Xử phạt ban lãnh đạo vì “tự ý” thay đổi chương trình họp ĐHĐCĐ thường niên 2017
Ngày 04/01/2018, căn cứ kết quả giám sát của UBCKNN, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ban hành các Quyết định số 07/QĐ-XPVPHC, Quyết định số 08/QĐ-XPVPHC, Quyết định số 09/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối 3/4 Thành viên HĐQT của CTCP Bánh kẹo Hải Hà - Haihaco (HNX: HHC) là ông Trần Hồng Thanh, ông Nguyễn Việt Hà và bà Nguyễn Thị Kim Hoa.
Cụ thể, các lãnh đạo của HHC đã vị phạm hành chính về việc “không tuân thủ đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ về quản trị công ty”. Nguyên nhân xuất phát từ việc, ngày 05/6/2017, Công ty cổ phần Bánh kẹo Hải Hà (Công ty) đã gửi Thông báo mời họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 của HHC có kèm theo Chương trình đại hội, bao gồm cả nội dung bầu “Hội đồng quản trị (HĐQT)/Ban kiểm soát (BKS) Công ty nhiệm kỳ 2017-2022”.
Tuy nhiên tại cuộc họp ngày 14/6/2017, các Thành viên HĐQT nêu trên của HHC đã quyết định thay đổi chương trình họp đã được gửi kèm theo thông báo mời họp, bỏ nội dung bầu HĐQT/BKS Công ty nhiệm kỳ 2017-2022 tại chương trình họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017).
Căn cứ theo quy định có liên quan, UBCKNN đã phạt tiền 60.000.000 đồng (sáu mươi triệu đồng) đối với mỗi cá nhân. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 04/01/2018.
Đáng chú ý, trước khi nhận quyết định xử phạt do tự ý thay đổi nội dung họp ĐHĐCĐ, ban lãnh đạo của HHC đã 3 lần tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2017 nhưng đều bất thành.
Cơ cấu cổ đông lớn thay đổi “chóng mặt”
Câu chuyện tại HHC bắt đầu gây chú ý từ tháng 03/2017, khi có sự thay đổi lớn về mô hình tổ chức do Tổng công ty thuốc lá Việt Nam - Vinataba thực hiện thoái toàn bộ phần vốn nhà nước tại Haihaco (chiếm 51% vốn điều lệ).
Cụ thể, trong thời gian từ 17 – 22/03/2017, Vinataba đã chuyển nhượng 8.376.750 cổ phần theo hình thức khớp lệnh để tiến hành thoái vốn. Số lượng cổ phần trên nhiều khả năng đã được một nữ nhà đầu tư tên là Nguyễn Thị Duyên đã âm thầm mua gom.
Theo tìm hiểu của VietTimes, tạm tính tại thời điểm đó bà Duyên đã phải bỏ ra khoảng 407 tỷ đồng để chi phối 50,94% cổ phần tại HHC nhưng kỳ lạ ở chỗ, chưa đầy một tháng sau, bà Duyên đã biến mất hoàn toàn khỏi cơ cấu cổ đông lớn tại công ty này. Thậm chí, bà Duyên còn bị UBCKNN phạt 125 triệu đồng do không đăng ký chào mua công khai theo quy định của pháp luật sau khi đã hoàn toàn bán hết vốn tại HHC.
Số lượng cổ phần này có thể đã chuyển giao lại cho một số cổ đông cá nhân mới như: bà Lê Bích Thục (nắm giữ 3 triệu cổ phiếu, tương đương 18,26% cổ phần), bà Trần Thị Thu Trang (nắm giữ 3 triệu cổ phiếu, tương đương 18,26% cổ phần), ông Nguyễn Văn Bắc (nắm giữ 2,37 triệu cổ phiếu, tương đương 14,41% cổ phần) và ông Vũ Hải (nắm giữ 3,9 triệu cổ phiếu, tương đương 23,74% cổ phần).
Cổ đông lớn của HHC tiếp tục biến động khi 3 cổ đông lớn là bà Lê Bích Thục, bà Trần Thị Thu Trang và ông Nguyễn Văn Bắc tiếp tục bán hết số cổ phần đang nắm giữ sau đó không lâu. Thay vào đó xuất hiện 2 cái tên nhà đầu tư cá nhân mới là bà Trương Thị Bửu (nắm giữ 3,94 triệu cổ phiếu, tương đương 24% cổ phần) và ông Lưu Văn Vũ (nắm giữ 3,94 triệu cổ phiếu, chiếm 24% cổ phần), chưa kể lượng cổ phiếu chiếm 2,94% cổ phần của người có liên quan đến ông Lưu Văn Vũ.
Đây đều là các cổ đông không nắm giữ bất kỳ cổ phần nào của HHC trước khi Vinataba thoái vốn.
3 lần tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên bất thành
Kể từ khi xuất hiện cổ đông lớn là các cá nhân mới, việc tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2017 cũng trở nên “gian nan” hơn rất nhiều khi ngay từ đầu Chương trình ĐHĐCĐ đã không được thông qua.
Cụ thể, cuộc họp ĐHĐCĐ lần 1 diễn ra vào ngày 15/06/2017, có số lượng cổ đông và người được cổ đông ủy quyền tham gia tương ứng với số cổ phần sở hữu và đại diện là 14.281.935 cổ phiếu, chiếm 86,96% số cổ phần có quyền biểu quyết. Tuy nhiên, Chương trình ĐHĐCĐ đã không được thông qua với tỷ lệ không đồng ý chiếm 60,04%.
Công ty đã tổ chức lại ĐHĐCĐ vào ngày 14/07/2017 nhưng Chương trình họp lần 2 vẫn không được thông qua. Cuộc họp lần thứ 3 được tổ chức vào ngày 30/09/2017 tại Hội trường của công ty – 25 Trương Định, thu hút được lượng cổ đông tương đương với 57,88% cổ phần có quyền biểu quyết tham dự, cũng không thể thông qua Chương trình ĐHĐCĐ với tỷ lệ không đồng ý chiếm tới 89,5%.
Sau 3 lần tổ chức ĐHĐCĐ thường niên, ban lãnh đạo của công ty chưa thể có cơ hội được trao đổi với các cổ đông trong một cuộc họp công khai, trong khi năm 2017 được đánh dấu là bước ngoặt của Haihaco.
Có thể thấy, hoạt động xử phạt của UBCKNN có lẽ cũng là “giọt nước làm tràn ly” của ban lãnh đạo Haihaco và cũng đặt ra nhiều nghi ngại về mối quan hệ giữa cổ đông mới và ban lãnh đạo cũ tại đây sau khi Vinataba thoái vốn.
Theo báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2017 của Ban lãnh đạo, tình hình thực hiện các chỉ tiêu SXKD của Haihaco trong 6 tháng đầu năm 2017 có tăng trưởng và đạt được kế hoạch. Các chỉ tiêu về doanh thu, lợi nhuận đều vượt so với cùng kỳ năm trước mặc dù công ty phải đổi mặt mới nhiều sự cạnh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp khác.
Năm 2017 là năm công ty thực hiện di dời toàn bộ khu vực sản xuất tại Hà Nội, sang khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh, do đó ban lãnh đạo công ty vừa phải tập trung vào sản xuất, vừa phải thực hiện các công việc xây dựng, di dời, lắp đặt dây chuyền thiết bị tại khu công nghiệp mới.
Cũng trong năm 2017, nhiệm kỳ Ban kiểm soát 2012 – 2017 kết thúc, tuy nhiên tại ĐHĐCĐ thường niên vẫn chưa bầu được Ban Kiểm soát mới nên Ban Kiểm soát sẽ tiếp tục thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ quy định tại Luật Doanh nghiệp, Điều lệ Công ty, các quy định hiện hành tới khi có Ban Kiểm soát mới.
Về dự án Đầu tư xây dựng tổ hợp Văn phòng làm việc, Giới thiệu sản phẩm, Dịch vụ thương mại và nhà ở, tại địa điểm: Số 25 – 27 Trương Định, Hai Bà Trưng, Hà Nội:
Ngày 17/03/2016, Haihaco đã ký Hợp đồng hợp tác đầu tư số 09/HHC-ACI Vietnam – Đông Á để thực hiện dự án này thông qua thành lập công ty cổ phần. Trong đó, Haihaco là cổ đông sáng lập đóng góp 26% vốn điều lệ, Liên doanh giữa CTCP ICI Việt Nam (ACI Vietnam) và CTCP hạ tầng Đông Á góp 74% vốn điều lệ. Thời gian thực hiện hợp đồng là 60 tháng.
Tuy nhiên, do chủ trương hạn chế và tiến tới tạm dừng cấp phép mới cho các dự án nhà cao tầng trong khu vực nội đô, nên Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chưa phê duyệt quy hoạch cho khu đất dự án 25 Trương Định, dẫn đến có khả năng sẽ ảnh hưởng đến tiến độ hợp đồng hợp tác đầu tư đã ký kết.