Hải quân Trung Quốc chọc thủng chuỗi đảo thứ nhất, Nhật Bản - Đài Loan bị uy hiếp

VietTimes -- Hải quân Trung Quốc đang vượt qua "trở ngại tâm lý", xác lập quyền kiểm soát ở chuỗi đảo thứ nhất, vươn ra đại dương, sẽ thường xuyên triển khai tầm xa trong tương lai, làm gia tăng rủi ro cho Đài Loan.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tờ Tin tức Tham khảo (Trung Quốc) ngày 22/5 dẫn nguồn tin từ Mỹ cho hay, ngày 25/12/2016 hải quân Trung Quốc lần đầu tiên điều biên đội tàu sân bay Liêu Ninh vượt qua chuỗi đảo thứ nhất.

Rất nhiều người cho rằng đây là một lời cảnh cáo của Bắc Kinh đối với Đài Loan sau khi nhà lãnh đạo Đài Loan bà Thái Anh Văn có cuộc điện đàm với tân tổng thống Mỹ Donald Trump.

Sau khi ông Donald Trump cho biết Mỹ sẽ tôn trọng chính sách "một Trung Quốc", hoạt động của quân đội Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương vẫn tiếp diễn.

Ngày 2/3/2017, máy bay chiến đấu, máy bay ném bom và máy bay cảnh báo sớm của không quân Trung Quốc đã bay qua eo biển Miyako, tiến ra Tây Thái Bình Dương và tiến hành diễn tập liên hợp với biên đội huấn luyện biển xa của hải quân Trung Quốc (gồm các tàu khu trục tên lửa Trường Sa, Hải Khẩu và tàu tiếp tế Lạc Mã Hồ).

Cuộc diễn tập của hải quân Trung Quốc không chỉ là cuộc diễn tập mang tính chính trị và dùng để cảnh cáo Mỹ, mà còn là một cơ sở để hải quân Trung Quốc tiến hành hoạt động thường xuyên trong tương lai.

Chiến lược biển của Trung Quốc rõ ràng đang chọc thủng giới hạn của "chuỗi đảo" truyền thống. Trước đây, "chuỗi đảo" này luôn hạn chế các hành động và sự phát triển của hải quân Trung Quốc.

"Chuỗi đảo" xuất hiện sớm nhất trong ý tưởng chiến lược của Mỹ, sau đó được quân đội Trung Quốc sử dụng, cho biết muốn xác lập quyền kiểm soát biển trong chuỗi đảo thứ nhất. Đây là mục tiêu quan trọng hàng đầu tiến hành cải cách hiện đại hóa của hải quân thập niên 1980.

Ngày 26/4/2017, tàu sân bay tự chế đầu tiên Type 001A Trung Quốc hạ thủy. Ảnh: Sina/CCTV
Ngày 26/4/2017, tàu sân bay tự chế đầu tiên Type 001A Trung Quốc hạ thủy. Ảnh: Sina/CCTV

Mặc dù báo chí phương tây tập trung phân tích về hành động chọc thủng chuỗi đảo thứ nhất của tàu sân bay Liêu Ninh, nhưng báo chí quân sự Trung Quốc lựa chọn không tiếp tục nhấn mạnh đến khái niệm "chuỗi đảo".

Ngày 5/1/2017, tờ Giải phóng quân Trung Quốc bình luận cho rằng cái gọi là trở ngại "chuỗi đảo" chẳng qua là một ngưỡng tâm lý của hải quân Trung Quốc.

Phản ứng này của báo chí Trung Quốc rất quan trọng, thông điệp của họ đã cho thấy ý đồ của Hải quân Trung Quốc trong tương lai. Trở ngại lớn nhất trong phát triển lực lượng trên biển của Trung Quốc không phải là môi trường địa chính trị hoặc khả năng không đủ, mà là trở ngại tâm lý sinh ra từ "chuỗi đảo". "Chuỗi đảo" đã trở thành một trở ngại trong xây dựng chiến lược biển toàn diện của Trung Quốc.

Loại trở ngại tâm lý vô hình này đã ngăn cản Trung Quốc phát triển lực lượng trên biển thực sự. Về tầm quan trọng của chuỗi đảo thứ nhất, những tranh luận bên trong của hải quân Trung Quốc gần đây đã tăng lên.

Tháng 1/2013, chính ủy tàu sân bay Liêu Ninh ông Mai Văn cho rằng chuỗi đảo thứ nhất và chuỗi đảo thứ hai không nên là "xiềng xích" trói buộc phát triển của hải quân, mà nên là "phao tiêu" vươn ra biển xa, đại dương.

Điều này đã khuyến khích quân đội Trung Quốc thay đổi cách nhìn về chuỗi đảo. Ngày 7/2/2014, nhà nghiên cứu Trương Quân Xã, Viện nghiên cứu học thuật quân sự hải quân Trung Quốc cho rằng hải quân Trung Quốc cần thay đổi tư duy chiến lược, không để bị trói buộc bởi sự tồn tại của chuỗi đảo. Điều này sẽ làm cho trọng điểm quan tâm của Trung Quốc từ hạn chế chuỗi đảo chuyển sang phát triển hải quân "biển sâu" hay hải quân tầm xa.

Biên đội tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc. Ảnh: Sina
Biên đội tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc. Ảnh: Sina

Nếu như Trung Quốc đang phá vỡ trở ngại chuỗi đảo này thì có thể dự tính trong tương lai triển khai tác chiến tầm xa sẽ trở thành hoạt động thường xuyên của hải quân Trung Quốc. Điều này đòi hỏi các cơ quan khác của quân đội Trung Quốc cung cấp hỗ trợ hành động nhiều hơn.

Trong bối cảnh này, cuộc tập trận biển xa ngày 2/3/2017 cho thấy chiến khu miền Đông của Trung Quốc đang tăng cường khả năng điều động lực lượng, giành được ưu thế trên không ở khu vực ngoài đất liền, hỗ trợ cho hành động của hải quân.

Ở góc độ của Đài Loan, những điều này đã làm cho rủi ro tiếp tục gia tăng. Quân đội Trung Quốc có thể tiến hành tác chiến liên hợp trên biển, trên không, cộng với lực lượng tên lửa và lực lượng chi viện chiến lược thì có thể triển khai hành động đối với hệ thống C4ISR (chỉ huy, kiểm soát, thông tin, máy tính, tình báo, giám sát và trinh sát) của quân đội Đài Loan.