Ông Dương Công Minh quyết “đặt trọn niềm tin” vào Sacombank

VietTimes -- Việc ông Dương Công Minh chính thức từ chức Chủ tịch HĐQT tại 4 công ty con để "chuyên tâm" làm Chủ tịch HĐQT Sacombank đã phát đi một thông điệp rất rõ ràng. Bên cạnh mục đích tuân thủ các quy định của pháp luật, nó còn cho thấy tâm huyết và cam kết gắn bó lâu dài tại đây của ông Dương Công Minh.
Ông Dương Công Minh tại ĐHĐCĐ Sacombank ngày 30/6/2017
Ông Dương Công Minh tại ĐHĐCĐ Sacombank ngày 30/6/2017

Ngày 03/1/2018, Ngân hàng TMCP Sài Gòn thương tín – Sacombank (HSX: STB) vừa có thông báo về việc thay đổi thông tin của người nội bộ là Ông Dương Công Minh - Chủ tịch HĐQT Sacombank.

Theo đó, thông tin cá nhân của ông Dương Công Minh thay đổi đã giảm chức vụ Chủ tịch HĐQT tại 4 công ty là: CTCP Him Lam, CTCP Dụng cụ Thể thao Bảo Long, CTCP Phát triển Xí Mần, CTCP Chứng khoán Liên Việt (LPB). Sau thay đổi, ông Dương Công Minh chỉ còn giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín – Sacombank.

Thông báo này đồng nghĩa với việc ông Dương Công Minh đã hiện thực hóa “lời nói” thành hành động khi quyết định rút khỏi vị trí Chủ tịch tại các doanh nghiệp, đặc biệt là CTCP Him Lam.

Trước đó, trong lần trả lời phỏng vấn với phóng viên Thời báo Kinh tế Sài Gòn – Saigontimes, ông Dương Công Minh cho biết sẽ từ chức chủ tịch HĐQT tập đoàn Him Lam theo quy định mới của Nhà nước, để dành thời gian nhiều hơn cho Sacombank. "Thật lòng tôi đặt niềm tin ở Sacombank." - ông Minh chia sẻ thêm.

Ông Dương Công Minh quyết “đặt trọn niềm tin” vào Sacombank ảnh 1Thông tin công bố trên trang chủ của NHTMCP Sacombank ngày 03/01/2018 (Nguồn: Sacombank)
Hành động này được cho là nhằm tuân thủ các quy định mới về chức danh vị trí lãnh đạo ngân hàng của Luật tổ chức tín dụng sửa đổi, bổ sung của Luật các Tổ chức tín dụng (TCTD) sẽ có hiệu lực vào 15/1/2018. Cụ thể, khoản 4, Điều 34 quy định: “Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng không được đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác.

Quy định mới này cũng được đánh giá sẽ tác động đến lãnh đạo tại các ngân hàng và buộc họ phải đưa ra sự lựa chọn chức danh tại doanh nghiệp và ngân hàng. Bởi lẽ, đa phần các lãnh đạo ngân hàng, đặc biệt là các lãnh đạo cao cấp của các ngân hàng TMCP kiêm nhiệm các chức danh lãnh đạo tại một hay nhiều doanh nghiệp ngân hàng.

Như VietTimes đã đưa tin trước đó, việc buộc phải chọn “ghế nóng” tại ngân hàng hay doanh nghiệp không đồng nghĩa với việc buộc phải lựa chọn giữa sở hữu ngân hàng hay sở hữu doanh nghiệp.

Việc từ bỏ “ghế” lãnh đạo có thể chỉ có ý nghĩa trên giấy tờ. Những “sếp” ngân hàng sẽ vẫn giữ “ghế” ngân hàng và vẫn có thể duy trì quyền lực điều hành tại doanh nghiệp của họ. Chẳng hạn như chỉ đạo, điều hành qua những người thân tín.

Hoặc họ có thể từ bỏ vị trí Chủ tịch HĐQT ngân hàng mà vẫn tham gia Ban quản trị với cương vị Phó Chủ tịch hay Thành viên HĐQT. Quy định về chức danh của lãnh đạo ngân hàng không điều chỉnh tới những vị trí này.

Và đó chỉ là hai trong rất nhiều cách có thể giúp các sếp nhà băng “lách” quy định mới về chức danh lãnh đạo ngân hàng. Câu chuyện có thể cũng tương tự như quy định giới hạn về tỷ lệ sở hữu tại tổ chức tín dụng.

Cũng theo một số kênh truyền thông, sau khi ông Dường Công Minh rời vị trí Chủ tịch CTCP Him Lam, tập đoàn này sẽ thực hiện bầu lại cơ cấu của ban quản trị và dự kiến ông Trần Văn Tĩnh sẽ đảm nhiệm chức vụ này thay ông. Được biết, ông Trần Văn Tĩnh hiện đang giữ vị trí Tổng giám đốc Công ty CP Him Lam, là anh họ của ông Dương Công Minh.

Với số cổ phần ông Dương Công Minh đang nắm giữ tại Sacombank là hơn 62,5 triệu cổ phiếu, tương đương với 3,47% (Tổng tỉ lệ cổ phần của ông Minh và những người liên quan là 7,47%), ông Dương Công Minh tiếp tục có kế hoạch mua thêm 1 triệu cổ phiếu nữa (từ 18/12/2017 – 17/01/2018) để nâng tỷ lệ sở hữu lên 3,52% với mục đích đầu tư cá nhân. Tuy nhiên, ông Dương Công Minh vẫn chỉ là cổ đông nội bộ, cổ đông lớn nhất tại Sacombank đang là NHNN (đại diện 54,4% vốn cổ phần từ ông Trầm Bê ủy quyền)  và đây mới là người có tiếng nói quyết định tại nhà băng này.