ROS lên kế hoạch bán toàn bộ 63,3% vốn tại FLC Travel

VietTimes -- Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros (HoSE: ROS) vừa ban hành Nghị quyết số 37/2017/NQ-HĐQT thông qua chủ trương chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại Công ty cổ phần FLC Travel (FLC Travel).
ROS lên kế hoạch bán toàn bộ 63,3% vốn tại FLC Travel. (Ảnh: Internet)
ROS lên kế hoạch bán toàn bộ 63,3% vốn tại FLC Travel. (Ảnh: Internet)

Cụ thể, tổng số cổ phần chuyển nhượng là 18,99 triệu cổ phần, tương ứng với tổng giá trị chuyển nhượng theo mệnh giá 189,9 tỷ đồng.

Nghị quyết quy định giá chuyển nhượng không thấp hơn mệnh giá, và bên nhận chuyển nhượng là các nhà đầu tư có nhu cầu.

“Sau khi hoàn thành giao dịch chuyển nhượng cổ phần nêu trên, CTCP Xây dựng FLC Faros không còn sở hữu cổ phần tại Công ty Cổ phần FLC Travel”, HĐQT ROS quyết nghị.

Thay mặt HĐQT, Chủ tịch Trịnh Văn Quyết giao Tổng Giám đốc Công ty chủ động tìm kiếm đối tác có nhu cầu nhận chuyển nhượng cổ phần, đàm phán, quyết định giá chuyển nhượng cổ phần và các điều kiện, điều khoản, ký kết, thực hiện hợp đồng chuyển nhượng cổ phần và tiến hành thực hiện các thủ tục pháp lý cần thiết liên quan đến việc chuyển nhượng cổ phần nêu trên theo nguyên tác đảm bảo lợi ích của Công ty và phù hợp với quy định của pháp luật.

Với nghị quyết này có thể hiểu rằng, ROS sẽ sớm thực hiện việc thoái vốn triệt để khỏi FLC Travel. Đáng nói việc nắm giữ vốn tại FLC Travel mới chỉ diễn ra cách đây chưa lâu. Cụ thể, ngày 18/11/2016, HĐQT ROS mới ban hành Nghị quyết số 23/NQ-HĐQT thông qua chủ trương mua cổ phần của CTCP FLC Travel.

Có nghĩa là tròn một năm sau ngày thông qua chủ trương mua cổ phần, ROS đã thông qua chủ trương thoái vốn triệt để tại doanh nghiệp quê hương của ông Trịnh Văn Quyết.

Công ty Cổ phần FLC Travel

Một năm trước, tại Nghị quyết số 23/NQ-HĐQT, HĐQT ROS (khi này còn do ông Lê Thành Vinh làm Chủ tịch) đã quyết nghị thông qua chủ trương mua đến 65% cổ phần của CTCP FLC Travel. Loại cổ phần dự kiến mua là cổ phần phổ thông, tự do chuyển nhượng.

Giá mua cổ phần dự kiến tối đa là 100.000 VNĐ/cổ phần. Nhắc lại bằng chữ là “một trăm nghìn đồng một cổ phần” – tức gấp 10 lần mệnh giá.

Khi ấy, tại Nghị quyết, HĐQT ROS cũng giao Tổng Giám đốc Công ty chủ động tìm kiếm đối tác có nhu cầu chuyển nhượng cổ phần, chủ động thương lượng, đàm phán giá mua cổ phần và các điều kiện, điều khoản của giao dịch mua bán cổ phần theo nguyên tắc đảm bảo lợi ích của ROS và phù hợp vs giá trị thực tế của cổ phần của CTCP FLC Travel.

HĐQT ROS còn thông qua việc cử bà Nguyễn Bình Phương – P.TGĐ ROS làm người đại diện quản lý phần vốn góp của công ty tại CTCP FLC Travel.

Trên tinh thần của Nghị quyết số 11A/NQ-HĐQT ngày 02/07/2016 và Nghị quyết số 23/NQ-HĐQT ngày 18/11/2017, ROS sớm hiện thực hóa kế hoạch thâu tóm FLC Travel, bằng việc ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với các cổ đông của công ty này – tất cả đều là các cổ đông thể nhân.

Cụ thể, ngày 2/7/2016, ROS ký hợp đồng nhượng cổ phần FLC Travel với 3 cổ đông cá nhân, là: Đỗ Thị Huyền Trang (167 tỷ đồng); Hương Trần Kiều Dung (1 tỷ đồng); Nguyễn Văn Mạnh (119 tỷ đồng); Trịnh Thị Thúy Nga (147 tỷ đồng). Ngày 18/11/2016, ROS tiếp tục ký hợp đồng nhượng cổ phần FLC Travel với bà Hương Trần Kiều Dung, giá trị của thương vụ là 199 tỷ đồng.

Tổng cộng, ROS đã chi 633 tỷ đồng cho các cá nhân trên để đổi lấy việc sở hữu 63,3% cổ phần FLC Travel.

Vậy ROS đã trả bao nhiêu cho mỗi cổ phần FLC Travel?

Theo tìm hiểu, vốn điều lệ của FLC Travel tại thời điểm trên là 100 tỷ đồng. Ngoài 63,3% cổ phần được sở hữu bởi các cổ đông thể nhân nêu trên; 36,6% cổ phần còn lại của FLC Travel được sở hữu bởi CTCP Liên doanh Đầu tư Quốc tế KLF (HNX: KLF). Vậy có nghĩa, ROS đã trả giá 100.000 đồng cho mỗi cổ phần FLC Travel mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần – cũng là mức tối đa theo Nghị quyết số 23/NQ-HĐQT.

“Công ty Cổ phần FLC Travel (Vĩnh Phúc) tiền thân là Công ty Cổ phần Trang trại và Nông sản Quý Giáp được thành lập theo giấy chứng nhận ĐKKD số 2500297546 do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc cấp ngày 21/4/2008. FLC Travel Vĩnh Phúc hoạt động chính trong lĩnh vực cung cấp các thiết bị máy nông nghiệp và lâm nghiệp; kinh doanh buôn bán ô tô và xe, máy có động cơ khác; xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp; trồng trọt, chăn nuôi theo mô hình trang trại tập trung, chế biến và bảo quản thực phẩm,... kết hợp xây dựng khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng”, FLC giới thiệu về FLC Travel trên website flc.vn.

Bên cạnh đó, cũng nên biết thêm rằng, FLC Travel từng được sáng lập bởi một số người thân của đương kim Chủ tịch ROS Trịnh Văn Quyết. Chưa kể những cổ đông thể nhân đã bán lại cổ phần FLC Travel cho ROS như Đỗ Thị Huyền Trang, Hương Trần Kiều Dung, Nguyễn Văn Mạnh, Trịnh Thị Thúy Nga cũng không phải là những cái tên xa lạ. Đầu tháng này, FLC Travel cũng vừa có sự điều chỉnh thượng tầng, khi ông Trần Quang Huy thay thế bà Hương Trần Kiều Dung làm Chủ tịch HĐQT Công ty. Ông Huy mới đây đã được bầu vào HĐQT và sau đó lại được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn FLC (HoSE: FLC)

Trở lại với FLC Travel, được biết, sau khi hoàn tất việc thâu tóm công ty này, ROS đã ghi nhận lợi thế thương mại từ Công ty CP FLC Travel là 558 tỷ đồng (chốt tại 31/12/2016). Đến báo cáo tài chính bán niên sau soát xét 2017, ROS vẫn ghi nhận lợi thế thương mại từ Công ty CP FLC Travel là 530 tỷ đồng (chốt tại 30/06/2017).

Nhắc lại rằng, theo Nghị quyết số 37/2017/NQ-HĐQT vừa được ban hành, ROS đang chủ trương thoái toàn bộ 63,3% vốn đang nắm giữ tại FLC Travel, tương đương với 18,99 triệu cổ phần (tháng 9/2017, FLC Travel đã tăng vốn điều lệ từ mức 100 tỷ đồng lên thành 300 tỷ đồng). Nghị quyết quy định giá chuyển nhượng không thấp hơn mệnh giá – tức là 10.000 đồng/cổ phần./.