Căng thẳng 'nội chiến', HBC sức khoẻ thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  'Một tập thể đoàn kết đầy tâm huyết' đã giúp HBC vươn lên sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. 15 năm sau, HBC đứng trước một cuộc suy thoái toàn cầu đã được dự báo trước, nhưng với một tâm thế khác...

Những ngày đầu năm 2023 của CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Mã CK: HBC) bị phủ bóng bởi cuộc 'nội chiến' giữa một bên là ông Lê Viết Hải và bên kia là nhóm 4 thành viên hội đồng quản trị (HĐQT), nổi bật là ông Nguyễn Công Phú. Tâm điểm của cuộc 'nội chiến' này là 'ghế' Chủ tịch HĐQT HBC.

Nhóm của ông Nguyễn Công Phú cho rằng, do sự điều hành yếu kém của ông Lê Viết Hải trong nhiều năm, HBC giờ đang đối diện với muôn vàn khó khăn, trong đó có vấn đề tài chính.

"Việc HĐQT thông qua quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Công Phú làm người đứng đầu Tập đoàn nhằm mục tiêu duy nhất – khắc phục tình trạng khó khăn và thực hiện những cải cách tất yếu để đảm bảo sự phát triển của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình trong tương lai", thông báo cho biết.

Nhà sáng lập HBC Lê Viết Hải (trái) và ông Nguyễn Công Phú - Thành viên HĐQT

Nhà sáng lập HBC Lê Viết Hải (trái) và ông Nguyễn Công Phú - Thành viên HĐQT

Thành lập từ năm 1987, HBC được xem là thương hiệu xây dựng có bề dày lịch sử bậc nhất Việt Nam.

Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, HBC chỉ mất một năm để trở lại 'mạch' tăng trưởng, với doanh số vượt 1.000 tỉ đồng, qua đó đánh dấu một thập niên phát triển vượt bậc cả về doanh thu và lợi nhuận. Bí quyết cho thành công ấy có lẽ đến từ sự đoàn kết của các cán bộ công nhân viên cũng như lãnh đạo tập đoàn.

"Một tập thể đoàn kết đầy tâm huyết và khả năng sáng tạo, không chùn bước trước khó khăn thử thách đã làm nên nhiều thành công lớn và năm 2010 đánh dấu một thập niên phát triển vượt bậc của Hòa Bình", báo cáo thường niên năm 2010 của HBC viết.

Tuy nhiên, xét về khía cạnh tài chính, HBC trong nhiều năm trở lại đây vẫn được cho là phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn vay. Đó cũng là điểm khác biệt, nếu không muốn nói là băn khoăn, của thị trường khi so sánh HBC với những 'ông lớn' ngành xây dựng khác.

'Sức khỏe' tài chính của HBC

Theo thống kê của VietTimes, doanh thu thuần của HBC liên tục tăng trưởng trong giai đoạn 2013 – 2019, trước khi có dấu hiệu chững lại bởi tác động của đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của HBC lại 'tạo đỉnh' sớm hơn. Sau khoản lãi ròng 860,5 tỉ đồng vào năm 2017, chỉ tiêu này của HBC bắt đầu trượt dốc.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, HBC báo lãi sau thuế đạt 61,2 tỉ đồng, giảm 16,5% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi lợi nhuận suy giảm, sự gia tăng của các khoản phải thu khiến dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của HBC trong kỳ âm 1.331,2 tỉ đồng – trong khi cùng kỳ năm trước đạt dương 896,1 tỉ đồng.

Điều này khiến HBC phải tìm đến nguồn vốn nợ vay để bổ sung vốn lưu động.

Tại ngày 30/9/2022, tổng dư nợ vay và cho thuê tài chính của HBC đạt 6.566 tỉ đồng, tăng 1.468,5 tỉ đồng so với đầu năm. 'Núi nợ' tăng lên cũng khiến chi phí lãi vay trong 9 tháng đầu năm 2022 của HBC gia tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước, đạt mức 357,6 tỉ đồng.

So với thời điểm cuối năm 2013, tính đến cuối quý 3/2022, dư nợ vay và cho thuê tài chính của HBC đã tăng gấp 4,7 lần.

Trong khi HBC thường xuyên sử dụng nguồn vốn vay, một 'ông lớn' ngành xây dựng đang niêm yết trên sàn chứng khoán khác là CTCP Xây dựng Coteccons (Mã CK: CTD) mới ghi nhận khoản mục vay và nợ thuê tài chính (ngắn hạn) kể từ cuối quý 4/2021 – lần đầu tiên kể từ khi doanh nghiệp này công bố báo cáo tài chính.

Việc CTD phát sinh khoản vay nợ diễn ra không lâu sau khi doanh nghiệp này ghi nhận loạt biến động nơi thượng tầng, cụ thể là việc ông Nguyễn Bá Dương rời ghế Chủ tịch HĐQT để ông Bolat Duisenov (đại diện nhóm cổ đông lớn Kusto) lên nắm quyền.

Xung quanh những lùm xùm nơi thượng tầng HBC, khó có thể bỏ qua Nghị quyết số 50/2022/NQ – HĐQT.HBC (đề ngày 14/12/2022) của HĐQT liên quan tới việc chấp thuận đơn xin từ nhiệm của ông Lê Viết Hải kể từ ngày 1/1/2023.

Theo đó, việc từ nhiệm của ông Hải nhằm đảm bảo tính pháp lý trong việc đề cử ông Lê Viết Hiếu (con trai ông Lê Viết Hải) đảm nhận chức vụ Tổng Giám đốc vào kỳ Đại hội đồng Cổ đông (ĐHĐCĐ) năm 2023. Trong khi đó, ông Lê Viết Hải sẽ làm Chủ tịch Hội đồng sáng lập HBC.

'Ghế nóng' mà ông Hải để lại dự kiến sẽ được trao cho ông Nguyễn Công Phú – Thành viên HĐQT độc lập HBC – kể từ ngày 1/1/2023, theo nội dung của Nghị quyết số 51/2022/NQ-HĐQT.HBC mà HĐQT HBC thông qua cùng ngày.

Đến ngày 31/12/2022, ông Lê Viết Hải – trên cương vị Chủ tịch HĐQT – đã ký Nghị quyết số 53/2022/NQ-HĐQT.HBC, trong đó có nội dung hoãn thi hành đối với đơn xin từ nhiệm của ông kể từ ngày 1/1/2023.

Tuy nhiên, tới sáng ngày 1/1/2023, 4 thành viên HĐQT HBC, nổi bật là ông Nguyễn Công Phú, bất ngờ phát đi thông cáo báo chí, bác bỏ nội dung trên. Nhóm này cho rằng, việc ông Lê Viết Hải triệu tập họp HĐQT rồi trở lại vai trò Chủ tịch HĐQT là trái quy định./.