Căn cứ đề xuất của Tổng Giám đốc tại Phiếu ý kiến tham mưu của Phòng kế hoạch và Tờ trình số 32/2017/TT-VPKV ngày 30/10/2017 của Văn phòng Khu vực miền Bắc, HĐQT Sacombank đã thống nhất chủ trương di dời trụ sở một số phòng giao dịch thuộc Khu vực miền Bắc.
Theo đó, Sacombank sẽ di dời trụ sở của 5 phòng giao dịch, gồm 1 phòng ở Hải Dương, 2 phòng ở Hải Phòng, 1 phòng ở Hưng Yên và 1 phòng ở Thanh Hóa. Cụ thể:
PGD Sacombank Nguyễn Lương Bằng (CN Hải Dương) sẽ dời từ địa điểm hiện hữu, là phường Thanh Bình, Tp. Hải Dương, về địa điểm mới - là khu vực Thị trấn Thanh Miện (H. Thanh Miện). Sau khi chuyển, PGD chuyển sang tên gọi mới là Chi nhánh Hải Dương – PGD Thanh Miện. Việc di dời này là nhằm mở rộng thị phần tại huyện Thanh Miện.
PGD Văn Cao (CN. Hải Phòng) sẽ dười từ địa điểm hiện hữu, là 197 Văn Cao, P. Đằng Giang, Q. Ngô Quyền, Tp. Hải Phòng, về địa điểm mới – là khu vực đường Lạch Tray, Q. Ngô Quyền. Sau khi chuyển, PDG sẽ mang tên mới là Chi nhánh Hải Phòng – PGD Lạch Tray. Việc di dời này là do vị trí hiện tại thuộc tòa nhà chung cư, khả năng phát triển tại khu vực trong thời gian tới không cao.
PGD Tam Bạc (CN. Hải Phòng) sẽ dời từ địa điểm hiện hữu là 102A Quang Trung, P. Phan Bội Châu, Q. Hồng Bàng, Tp. Hải Phòng về địa điểm mới – là Khu vực quận Kiến An. Sau khi chuyển, PGD mang tên mới là PDG Kiến An. Việc di dời này là do trụ sở hiện tại nhỏ, hẹp, thiếu chuẩn, hết hạn thuê nhà vào tháng 06/2018; Vị trí dự kiến di dời đến thuộc Khu vực vùng ven và đang khá phát triển.
Cũng với lý do như của PGD Tam Bạc, Sacombank sẽ di dời PGD Bô Thời (CN Hưng Yên), từ địa điểm hiện hữu, là Thị tứ Bô Thời, xã Hồng Tiến, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên sang địa chỉ mới – là xã Dân Tiến, huyện Khoái Châu. Sau khi chuyển, PGD vẫn mang tên PGD Bô Thời.
Cuối cùng, PGD Đông Thành (CN Thanh Hóa) sẽ di dời từ địa chỉ cũ là 344B+C Lê Lai, phường Đông Sơn, Tp. Thanh Hóa về địa chỉ mới – là khu vực thị trấn Quán Lào, huyện Yên Định. Sau khi chuyển, PGD sẽ chuyển sang tên mới mà PGD Yên Định. Theo HĐQT Sacombank, việc di dời PGD khỏi địa bàn Tp. Thanh hóa là để mở rộng thị phần tại huyện Yên Định.
HĐQT Sacombank giao Tổng Giám đốc chỉ đạo các đơn vị có liên quan có trách nhiệm thực hiện các thủ tục theo đúng quy định. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày ký (09/11/2017).
Chủ trương tái cấu trúc lại hệ thống mạng lưới Khu vực miền Bắc tiếp tục thể hiện quyết tâm cải tổ mạnh mẽ và sự quyết đoán trong quản trị, điều hành của dàn lãnh đạo mới tại Sacombank, mà đứng đầu là Chủ tịch Dương Công Minh.
Thực tế, Sacombank là ngân hàng được phát triển từ mô hình ban đầu ở Sài Gòn, có tầm ảnh hưởng và uy tín lớn tại khu vực phía Nam. Ở khu vực phía Bắc, Sacombank cũng là thương hiệu lớn, có uy tín, và độ phủ rộng khắp, hệ thống mạng lưới phòng giao dịch thuộc top đầu, nhưng không thể phủ nhận sự thiếu cân xứng và khoảng cách phát triển với khu vực miền Nam.
Chủ trương tái cấu trúc lại hệ thống mạng lưới Khu vực miền Bắc – dù mới chỉ bắt đầu ở 5 phòng giao dịch – phần nào cho thấy chiến lược cân bằng hai miền, cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động của các thành viên hệ thống.
Thứ nữa, chủ trương di dời các phòng giao dịch Sacombank ra khu vực vùng ven, các khu vực đang phát triển cũng phần nào cho thấy bóng dáng của ông Dương Công Minh. Trước khi về Sacombank, ông Minh từng có kinh nghiệm thành công với LienVietPostBank, trong việc phát triển hệ thống ra các khu vực nông thôn và vùng ven thành thị.
Sacombank “triều đại” Dương Công Minh
Bỏ qua những hoài nghi ban đầu, ông Minh và các cộng sự của mình đang từng bước hiện thực hóa tham vọng đưa Sacombank trở về vị thế số 1 trong nhóm ngân hàng TMCP.
Ngay sau khi được bầu làm tân Chủ tịch Sacombank nhiệm kỳ 2017 – 2022, tại hội nghị Sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm của ngân hàng, ông Minh đã quyết định “thưởng nóng” 1 tháng lương cơ bản và nâng cao chính sách lương, phúc lợi cho hơn 17.000 cán bộ nhân viên trong toàn hệ thống ngay từ tháng 7/2017.
Quyết định bất ngờ trên ngoài giá trị về mặt vật chất cho người lao động, thực tế, còn mang một ý nghĩa tinh thần rất lớn, thể hiện thông điệp hồi sinh và phát triển của ngân hàng trong thời kỳ mới.
Nhắc lại rằng, sau những biến cố thời hậu Đặng Văn Thành, hoạt động của Sacombank đã có rất nhiều xáo động. Sau khi sáp nhập với Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank) của ông Trầm Bê, tình hình của ngân hàng càng đi xuống, trầm trọng hơn, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống, tâm tư của cán bộ, nhân viên. Đại hội cổ đông ngày 30/6/2017, đánh dấu việc kết thúc thời kỳ Trầm Bê, và mở ra “triều đại” Dương Công Minh ở Sacombank, nên quyết định tăng lương, thưởng nóng của ông Minh sẽ có ý nghĩa rất lớn lao.
Song song với việc cải thiện đời sống người lao động, ông Minh và ban quản trị mới của Sacombank cũng quyết liệt cải tổ và hoàn thiện thượng tầng lãnh đạo của ngân hàng. Hàng loạt cái tên mới xuất hiện trong vị trí Tổng Giám đốc (bà Nguyễn Đức Thạch Diễm), Phó Tổng Giám đốc, Giám đốc và lãnh đạo các công ty con thuộc ngân hàng. Tất nhiên, cũng nhiều cái tên cũ phải ra đi – phần nhiều trong đó là những cộng sự cũ của ông Trầm Bê.
Trưa 2/8/2017, ngay sau khi cơ quan chức năng công bố quyết định khởi tố và bắt tạm giam ông Trầm Bê và cựu CEO Sacombank Phan Huy Khang, ông Dương Công Minh – khi này mới ngồi ghế Chủ tịch HĐQT Sacombank khoảng một tháng – xuất hiện trên sóng truyền hình quốc gia để nói về các khoản nợ của nhóm Trầm Bê tại Sacombank.
Những gì mà ông Minh nói – “ông Trầm Bê hiện tại đang có 2 khoản nợ tại Sacombank, một khoản nợ liên quan đến bất động sản có giá trị khoảng 33.000 tỷ đồng, một khoản nợ liên quan đến cổ phiếu có giá trị khoảng 10.000 tỷ đồng” – có lẽ là nằm ngoài hình dung của những người tham gia phỏng vấn, và có thể là cả bộ phận tư vấn truyền thông của Sacombank. Theo lẽ thường, trong những sự vụ như vậy, lãnh đạo ngân hàng chỉ xuất hiện với một thông điệp mang tính trấn an và tránh đi vào những công bố cụ thể.
Tân Chủ tịch Sacombank còn cho biết thêm rằng, nợ xấu của Sacombank hiện tại khoảng 60.000 tỷ đồng – một con số gây giật mình với phần đông công chúng. Nhưng ông cũng nói, “chúng tôi đã quyết liệt xử lý và phấn đấu đến cuối năm nay sẽ xử lý được khoảng 20.000 tỷ đồng”.
Những thông tin mà ông Minh công bố, có thể làm nhiều người ngỡ ngàng, cũng có thể khiến bộ phận truyền thông của Sacombank vất vả. Nhưng với người viết, nó thể hiện một tâm thái rất mới ở Sacombank – một ngân hàng từng được phủ một cái bóng quá lớn của Đặng gia, và từng bị xáo đảo quá nhiều dưới thời Trầm gia. Nó cho thấy sự thẳng thắn, dám nói, dám nhìn thẳng sự thật, có phần hơi “cũ” nhưng đầy khát vọng cải thiện, vươn lên.
Nó làm người viết nhớ đến hình ảnh của ông Minh hôm được bầu làm Chủ tịch Sacombank. Giản dị đến mức lạ kỳ: dáng hơi khòng, tay cầm smart phone, nhưng là một chiếc đời đã rất cũ, đầy vết xước; Không complet mà chỉ đeo một cà vạt sọc đỏ khổ to trên chiếc sơ mi đơn giản – chiếc cà vạt ấy, như một trợ lý của ông chia sẻ, thì “nhắc mãi ông mới đeo”. Xuất hiện trên sóng truyền hình quốc gia trưa 2/8, quả thực ông Minh không đeo cà vạt, chỉ là một chiếc sơ mi kẻ sọc sáng màu. Lưu ý, là thời còn tại vị ở LienVietPostBank, ông Minh rất hãn hữu trả lời báo giới và xuất hiện trên truyền thông.
Cách đây ít lâu, ông Minh đã ký văn bản xin ý kiến cổ đông về việc chuyển sàn, đổi mã chứng khoán cho cổ phiếu STB của Sacombank. Một kế hoạch mà đến thời điểm này thị trường vẫn chưa hết xôn xao. Thậm chí, theo phát biểu trên một tờ báo, lãnh đạo Sacombank còn cho biết về kế hoạch thay đổi bộ nhận diện thương hiệu cho ngân hàng. Dù lý do thực sự có là gì thì rõ ràng, một chương mới trong lịch sử phát triển của Sacombank đang được viết.
Để khẳng định sự gắn bó với ngân hàng, toàn tâm toàn ý với Sacombank, ông Minh đang liên tiếp mua vào cổ phiếu STB. Trước đó, cá nhân ông và Tập đoàn Him Lam cũng tuyên bố đã thoái vốn triệu để tại Sacombank.
Theo BCTC hợp nhất quý III/2017 – quý đầu tiên trong “triều đại” Dương Công Minh - mà Sacombank mới công bố, tính đến hết tháng 9/2017, tổng tài sản của ngân hàng đạt 363 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 9,3% so với thời điểm đầu năm.
Cho vay khách hàng đạt 223 nghìn tỷ đồng, tăng 12,6%. Tiền gửi của khách hàng đạt 312 nghìn tỷ đồng, tăng 7,2%. Trong quý III, thu nhập từ lãi của Sacombank đạt 1.696 tỷ đồng, tăng trưởng 77% so với cùng kỳ năm trước.
Sau khi trừ các khoản chi phí và trích lập dự phòng, Sacombank báo lãi trước thuế 449 tỷ đồng trong quý III/2017 là, gấp 2,4 lần cùng kỳ và đột biến hơn cả so với 2 quý đầu năm.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, thu nhập thuần từ lãi của Sacombank đạt 3.759 tỷ đồng, tăng trưởng 38% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế và sau thuế đạt lần lượt 1.025 tỷ đồng và 771 tỷ đồng, gấp 5 lần cùng kỳ.
Được biết, khi mới nhậm chức Chủ tịch Sacombank, ông Dương Công Minh đã rất tự tin nói rằng, sẽ giúp ngân hàng đạt gấp đôi mức lợi nhuận mà HĐQT đề ra trong năm nay - cụ thể là đưa lợi nhuận lên hơn 1 nghìn tỷ đồng.
Với kết quả được công bố trong báo cáo quý III/2017, nói như một đồng nghiệp, “lời hứa "nghìn tỷ" của ông Dương Công Minh đã thành hiện thực”./.