|
Chiếc B-36 và phi hành đoàn 16 thành viên (Ảnh: chinatimes). |
Thực ra, B-52 "Stratofortress" chỉ đứng thứ 2. Không quân Mỹ từng có một loại máy bay ném bom lớn hơn. Mặc dù chưa từng được sử dụng để ném bom nhưng nó vẫn là trụ cột của Bộ Tư lệnh Không quân Chiến lược Mỹ trong thời kì ban đầu thành lập. Đó là máy bay ném bom chiến lược B-36 “Peacemaker”.
B-36 là kiểu máy bay ném bom siêu lớn được Công ty Convair cho ra mắt vào năm 1946. Theo tư liệu của Bảo tàng Không quân Quốc gia Mỹ, sải cánh của nó là 70,1 m (để so sánh, B-52 có sải cánh là 56,8 m) và chiều dài là 49,4 mét (B-52 có chiều dài 48,5 m), và nó có thể mang lượng bom lên tới 39,6 tấn (B-52 có thể mang tối đa 31,5 tấn). Có thể thấy rằng B-36 lớn hơn B-52 về mọi mặt. Nó cũng là loại máy bay ném bom duy nhất có thể vận chuyển bất kỳ loại vũ khí hạt nhân nào có trong kho vũ khí của Mỹ bên trong bốn khoang chứa vũ khí mà không cần phải cải tiến. Với tầm bay xa đến hơn 10.000 dặm (16.000 km) và tải trọng vũ khí tối đa đến 39,600 tấn, nó có khả năng bay liên lục địa mà không cần tiếp nhiên liệu. Trong suốt một thời kì dài, B-36 là chiếc máy bay có tải trọng lớn nhất thế giới. Chỉ sau khi có sự xuất hiện của những chiếc Boeing 747 và C-5 Galaxy, cả hai được thiết kế muộn hơn hai thập niên sau đó, thế giới mới có những chiếc máy bay có tải trọng lớn hơn B-36.
|
Bộ ba máy bay ném bom chiến lược của Mỹ thập niên 1950. Từ trước về sau: B-47, B-52, B-36 (Ảnh: chinatimes). |
Thật không dễ dàng để cho một chiếc máy bay khổng lồ như vậy cất cánh. B-36 sử dụng tới 6 động cơ cánh quạt Pratt & Whitney R-4360, cộng với 4 động cơ phản lực General Dynamics J47. Với 10 động cơ kết hợp giữa hai loại cánh quạt và phản lực), B-36 cũng là máy bay có kỉ lục cao nhất về số lượng động cơ trong lịch sử hàng không thế giới. 10 động cơ này có thể đẩy B-36 khi đầy tải đạt tới tốc độ cực đại 700 km/h. B-36 bay bên trên trần bay của mọi loại máy bay tiêm kích trong những năm 1940, cho dù là phản lực hay cánh quạt. Đa số các phiên bản của B-36, ngoại trừ B-36A, đều có thể bay đường trường ở trần bay trên 40.000 ft (12.000 m). Vào năm 1954, các tháp pháo và các thiết bị không cần thiết được dỡ bỏ, cho một cấu hình "hạng nhẹ" có thể đạt được tốc độ tối đa 681 km/h và có thể bay đường trường ở độ cao 50.000 ft (15.000 m) hay có thể tạm thời lên đến độ cao 55.000 ft (17.000 m), thậm chí là cao hơn.
|
Một phi công bên cạnh chiếc lốp bánh càng máy bay B-36 (Ảnh: chinatimes). |
Bốn khoang chứa bom của B-36 có thể mang đến 39.000 kg bom thông thường hoặc bom nguyên tử, nhiều gấp hơn 9 lần so với “con ngựa thồ” thời Thế Chiến II là chiếc B-17 Flying Fortress (4.400 kg)) và nặng hơn đáng kể so với tổng trọng lượng của chiếc B-17 (29.000 kg). Chiếc B-36 ban đầu không được thiết kế để mang vũ khí nguyên tử, đơn giản là vì sự có mặt của một kiểu vũ khí như vậy còn là điều tối mật trong giai đoạn mà chiếc B-36 được thiết kế (1941 - 1946) và phương thức mang thứ vũ khí hủy diệt này còn chưa được xác định. Nhưng B-36 đã đảm nhiệm vai trò mang vũ khí nguyên tử ngay sau khi được đưa vào hoạt động. Trong mọi tính năng bay, ngoại trừ tốc độ, B-36 đều có thể bắt kịp đối thủ Liên Xô tương xứng của nó là loại Tupolev Tu-95 trang bị động cơ cánh quạt (hiện nay vẫn còn đang được sử dụng).
|
Đội hình ba chiếc máy bay gồm B-36, B-52 và F-102 (Ảnh: chinatimes). |
Vũ khí phòng vệ của B-36 gồm sáu tháp pháo điều khiển từ xa có thể thu vào trong thân và các tháp pháo cố định ở đuôi và trước mũi. Mỗi tháp pháo được gắn hai pháo tự động 20 mm, tổng cộng bao gồm 16 khẩu, hỏa lực tự vệ lớn nhất từng được trang bị cho một chiếc máy bay ném bom tính đến thời đó. Một hệ thống radar AN/APQ-3 trong một vòm đặt trên tháp pháo đuôi được sử dụng để điều khiển hỏa lực cho tháp pháo đuôi. Hệ thống phòng vệ này được đánh giá là phức tạp và kém tin cậy. Sự dội lại khi thực hành tác xạ có thể làm hệ thống điện tử bóng chân không điều khiển động cơ trên máy bay bị hỏng hóc. Điều này đã gây ra tai nạn làm rơi chiếc B-36B ngày 22/11/1950
B-36 cũng là loại máy bay duy nhất được thiết kế để mang bom T-12 Cloudmaker, một kiểu bom nặng 43.600 lb (19.800 kg) được thiết kế để tạo ra một hiệu ứng động đất. Khi ném bom thử nghiệm, B-36 đã mang hai quả bom với tổng trọng lượng 87.200 lb (39.600 kg), để lần lượt ném quả thứ nhất ở độ cao 30.000 ft (9.100 m) và quả thứ hai ở độ cao 40.000 ft (12.000 m). Cho đến nay T12 Cloud Maker vẫn là loại bom thông thường nặng nhất mà Mỹ từng chế tạo.
|
Chiếc B-36J trưng bày tại Bảo tàng Hàng không và Không gian Mỹ (Ảnh: Wiki) |
B-36 được đưa vào trang bị từ năm 1948. Nó có độ cao hoạt động (trần bay) lớn, ít nhất vào thời điểm đó, hầu hết các loại súng phòng không đều không thể bắn tới độ cao bay của B-36 nên nó có tác dụng răn đe mạnh mẽ và trở thành một bộ phận quan trọng của lực lượng không quân chiến lược Mỹ với tổng sản lượng tới 384 chiếc. Tuy nhiên, những năm thập niên 1950 thế giới đã dần bước vào kỷ nguyên máy bay phản lực, tốc độ bay chậm, thời gian chuẩn bị lâu và thân máy bay quá lớn khiến việc triển khai B-36 trở nên bất tiện. Sau đó, máy bay ném bom Boeing B-52 ra đời, với hầu hết các nhiệm vụ đều trùng với B-36; vì vậy chỉ sau 11 năm phục vụ ngắn ngủi, B-36 đã được cho nghỉ hưu vào năm 1954. Cho dù phiên bản ném bom chưa bao giờ tham gia bất kỳ cuộc xung đột nào trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh, nhưng các phiên bản trinh sát của nó đã tiến hành nhiều hoạt động do thám trên lãnh thổ Triều Tiên, Trung Quốc, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác.
|
Chiếc B-36 cùng đội bay và các phương tiện hỗ trợ hậu cần (Ảnh: wiki). |
Ngay từ khi mới ra đời, B-36 đã bị chỉ trích là lạc hậu, một kiểu máy bay cánh quạt lạc loài trong một thế giới đã toàn máy bay tiêm kích đánh chặn phản lực. Dù sao, so với kiểu máy bay ném bom phản lực tương đương là loại B-47 Stratojet được đưa vào hoạt động vào năm 1953, cũng không đủ tầm bay xa để tấn công Liên Xô từ lục địa Bắc Mỹ mà không cần tiếp nhiên liệu dọc đường và cũng không thể mang quả bom khinh khí (bom Hydro) thế hệ đầu tiên nặng đến 20 tấn. Những chiếc máy bay ném bom động cơ cánh quạt khác của Mỹ vào lúc đó như B-29 và B-50 cũng bị giới hạn về tầm xa hoạt động để có thể trở thành một vũ khí hạt nhân chiến lược. Khi đó tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) còn chưa trở thành những phương tiện mang đầu đạn tin cậy mãi cho đến những năm 1960. Cho đến trước khi những chiếc B-52 Stratofortress được đưa vào hoạt động vào cuối những năm 1950; B-36, chiếc máy bay ném bom liên lục địa thật sự, chính là chỗ dựa chính của Bộ chỉ huy Không quân Chiến lược (SAC).
|
Chiếc B-36J trưng bày tại Bảo tàng Không quân quốc gia Mỹ (Ảnh: wiki). |
Ngoài phiên bản ném bom, B-36 còn có phiên bản làm nhiệm vụ trinh sát chiến lược. Chiếc máy bay đầu tiên được thử nghiệm làm nhiệm vụ này là RB-36D, một phiên bản trinh sát của B-36D với hình dáng bề ngoài không có gì khác biệt, nhưng với thành phần đội bay lên đến 22 thay vì 16 người như phiên bản ném bom. Số nhân sự tăng cường này vận hành và bảo trì những thiết bị trinh sát hình ảnh mang theo. Khoang bom phía trước được thay bằng một khoang điều áp, mang theo 14 máy ảnh đồng thời trang bị một phòng tối để kỹ thuật viên có thể tráng phim ảnh. Khoang bom thứ hai mang theo tới 80 bom chớp sáng T-86, khoang bom thứ ba chứa một thùng dầu phụ có thể vứt bỏ được, có dung tích 11.000 lít giúp kéo dài thời gian hoạt động trên không lên tới 50 giờ liên tục. Khoang bom thứ tư chứa các thiết bị tác chiến điện tử. Vũ khí phòng vệ gồm 16 pháo tự động M-24A-1 20 mm vẫn được giữ lại. Chiếc máy bay phiên bản RB-36D có trần bay tối đa lên đến 15.000 m; sau này còn có phiên bản RB-36-III nhẹ hơn, có thể lên đến độ cao 18.000 m.
|
Máy bay trinh sát RB-66D (Ảnh: wiki). |
RB-36 là loại máy bay duy nhất có tầm bay đến được châu Á từ căn cứ ở lục địa Mỹ và đủ lớn để mang những chiếc máy ảnh độ phân giải cao rất cồng kềnh vào thời đó. Có tổng cộng 24 chiếc RB-36D được chế tạo, chiếc cuối cùng được chuyển giao vào tháng 5/1951. Một số chiếc RB-36D sau này được cải biến cấu hình, mọi tháp pháo bị tháo dỡ ngoại trừ tháp pháo ở đuôi và đội bay giảm từ 22 xuống còn 19 người; những chiếc loại này được đặt tên là RB-36D-III.
|
Máy ảnh Boston khổng lồ lắp trên máy bay RB-66D (Ảnh: wiki). |
Tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực phòng không của Liên Xô làm những chuyến bay trinh sát xâm nhập sâu vào lãnh thổ đối thủ trở nên nguy hiểm, nên RB-36 chỉ còn sử dụng để trinh sát dọc biên giới Liên Xô và các nước Đông Âu. Vào khoảng năm 1956 chúng dần dần được thay thế bởi phiên bản RB-47E trang bị động cơ phản lực, cũng là thời điểm mà máy bay do thám U-2 bắt đầu thực hiện những chuyến bay do thám hình ảnh sâu vào lãnh thổ Liên Xô. Những chiếc RB-36 được cải biến trở lại thành cấu hình ném bom tương ứng, và cuối cùng cũng ngừng hoạt động trong giai đoạn 1958-1959.
Một đoạn phim với hình ảnh của siêu máy bay ném bom B-36
Cho đến nay, chỉ còn có 4 chiếc B-36 được bảo tồn ở các nơi trên đất Mỹ, gồm: Bảo tàng Hàng không Vũ trụ Chiến lược tại Omaha, Nebraska; Bảo tàng Quốc gia của Không quân Mỹ ở Dayton, Ohio; Bảo tàng Hàng không Vũ trụ Pima ở Tucson, Arizona và Bảo tàng Hàng không tại thành phố Alvor, California.