Các quan chức quốc phòng cho biết Lầu Năm Góc đã tiêu diệt một thủ lĩnh Kataib Hezbollah ở trung tâm thành phố Baghdad, Iraq vào tuần trước bằng cách sử dụng vũ khí phóng ra 6 lưỡi dao dài để tiêu diệt mục tiêu và giảm thiểu thương vong cho dân thường.
Để tạo ra thứ vũ khí này, quân đội Mỹ đã chỉnh sửa tên lửa Hellfire. Quân đội Mỹ gọi nó là “Ginsu bay”, theo tên của những con dao phổ biến được bán trên các chương trình quảng cáo truyền hình vào những năm 1970. Quân đội Mỹ sử dụng vũ khí này để nhắm vào Abu Baqr al-Saadi, thủ lĩnh của Kataib Hezbollah ở Syria. Việc Mỹ sử dụng Ginsu trong cuộc tấn công ở Baghdad chưa được tiết lộ trước đây.
Cuộc tấn công nhằm vào al-Saadi, người di chuyển bằng xe ô tô, là một phần trong hành động trả đũa nhóm phiến quân được Iran hậu thuẫn vì vai trò của họ trong các cuộc tấn công nhằm vào quân đội Mỹ ở Iraq, Syria và Jordan – nơi xảy ra cuộc tấn công vào ngày 28/1 tại một căn cứ khiến 3 lính Mỹ thiệt mạng.
Loại vũ khí này, có tên chính thức là R9X, là một tên lửa Hellfire trơ được Lầu Năm Góc và CIA thiết kế để tiêu diệt các thủ lĩnh khủng bố. Các quan chức cho biết, nó được sử dụng một phần vì lo ngại rằng việc giết nhầm những người vô tội có thể gây ra tình hình chính trị vốn đã căng thẳng ở Iraq, nơi có khoảng 2.500 lính Mỹ đồn trú.
Hình ảnh về đòn tấn công nhằm vào al-Saadi cho thấy dấu vết của một chiếc xe đang cháy nhưng phần lớn còn nguyên vẹn, tương tự như những vụ tấn công khác mà Ginsu được sử dụng. Một loại vũ khí có đầu đạn nổ, giống như tên lửa Hellfire truyền thống, có thể đã phá hủy phương tiện này.
Các quan chức quân sự Mỹ từ chối bình luận về việc sử dụng Ginsu.
Ginsu, đôi khi còn được gọi là bom Ninja, được thiết kế để phóng hơn 100 pound (45 kg) kim loại xuyên qua nóc ô tô và các tòa nhà để tiêu diệt mục tiêu mà không gây hại cho cá nhân và tài sản ở xung quanh. Thay vì phát nổ, vũ khí này phóng ra nhiều mũi dao vào thời điểm va chạm.
Không rõ Lầu Năm Góc đã sử dụng vũ khí này bao nhiêu lần, nhưng nó thường được sử dụng để chống lại các mục tiêu cá nhân cấp cao ở những khu vực có nguy cơ giết chết những người ngoài cuộc. Một số quan chức quốc phòng Mỹ cho hay họ tin rằng al-Saadi có thể đã có mặt tại một khu vực đông đúc ở thủ đô của Iraq bởi hắn nghĩ rằng sẽ an toàn hơn giữa nhiều thường dân.
Hoa Kỳ đã sử dụng vũ khí này trong mục tiêu tiêu diệt thủ lĩnh al Qaeda Ayman al-Zawahiri vào tháng 7 năm 2022 và trong cuộc tấn công vào Nhà nước Hồi giáo ở Afghanistan để đáp trả vụ tấn công chết người của nhóm này ở Kabul vào tháng 8 năm 2021 khiến 13 lính Mỹ thiệt mạng gần sân bay của thành phố .
Vào tháng 1/2019, Lầu Năm Góc đã dùng nó để tiêu diệt Jamal al-Badawi, kẻ bị cáo buộc giúp lập kế hoạch đánh bom tàu USS Cole năm 2000 tại một cảng ở Yemen khiến 17 thủy thủ Mỹ thiệt mạng. Và vào tháng 2/2017, CIA đã sử dụng vũ khí này để tiêu diệt Ahmad Hasan Abu Khayr al-Masri, một công dân Ai Cập, từng là chỉ huy thứ quyền lực thứ hai của al-Qaeda, tại tỉnh Idlib ở Syria.
Thủ tướng Iraq Mohammed al-Sudani hôm thứ Năm cho biết cuộc tấn công mới nhất có thể thúc đẩy chính quyền Baghdad chấm dứt sứ mệnh của liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu ở nước này, theo người phát ngôn của ông. Các quan chức Iraq cho biết cuộc tấn công đã giết chết ít nhất 2 người khác; trong khi Lầu Năm Góc cho biết họ tin rằng chỉ có al-Saadi chết.
Nhiều tháng xung đột leo thang giữa lực lượng được Mỹ hậu thuẫn và Iran hậu thuẫn ở nước này đã làm tăng áp lực - cả từ những thường dân Iraq và các phe phái chính trị trung thành với Iran - lên Thủ tướng al-Sudani. Đã có ít nhất 170 cuộc tấn công nhằm vào quân đội Mỹ ở Iraq, Syria và Jordan kể từ sau khi cuộc chiến giữa Hamas và Israel bắt đầu vào ngày 7/10/2023.
Mỹ thử nghiệm thành công hệ thống phòng thủ Aegis chống tên lửa đạn đạo với các mục tiêu giả
Mỹ bắt đầu trang bị hệ thống bảo vệ chủ động Iron Fist cho xe thiết giáp Bradley M2A4
BAE Systems chuyển giao mẫu xe chiến đấu đổ bộ ACV-30 đầu tiên cho Lính thủy Đánh bộ Mỹ
Theo Wall Street Journal