Hình ảnh cho thấy 1/5 phi đội MiG-29 của Ukraine bị tiêu diệt chỉ trong 1 đòn tấn công của Nga

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Chỉ trong vòng 48 giờ kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, nhiều bức ảnh xuất hiện cho thấy một sân bay Ukraine có 6 chiếc MiG-29 bị hư hại nặng.
Hải quân Nga phóng tên lửa Kalibr (Ảnh: Military Watch)
Hải quân Nga phóng tên lửa Kalibr (Ảnh: Military Watch)

Tất cả những chiếc máy bay này đều bị hư hại nghiêm trọng chỉ sau 1 đòn tấn công tên lửa duy nhất của quân đội Nga. Loại tên lửa được sử dụng được cho là 3M14 Kalibre của Hải quân Nga, có thể được phóng từ nhiều loại tàu khác nhau, từ tàu hộ tống hạng nhẹ lớp Buyan-M cho tới tàu ngầm năng lượng nguyên tử lớp Borei.

Ngay từ đầu chiến dịch này, Nga đã coi các địa điểm phòng không và sân bay quân sự của Ukraine là những mục tiêu được ưu tiên, và hình ảnh những chiếc MiG-29 bị hủy diệt chính là tín hiệu đầu tiên cho thấy hiệu quả của chiến dịch này. Tổn thất 6 chiếc MiG-29 cũng đại diện cho một đòn chí mạng đối với sức mạnh không quân Ukraine, bởi đất nước này sở hữu khoảng 30 chiếc MiG-29, vậy nên những chiếc bị hủy diệt chiếm tới 1/5 phi đội MiG-29.

Không quân Ukraine cũng sở hữu số lượng tương tự mẫu chiến đấu cơ mạnh hơn là Su-27, mặc dù đã mất 1 chiếc do hỏa lực của phe mình, 1 chiếc khác chạy trốn sang nước láng giềng Romania và còn nhiều tổn thất khác được báo cáo nhưng chưa được xác nhận trong vòng 24 giờ đầu tiên của chiến dịch. Su-27 đặc biệt cần thêm nhiều chi tiết hơn trong công tác bảo dưỡng và cũng cần đường băng dài hơn để cất cánh nếu so với MiG-29. Điều này khiến nó dễ trở thành mục tiêu trong một cuộc xung đột, khi mà các sân bay quân sự của Ukraine trở thành mục tiêu ưu tiên.

Chiến đấu cơ MiG-29A vốn là chủ lực của Không quân Ukraine đã được biên chế từ năm 1982. Mặc dù được trang bị nhiều bộ cảm ứng, vũ khí và nhiều thiết bị điện tử hàng không, nhưng chúng vẫn quá lỗi thời nếu đem so với các chiến đấu cơ hiện đại của Nga. Theo ước tính, Ukraine thừa hưởng tổng cộng 260 chiếc MiG-29 và Su-27 khi Liên Xô sụp đổ, nhưng do không thể gánh nổi chi phí vận hành nên 3/4 trong số này buộc phải “về vườn”.

Nga cũng sở hữu nhiều biến thể hiện đại của MiG-29 với số lượng nhỏ, trong đó có MiG-29K và MiG-29SMT. Tuy nhiên chúng được tin là không góp phần trong chiến dịch ở Ukraine.

Do Nga cũng tiêu diệt nhiều cơ sở phòng không dưới mặt đất của Ukraine – bao gồm các hệ thống S-300PS/PT và BuK-M1 – chỉ trong vòng có 2-3 giờ đồng hồ sau khi chiến dịch bắt đầu, nên mối đe dọa chính đối với các chiến đấu cơ của Nga chính là các hệ thống phóng tên lửa đất-đối-không hạng nhẹ vác vai – đáng chú ý nhất chính là tên lửa Stinger mà Mỹ cung cấp.

Do có thể được sử dụng bởi lính bộ binh, và không phát ra tín hiệu radio trong lúc sử dụng nên Stinger cực khó bị phát hiện, khó bị vô hiệu hóa. Tuy nhiên, mối đe dọa mà những những hệ thống hạng nhẹ như vậy gây ra vẫn không lớn do tầm bắn hạn chế, không tiêu diệt được các mục tiêu ở tầm cao lớn trong khi có rất nhiều biện pháp để vô hiệu hóa hệ thống dẫn đường hồng ngoại của chúng.