống sản xuất và phân phối thép đến năm 2020, xét đến năm 2025.
Theo quy định, dự án gang thép Hòa Phát Dung Quất được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 15 năm và miễn bốn năm, giảm 50% trong chín năm tiếp theo. Tuy nhiên, tỉnh Quảng Ngãi còn đề xuất áp dụng thuế 10% trong 30 năm do đây là dự án có quy mô lớn.
Đối với phần đất sạch của dự án Guang Lian trước đây đã được ngân sách bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng 203,5 tỷ đồng, Hòa Phát phải trả lại cho chủ đầu tư trước, nhưng được khấu trừ số tiền trả lại này vào tiền thuê đất theo quy định.
Dự án thép Quảng Liên Dung Quất được cấp phép năm 2006, ban đầu do Tập đoàn Tycoons (Đài Loan) đầu tư với số vốn đăng ký khoảng hơn 1 tỷ USD. Sau đó, Tập đoàn E - United hợp tác với Tycoons cùng thực hiện và nâng vốn dự án lên 3 tỷ USD. Đến năm 2008, Công ty TNHH Guang Lian (Quảng Liên) Steel Việt Nam hợp tác với hai Tập đoàn này điều chỉnh vốn dự án lên trên 3,3 tỷ USD. Tháng 5/2010, nhà đầu tư xin điều chỉnh giấy phép lần 5, điều chỉnh từ 3 tỷ USD lên 4,5 tỷ USD. Tháng 3/2012, Tập đoàn thép JFE (Nhật Bản) quyết định liên doanh với Công ty TNHH Guang Lian xây dựng nhà máy thép. Tuy nhiên , do không nhận được ưu đãi, nhận thấy dự án không khả thi, cuối năm 2014 JFE tuyên bố rút lui.
Trong lúc tỉnh Quảng Ngãi thanh tra dự án, tháng 3/2016, chủ đầu tư tiếp tục đề xuất khởi động lại dự án với công suất 5 triệu tấn mỗi năm, tổng vốn 2,2 tỷ USD, hoàn thành trong 42 tháng. Tuy nhiên trong quá trình thanh tra, tỉnh xét thấy chủ đầu tư dự án đã “vi phạm Luật Đất đai 2013” nên đề nghị xử lý chấm dứt hoạt động.