Những năm qua, Hải Phòng có bước phát triển toàn diện, đóng góp quan trọng vào phát triển chung của đất nước; có sự đổi mới mạnh mẽ về tư duy, cách làm và là một trong những địa phương có Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch tập trung, một cửa.
Trong 6 tháng đầu năm 2017, kinh tế - xã hội của Thành phố đạt nhiều kết quả nổi bật cả về tăng trưởng, thu ngân sách, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn quốc phòng an ninh... Tổng sản phẩm địa phương (GRDP) tăng 13,26%; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 21,08%; xuất khẩu đạt trên 3 tỷ USD, tăng 21,61%... Thành phố Hải Phòng nằm trong nhóm 10 địa phương hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư Việt Nam.
Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển trở thành trung tâm dịch vụ, công nghiệp lớn có sức cạnh tranh cao thì Hải Phòng còn bất cập, hạn chế. Liên kết vùng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của một Thành phố lớn, hiện đại; cơ cấu sử dụng đất chưa hợp lý. Mức độ phân cấp, ủy quyền và tính phối hợp của các cơ quan trong hệ thống chính trị chưa cao, còn biểu hiện hành chính hóa...
Xây dựng thành phố cảng biển thông minh
Là một cực tăng trưởng của Vùng Duyên hải Bắc Bộ, Thủ tưởng Chính phủ yêu cầu Hải Phòng cần đạt mức tăng trưởng cao hơn kế hoạch năm 2017 (12,5 - 13%) và phải cao hơn mức 6 tháng đầu năm 2017 (13,26%), nỗ lực phấn đấu cả năm đạt 14%. Xây dựng thành phố cảng biển thông minh, xanh, sạch, văn minh, hiện đại; một trung tâm dịch vụ công nghiệp lớn có sức cạnh tranh, một thành phố hội nhập và phát triển.
Thành phố phải cân đối quỹ đất hợp lý với tốc độ phát triển của đô thị loại I, nhất là khi diện tích đất nông nghiệp còn quá lớn (53,33%); điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố Hải Phòng cần định hướng dành 70% quỹ đất cho đô thị; khẩn trương rà soát, bổ sung quy hoạch với tầm nhìn xa cho nhiều năm sau, chứ không phải 5, 10 năm; quy hoạch cho dân số 20-30 triệu người sinh sống, không phải cho hiện tại khoảng 2 triệu người.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Thành phố phải đổi mới mạnh mẽ, toàn diện trong công tác, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan chính quyền các cấp, xây dựng nền hành chính thông thoáng, khoa học, tiếp nhận ý kiến, phản hồi của người dân, doanh nghiệp để xử lý kịp thời và công khai kết quả xử lý, giải quyết. Đối với thành phố lớn như Hải Phòng, phải trong nhóm xếp hạng cao nhất về cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh.
Gia tăng năng lực sản xuất của từng lĩnh vực
Hải Phòng có nhiều ngành kinh tế lớn, là một cực tăng trưởng của cả nước, cần thực hiện quyết liệt các giải pháp cụ thể để gia tăng năng lực sản xuất của từng lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực còn tiềm năng phát triển, lĩnh vực có mức tăng trưởng thấp hoặc giảm.
Đẩy nhanh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng tích tụ ruộng đất để sản xuất hàng hoá tập trung, quy mô lớn, công nghệ cao, liên kết theo chuỗi, nâng cao giá trị gia tăng, gắn với thị trường; đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình hạ tầng quan trọng, có tính đột phá, công khai minh bạch các quy hoạch, dự án, các cơ chế, chính sách để nhân dân biết, đồng tình ủng hộ, thực hiện; khai thác tối đa tính liên kết của các công trình hạ tầng cả về kinh tế - xã hội; tạo điều kiện thuận lợi nhất triển khai các dự án khu dịch vụ, du lịch, khu vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng… Chú trọng phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ (điện, điện tử, dệt may, da giày...), doanh nghiệp dịch vụ (logistics, du lịch, vận tải...). Sử dụng đất có hiệu quả, để mở rộng hơn nữa các khu công nghiệp.
Phấn đấu trở thành thành phố cho khởi nghiệp
Chính phủ xác định việc tạo hệ sinh thái khởi nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo của người dân là một trong những thước đo thành công trong việc phục vụ người dân và doanh nghiệp. Hải Phòng với vị trí là một trung tâm kinh tế của đất nước có nhiều tiềm năng, lợi thế, quyết phấn đấu trở thành thành phố cho khởi nghiệp; cơ cấu lại, đổi mới doanh nghiệp nhà nước theo cơ chế thị trường, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác; coi trọng và tạo điều kiện cho phát triển kinh tế tư nhân.
Đồng thời, đầu tư nguồn lực tương xứng cho giáo dục và đào tạo, văn hóa, y tế, khoa học công nghệ bảo đảm có nguồn nhân lực tốt cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; quan tâm thực hiện tốt an sinh xã hội, chính sách đối với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, các hộ nghèo...