Cuộc họp lấy ý kiến về đề xuất này đã tổ chức tại UBND tỉnh Long An 2/3. Công ty Cổ phần Him Lam xuất hiện tại cuộc họp trong tư cách “nhà đầu tư” - cổng thông tin điện tử tỉnh Long An cho biết.
Theo đề xuất của Him Lam, khu kinh tế mở diện tích 32.300ha nên được hình thành trên địa bàn 2 huyện Cần Giuộc và Cần Đước. Phía Công ty Him Lam cho biết đây là nơi hội tụ đủ các điều kiện giao thông về đường thủy và đường bộ.
Khu kinh tế mở này đã đáp ứng 5/6 điều kiện thành lập – Him Lam khẳng định.
Đa số đại biểu tham gia cuộc họp thống nhất với đề xuất thành lập khu kinh tế mở. Ý kiến đóng góp chủ yếu đề nghị xem xét về quy mô, diện tích đề xuất thực hiện dự án, tên gọi khu kinh tế mở…
Về việc điều chỉnh công năng 7 khu công nghiệp thành phần trong khu công nghiệp Đức Hòa III thuộc huyện Đức Hòa do Công ty Him Lam đề xuất, phần lớn ý kiến đại diện ngành chức năng thuộc UBND tỉnh Long An đều đồng ý.
Nội dung việc điều chỉnh công năng như thế nào không thể hiện rõ.
Tuy nhiên, các ý kiến tại cuộc họp này cho thấy đây là đề xuất “điều chỉnh từ đất công nghiệp sang đất khu dân cư” tại khu công nghiệp Đức Hòa III - cổng thông tin điện tử tỉnh Long An cho biết.
Công ty cổ phần Him Lam được biết là doanh nghiệp do ông Dương Công Minh sở hữu 99% cổ phần vốn điều lệ.
Trong năm 2017 và đầu năm 2018, ông Dương Công Minh đã lần lượt rời ghế chủ tịch của LienVietPostBank và chủ tịch Him Lam để chuyển sang nắm vị trí Chủ tịch của Sacombank.
LienVietPostBank cũng là ngân hàng đã từng nắm giữ lượng lớn cổ phần Sacombank, và bảo lãnh cho nhiều cá nhân vay vốn từ ngân hàng khác mua cổ phần Sacombank trong giai đoạn ngân hàng này bị thôn tính khỏi kiểm soát của gia đình ông Đặng Văn Thành.
Công ty cổ phần Him Lam và chuỗi các công ty liên quan hiện đang sở hữu, quản lý, khai thác hàng chục dự án bất động sản tại các địa phương cả nước, đặc biệt tại hai đô thị lớn là Hà Nội, Tp.HCM.
Hệ thống các doanh nghiệp hiện đang quản lý khai thác sân golf Long Biên cạnh sân bay Gia Lâm ở Hà Nội, và sân golf Tân Sơn Nhất tại sân bay Tân Sơn Nhất.