Hayat Tahrir al-Sham - Nhóm nổi dậy dẫn đầu cuộc chiến lật đổ lãnh đạo Syria

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

24 năm cầm quyền của ông Bashar al-Assad đã kết thúc vào ngày 8/12 khi lực lượng nổi dậy tiến vào Damascus, thủ đô của Syria.

Hình ảnh thủ lĩnh HTS Abu Mohammed al-Jolani phát biểu tại một địa điểm không xác định năm 2016. Ảnh:: Reuters.
Hình ảnh thủ lĩnh HTS Abu Mohammed al-Jolani phát biểu tại một địa điểm không xác định năm 2016. Ảnh:: Reuters.

Ngay sau khi phe nổi dậy tuyên bố thành phố “đã được giải phóng”, Bộ Ngoại giao Nga thông báo Tổng thống Bashar al-Assad đã từ chức và rời khỏi Syria. Truyền thông nhà nước Nga sau đó đưa tin ông Assad đã đến Moscow, nơi ông được cấp quyền tị nạn.

Chính phủ của ông Assad sụp đổ sau khi liên minh các lực lượng nổi dậy, do nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS) dẫn đầu, phát động một cuộc tấn công bất ngờ, chiếm quyền kiểm soát các thành phố lớn như Aleppo, Hama và Homs chỉ trong vài ngày.

Các cuộc đàn áp bạo lực nhằm vào những cuộc biểu tình ôn hòa chống chính phủ vào năm 2011, trong bối cảnh Mùa xuân Arab, đã châm ngòi cho một cuộc nội chiến khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng và hàng triệu người phải di tản, gây áp lực nặng nề lên các quốc gia láng giềng như Thổ Nhĩ Kỳ và Lebanon.

Các lãnh đạo thế giới bày tỏ sự thận trọng trước tin tức về việc ông Assad bị lật đổ, nhưng vẫn có nhiều bất định về hình thức chính quyền và nhà lãnh đạo sẽ thay thế ông.

Một nhân vật quan trọng gần như chắc chắn sẽ là nhóm HTS, do Abu Mohammed al-Jolani lãnh đạo. Jolani là người Syria, từng chiến đấu chống lại lực lượng Mỹ ở Iraq cùng với một nhánh của Al-Qaeda.

Jolani sau đó trở về quê hương Syria, tham gia vào lực lượng Jabhat Al-Nusra – một nhánh của Al-Qaeda được thành lập vào năm 2012 – và các nhóm nổi dậy khác để chiến đấu chống lại quân đội chính phủ.

Năm 2016, Jolani cắt đứt quan hệ với Al-Qaeda và thành lập một nhóm mới, sau đó trở thành HTS vào năm 2017. Kể từ đó, Jolani đã tự khắc họa mình là một nhà lãnh đạo ôn hòa hơn nhằm giành được tính hợp pháp quốc tế. Tuy nhiên, cả Mỹ và Liên Hợp Quốc vẫn liệt HTS vào danh sách các tổ chức khủng bố.

Trong một cuộc phỏng vấn năm 2021 với PBS Frontline, Jolani gọi việc gắn mác khủng bố cho nhóm của mình là “một nhãn hiệu chính trị không có cơ sở thực tế hay uy tín”.

“Trong hành trình 10 năm tham gia cách mạng này, chúng tôi chưa bao giờ gây ra bất kỳ mối đe dọa nào đối với xã hội phương Tây hay châu Âu: không đe dọa an ninh, không đe dọa kinh tế, không gì cả. Đó là lý do tại sao nhãn mác này mang tính chính trị”, ông nói.

Trong những năm gần đây, HTS đã kiểm soát tỉnh Idlib ở tây bắc Syria, nơi các nhà phân tích cho rằng nhóm này đã nỗ lực củng cố quyền lực và thay đổi hình ảnh trong khi theo đuổi mục tiêu cuối cùng là lật đổ chính quyền Assad.

Tại Idlib, Jolani đã thành lập cái gọi là Chính phủ Cứu quốc Syria (SSG), được coi là mô hình thử nghiệm cho sự lãnh đạo trên phạm vi rộng hơn.

Khi nói về SSG trong cuộc phỏng vấn với PBS, Jolani cho rằng dù tình hình ở Idlib chưa lý tưởng, nhưng đã có “một mô hình tự khẳng định có khả năng quản lý công việc của cả một quốc gia theo luật Hồi giáo”.

Trong khi nhiều người vẫn nghi ngờ liệu nhóm này có thực sự cắt đứt hoàn toàn quan hệ với Al-Qaeda hay không, HTS đã truyền đi thông điệp về sự hòa nhập và đoàn kết trong những ngày gần đây, kêu gọi chuyển giao quyền lực một cách hòa bình và trấn an các nhóm tôn giáo và sắc tộc thiểu số ở Syria.

“Trong tương lai Syria…sự đa dạng là sức mạnh của chúng ta, không phải điểm yếu”, nhóm này tuyên bố trong một thông điệp gửi đến cộng đồng người Kurd ở Aleppo.

Ông Aron Lund, nghiên cứu viên tại Century International và là nhà phân tích Trung Đông tại Cơ quan Nghiên cứu Quốc phòng Thụy Điển, nói với Sky News rằng mặc dù Jolani và nhóm của mình đã thay đổi, họ vẫn là những người theo đường lối cứng rắn.

“Đây là chiêu thức quảng bá, nhưng thực tế việc họ nỗ lực thay đổi hình ảnh đã cho thấy họ không còn cứng nhắc như trước”, ông nói, đề cập đến đoạn video cho thấy Jolani cấm các chiến binh xâm nhập vào nhà dân và yêu cầu họ bảo vệ người dân. “Al-Qaeda thời kỳ đầu hoặc Nhà nước Hồi giáo (ISIS) sẽ không bao giờ làm như vậy”.

HTS chỉ là một phần trong liên minh đối lập vốn rất đa dạng về tư tưởng, và vẫn chưa rõ liệu liên minh này có thể chia sẻ quyền lực một cách hòa bình và mở rộng quyền kiểm soát thống nhất trên toàn quốc hay không.

“Nếu không, sự phân mảnh lãnh thổ trong nội bộ Syria, cùng khả năng nổi lên của các lãnh chúa khu vực và những lãnh địa cát cứ, sẽ ngày càng gia tăng”, ông Jonathan Panikoff, giám đốc Sáng kiến An ninh Trung Đông Scowcroft thuộc Chương trình Trung Đông của Hội đồng Đại Tây Dương, nhận định.