HBC lỗ ròng 2.600 tỉ đồng sau kiểm toán

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – So với báo cáo trước kiểm toán, khoản lỗ ròng năm 2022 của HBC tăng thêm 1.456,1 tỉ đồng. Lỗ sau thuế của cổ đông công ty mẹ cả năm ở mức 2.594,3 tỉ đồng.

CTCP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (Mã CK: HBC)
CTCP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (Mã CK: HBC)

Tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 (AGM 2023) của CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Mã CK: HBC) cho biết, năm 2022, doanh thu thuần của công ty đạt 14.148,9 tỉ đồng, tăng 24,5% so với năm 2021 và đạt 80,8% kế hoạch.

Đáng chú ý, dựa trên số liệu báo cáo tài chính được kiểm toán, ban lãnh đạo HBC cho biết lỗ sau thuế của công ty mẹ năm 2022 ở mức 2.594,3 tỉ đồng, đồng nghĩa với việc lỗ thêm 1.456,1 tỉ đồng so với báo cáo trước kiểm toán.

Đây cũng là khoản lỗ kỷ lục của HBC kể từ khi niêm yết.

Tập đoàn xây dựng Hoà Bình - HBC

Với kết quả này, HĐQT HBC dự trình AGM 2023 phương án không chia cổ tức năm 2022, đồng thời cũng không thực hiện chính sách thưởng khích lệ Hội đồng quản trị (HĐQT), Ban điều hành (BĐH) và cán bộ trọng yếu.

ESOP là gì?

ESOP là một thuật ngữ viết tắt của từ Employee Stock Ownership Plan, tạm dịch là kế hoạch thực hiện quyền sở hữu cổ phần cho người lao động, theo đó người lao động có quyền mua cổ phiếu của công ty với giá rẻ hơn giá thị trường. ESOP là một hình thức thưởng cho nhân viên sau một năm hoạt động thành công, ở đây là thưởng cổ phiếu thay vì thưởng tiền.

Bên cạnh đó, do không có lợi nhuận trong năm 2022, ban lãnh đạo HBC cũng đề xuất không thực hiện kế hoạch phát hành quyền mua 4,62 triệu cổ phiếu ESOP cho cán bộ công nhân viên theo Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên tháng 6/2020.

Thay vào đó, HĐQT HBC sẽ trình cổ đông phương án phát hành 274 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá tối thiểu 12.000 đồng/cp. Thương vụ có thể giúp HBC tăng gấp đôi vốn điều lệ lên 5.480 tỉ đồng.

Theo phương án phát hành, cổ phiếu chào bán riêng lẻ sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 3 năm đối với nhà đầu tư chiến lược và 1 năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Toàn bộ số tiền thu được từ các đợt chào bán sẽ được HBC sử dụng để bổ sung nguồn vốn kinh doanh, hoán đổi nợ với đối tác (nhà thầu phụ, nhà cung cấp, nhà sản xuất), thanh toán các khoản nợ vay và đầu tư phát triển dự án.

Cũng tại AGM 2023, HĐQT HBC dự kiến trình cổ đông thông qua việc miễn nhiệm 5 thành viên HĐQT là ông Nguyễn Công Phú, ông Albert Antoine, ông David Martin Ruiz, ông Lê Quốc Duy và ông Dương Văn Hùng. Trước đó, trong danh sách này, 3 trong số 5 thành viên đã ủng hộ ông Phú trong cuộc tranh chấp chức Chủ tịch HĐQT HBC với ông Lê Viết Hải vào cuối năm 2022.

Ở chiều ngược lại, cổ đông HBC sẽ tiến hành bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2024-2025 là ông Lê Văn Nam (Tổng giám đốc HBC) và ông Mai Hữu Thung (Chủ tịch HĐQT CTCP Bất động sản Thành Ngân, Thành viên BKS CTCP Tư vấn xây dựng Điện 1 (Mã CK: TV1)).

Hai ứng viên này được đề cử bởi ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT HBC, đồng thời cũng là cổ đông lớn nắm giữ 46,9 triệu cổ phiếu HBC, tương đương 17,14% vốn điều lệ.

Năm 2023, ban lãnh đạo HBC lên kế hoạch doanh thu đạt 7.500 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 100 tỉ đồng.

'Nội chiến' ở HBC

Vào ngày 14/12/2022, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã thông báo chấp thuận đơn xin từ nhiệm của ông Lê Viết Hải. Ông Hải sẽ thôi giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT và giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng sáng lập kể từ 1/1/2023.

Với việc ông Hải rút lui, HBC bổ nhiệm ông Nguyễn Công Phú làm Chủ tịch HĐQT kể từ 1/1/2023.

Tuy nhiên, đến ngày 31/12/2022, HBC phát đi thông báo được ông Lê Viết Hải ký với nội dung hoãn thi hành các nghị quyết miễn nhiệm ông Hải và bổ nhiệm ông Phú.

Nhóm ông Phú, bao gồm các ông: Nguyễn Công Phú, Lê Quốc Duy, Dương Văn Hùng và Albert Antoine đã lên tiếng bác bỏ nghị quyết do ông Lê Viết Hải ký ngày 31/12/2022 và yêu cầu ông Hải không được phép thực hiện bất kỳ hành động nào mang tính cản trở việc kế nhiệm của Chủ tịch HĐQT được bầu Nguyễn Công Phú.

Cuộc chiến nóng dần trên truyền thông khi cả ông Phú và ông Hải đều cho mình là Chủ tịch HĐQT của HBC.

Đến ngày 19/1/2023, Cục Thi hành án dân sự TP.HCM đã ra quyết định buộc Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình tạm dừng thi hành các nghị quyết trước đó; công nhận ông Lê Viết Hải là Chủ tịch Hội đồng quản trị và người đại diện trước pháp luật của công ty. Quyết định này được đưa ra dựa trên yêu cầu từ Hội đồng trọng tài Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam, Chi nhánh TP.HCM.

Cuộc 'nội chiến' giữa các bên khép lại khi HBC chấp thuận đơn từ nhiệm chức danh thành viên HĐQT độc lập của ông Nguyễn Công Phú từ 13/2.

Đơn từ nhiệm của ông Phú dự kiến chính thức được thông qua trong AGM 2023. Trong thời gian đến đại hội, ông Phú ủy quyền cho Chủ tịch HĐQT Lê Viết Hải tham dự, thảo luận, biểu quyết tất cả cuộc họp, lấy ý kiến biểu quyết của HĐQT.

Nếu được chấp thuận tại AGM 2023, ông Phú sẽ chính thức thôi tất cả các vị trí tại Tập đoàn xây dựng Hòa Bình./.