Hàn Quốc đặt mục tiêu phát triển tên lửa không gian, cạnh tranh với SpaceX

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Công ty Hàng không Vũ trụ Hanwha đang chế tạo tên lửa thương mại đầu tiên của Hàn Quốc với mục tiêu đầy tham vọng, đạt được sự cạnh tranh với SpaceX của Elon Musk về giá phóng vận tải trong thập kỷ tới.
Mô hình tiêu chuẩn tên lửa vũ trụ Nuri tại Trung tâm Vũ trụ Naro của Viện Nghiên cứu Hàng không Vũ trụ Hàn Quốc (KARI) ở Goheung, Hàn Quốc, ngày 8/2/ 2023. Ảnh: SeongJoon Cho/Bloomberg
Mô hình tiêu chuẩn tên lửa vũ trụ Nuri tại Trung tâm Vũ trụ Naro của Viện Nghiên cứu Hàng không Vũ trụ Hàn Quốc (KARI) ở Goheung, Hàn Quốc, ngày 8/2/ 2023. Ảnh: SeongJoon Cho/Bloomberg

Công ty Hàng không vũ trụ Hanwha là thành viên của Tập đoàn Hanwha, một tập đoàn đã có 71 tuổi, khởi đầu là nhà sản xuất chất nổ, sau đó chuyển sang kinh doanh vũ khí và hiện đang chuyển hướng vào lĩnh vực năng lượng xanh, trang thiết bị quốc phòng và hàng không vũ trụ. Nguồn ngân sách từ cung cấp vũ khí cho các quốc gia láng giềng Ukraine đang giúp tài trợ cho những chương trình của Hanwha, đặt mục tiêu mở rộng hoạt động kinh doanh không gian 2 năm tuổi của doanh nghiệp.

Nuri, tên lửa do Viện nghiên cứu hàng không vũ trụ Hàn Quốc phát triển sử dụng động cơ phản lực của Hanwha không thể tái sử dụng, nhưng mục tiêu đặt ra là giảm một nửa giá thành phóng vào năm 2032 để tương xứng với SpaceX. Ông Yoo Dongwan, phó chủ tịch điều hành cao cấp của Hanwha Aerospace trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg Television ở Seoul cho biết.

Tên lửa vận tải Falcon 9 của SpaceX hiện có giá khoảng 67 triệu USD mỗi lần phóng. Ông Yoo nói: “Ban đầu, chúng tôi có thể là một doanh nghiệp ở tầm thấp nhưng mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là bắt kịp với SpaceX.”

Cổ phiếu của Hanwha Aerospace tăng hơn 30% trong năm 2023, sau khi tăng 53% vào năm 2022 khi Tập đoàn Hanwha sáp nhập tất cả những mảng kinh doanh quốc phòng của mình vào Hanwha Aerospace. Tập đoàn Hanwha là một tập đoàn do gia đình kiểm soát; người thừa kế Dong Kwan Kim, tốt nghiệp Đại học Harvard lãnh đạo doanh nghiệp hàng không vũ trụ này.

Giá cổ phiếu của Hanwha Aerospace tăng tới 4,5%, cao nhất kể từ năm 2011.

Tương tự như các đối thủ, kinh doanh trong lĩnh vực không gian khác, Hanwha Aerospace đang nỗ lực phát triển để trở thành một công ty tên lửa vận tải và đẩy mạnh hoạt động vệ tinh, thăm dò Mặt trăng và khai thác tài nguyên.

Hanwha Aerospace đã mua 9% cổ phần của công ty khởi nghiệp vệ tinh OneWeb của Anh, đối thủ cạnh tranh với dịch vụ internet vệ tinh Starlink của SpaceX. Tập đoàn Hanwha đang trong quá trình mua 49,3% cổ phần để trở thành cổ đông lớn nhất của nhà sản xuất tàu ngầm Daewoo (Nhà máy đóng tầu và Kỹ thuật hàng hải Daewoo).

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đặt mục tiêu phát triển ngành công nghiệp tên lửa thương mại nội địa. Năm 2022, Hanwha Aerospace đã thắng thầu để tham gia cùng các cơ quan nghiên cứu chính phủ Hàn Quốc phát triển tên lửa thương mại thế hệ tiếp theo.

Tập đoàn Hanwha, từ trước đến nay chỉ sản xuất linh kiện và động cơ máy bay, có kế hoạch chế tạo thêm 3 tên lửa Nuri cùng với các cơ quan nghiên cứu của chính phủ. Tại Nhật Bản, tên lửa H3 của Mitsubishi Heavy Industries, trong lần phóng gần đây đã không đạt được quỹ đạo Trái Đất đang hướng tới mục tiêu có giá thành 50 triệu USD cho mỗi lần phóng.

Ông Yoo cho biết, nhu cầu về tên lửa cho Hàn Quốc khởi đầu sẽ do chính phủ xác định, nhưng mục tiêu cuối cùng của doanh nghiệp là giảm giá thành sản xuất tên lửa nội địa xuống chỉ còn một nửa cho đến năm 2032. Ông cũng cho biết thêm, Hanwha đang bắt đầu những hoạt động nghiên cứu, tự phát triển tên lửa thế hệ tiếp theo.

Ông nói: “Chúng tôi đang hướng tới một tên lửa đẩy có thể tái sử dụng. Đó là công nghệ mà chúng tôi phải tự phát triển vì các công ty nước ngoài không sẵn sàng chia sẻ (công nghệ đó) với Hàn Quốc”.

Hanwha là một trong những nhà thầu quốc phòng và hàng không vũ trụ phát triển nhanh nhất thế giới. Hanwha Systems, công ty con của Hanwha Aerospace, đứng thứ 3 trên thế giới về tốc độ tăng trưởng doanh thu trong số 100 doanh được công ty Dữ liệu và Phân tích PwC đánh giá trong báo cáo về lĩnh vực Hàng không vũ trụ và Quốc phòng toàn cầu năm 2022. Trong số các công ty châu Á, doanh nghiệp đứng thứ nhất về tăng trưởng.

Năm 2022, Hanwha Aerospace công bố doanh thu kỷ lục 6,5 nghìn tỉ won (5 tỉ USD) với lợi nhuận hoạt động kinh doanh kỷ lục, dẫn đầu là xuất khẩu vũ khí. Công ty đã ký hợp đồng cung cấp vũ khí với Ba Lan và hợp tác với Romania, cả 2 đều là quốc gia láng giềng Ukraine, đồng thời ký hợp đồng cung cấp vũ khí với Ai Cập.

Theo một báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, xuất khẩu vũ khí của Hàn Quốc tăng 74% vào năm 2022, trong khi Anh giảm 35%, Tây Ban Nha giảm 4,4% và Israel giảm 15%.

Lee Dong-Heon, nhà phân tích tại công ty cổ phần tài chính Shinhan Financial Investment ở Seoul cho biết: “Hanwha đang kiếm được một khoản doanh thu khổng lồ từ xuất khẩu vũ khí. Do vậy, công ty có khả năng đầu tư vào hàng không vũ trụ.”

Theo Bloomberg