Theo Times of India ngày 23/6, trong cuộc hội đàm, phía Ấn Độ kêu gọi quân đội Trung Quốc rút khỏi lãnh thổ Ấn Độ ở khu vực hồ Pangong ở phía đông Ladakh và yêu cầu khôi phục tình hình như giữa tháng 4. Hai bên chưa đạt được thỏa thuận gì, cuộc đàm phán có thể tiếp tục trong ngày 23.
Theo India Today ngày 22/6, Trung tướng Harinder Singh, Tư lệnh Quân đoàn 14 Ấn Độ, và Thiếu tướng Luu Lâm, Tư lệnh Quân khu Nam Cương, đã tiến hành cuộc đàm phán ở Moldo bên phía Trung Quốc của vùng Chushul. Cuộc đàm phán bắt đầu vào khoảng 11h30 và kết thúc lúc 23h30, suốt 11 giờ liền.
Reuters ngày 22/6 dẫn một nguồn tin của chính phủ Ấn Độ cho biết phía Ấn Độ kêu gọi Trung Quốc rút quân và giảm số lượng binh sĩ xuống mức hồi tháng Tư.
Ảnh trích video phía Trung Quốc đưa về vụ xung đột hôm 15/6 (Ảnh: weibo).
|
Tờ India Today thì tiết lộ rằng phía Ấn Độ đã yêu cầu quân đội Trung Quốc rút về đường kiểm soát trước ngày 4/5. Ấn Độ cũng yêu cầu Trung Quốc cung cấp thời gian biểu rút quân khỏi khu vực nằm trong Tuyến kiểm soát thực tế (LAC).
Được biết, đây là vòng đàm phán cấp chỉ huy cao cấp lần thứ hai giữa quân đội hai bên. Cuộc đàm phán lần trước giữa Lưu Lâm và Harinder Singh là vào ngày 6/6. Kết quả lần đó, hai bên đã đồng ý giải quyết tranh chấp biên giới thông qua đàm phán hòa bình. Tuy nhiên, sau cuộc xung đột dữ dội vào ngày 15/6, tình hình ở biên giới Trung - Ấn đã xấu đi, hai bên đều đã tăng cường đáng kể việc triển khai quân đội dọc theo đường biên giới 3.500 km.
Tranh của phía Trung Quốc vẽ mô tả vụ xuong đột đêm 15/6 (Ảnh: Đa Chiều).
|
Vào ngày 21/6, tại cuộc họp của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh, Tham mưu trưởng Quốc phòng Bipin Rawat và ba Tham mưu trưởng các quân chủng, quân đội Ấn Độ đã quyết định thay đổi các quy tắc tiếp xúc với Trung Quốc trên LAC. Người chỉ huy chiến trường có quyền phê chuẩn việc sử dụng súng trong các trường hợp "đặc biệt". Chỉ huy quân đội sẽ có toàn quyền tự do trong cuộc đối đầu biên giới và sử dụng bất kỳ công cụ nào dưới quyền chỉ huy của mình trong các hành động chiến thuật. Trong một tuần qua, quân đội Ấn Độ đã đưa thêm hàng ngàn binh sĩ đến các khu vực tiền duyên của biên giới.
Ấn Độ tăng quân và thay đổi luật chơi
Quân đội Ấn Độ đang tới Ladakh tập kết! The Tribune của Ấn Độ ngày 22/6 cho biết, "Quân đội Ấn Độ đã huy động thêm nhiều quân đội ra tiền tuyến, số lượng binh sĩ đồn trú ở Ladakh nhiều gấp đôi trước đây". "Đường cao tốc đến Leh đã được quân đội Ấn Độ tiếp quản và một số lượng lớn lực lượng bộ binh, pháo binh và công binh đang tập trung tại Ladakh”.
Lính Ấn Độ bị thương trong vụ xung đột hôm 15/6 (Ảnh: weibo).
|
Tờ The Tribune viết, do điều kiện đường sá gần LAC không tốt, không quân Ấn Độ đã sử dụng một số lượng lớn máy bay vận tải tham gia vào nhiệm vụ vận tải cấp tốc. Lực lượng không quân bao gồm các loại máy bay vận tải hạng nặng C-17, Il-76 và máy bay vận tải hạng trung An-32 lập cầu hàng không để "nhanh chóng không vận người và vật tư từ nhiều nơi tới Ladakh”.
Trang web NDTV của Ấn Độ viết, một số lượng lớn máy bay trực thăng "Apache" do Không quân Ấn Độ mua của Mỹ đã xuất hiện tại Leh ở vùng Ladakh. Các nhà phân tích quân sự Ấn Độ cho rằng quân đội Ấn Độ nhanh chóng tung loại "sát thủ xe tăng" này vì có tin "Trung Quốc đã triển khai xe tăng gần đường kiểm soát thực tế ở khu vực Ladakh".
Quân đội Ấn Độ hành quân ra biên giới (Ảnh: Reuters).
|
Ngoài ra, Tổng tư lệnh Không quân Ấn Độ, RKS Bhadauria đến căn cứ không quân mặt trận ở Leh để kiểm tra, đã xác nhận rằng các máy bay chiến đấu của không quân Ấn Độ đang tuần tra trên không, để "giám sát các hoạt động của Trung Quốc", "các máy bay chiến đấu của chúng ta đã được trang bị đầy đủ và sẵn sàng đáp trả hành động vượt biên giới của máy bay Trung Quốc”. Ngày 22/6, nhiều loại máy bay chiến đấu của Ấn Độ như Mig-29, Su-30MKI, P-3C, Apache, Mirage-2000 đã xuất hiện trên vùng trời khu vực tranh chấp với Trung Quốc.
Máy bay MiG-29 của Ấn Độ bay trên khu vực tranh chấp hôm 22/6 (Ảnh: AFP).
|
Lệnh nổ súng đã được Ấn Độ phê duyệt? Trung Quốc phản ứng quyết liệt
Thủ tướng Narendra Modi ngày 19/6 đã nói tại "Hội nghị các đảng phái toàn quốc về các vấn đề biên giới Trung Quốc-Ấn Độ" nơi có khoảng 20 đảng tham dự: "Không có bất cứ hạn chế nào về khả năng hoạt động của các sĩ quan và binh sĩ Ấn Độ ở đường kiểm soát thực sự. Quy tắc giao chiến đã được sửa đổi”. Về điều này, cách giải thích của ông BS Jaswal, cựu Tư lệnh Lục quân ở miền bắc Ấn Độ là: cho phép các sĩ quan và binh sĩ gần đường kiểm soát thực tế sử dụng súng trong "tình huống đặc biệt" khi quân lính Trung Quốc tiếp tục xâm phạm lãnh thổ Ấn Độ.
Trang tin Đa Chiều ngày 22/6 nhận xét, chính quyền Modi tuyên bố trao cho lực lượng biên giới quyền tự do hành động sử dụng súng và vũ khí hiện vẫn chưa biết liệu đó chỉ là một tuyên bố bằng lời nói hay đã được thực hiện như một mệnh lệnh quân sự cụ thể cho các đơn vị ở cơ sở. Nhưng trong mọi trường hợp, phát biểu của ông Modi chắc chắn đã gửi đi một tín hiệu rất nguy hiểm, làm tăng đáng kể khả năng xung đột thể xác trở thành một cuộc xung đột súng đạn. Điều này trái ngược với thỏa thuận giữa Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khi đồng ý "giải quyết hòa bình các tranh chấp ở biên giới thông qua đối thoại và giảm bớt căng thẳng ở khu vực biên giới”.
Bố trí binh lực hai quân đội hiện nay gần khu vực ngã ba xảy ra vụ xung đột hôm 15/6 (Ảnh: weibo).
|
Hồ Tích Tiến, Tổng biên tập của Thời báo Hoàn cầu, viết trên Twitter, nếu thông tin đó là sự thật, Ấn Độ đã vi phạm nghiêm trọng "Thỏa thuận về các biện pháp xây dựng lòng tin trong lĩnh vực quân sự tại khu vực kiểm soát thực tế ở biên giới Trung-Ấn". Mặc dù khu vực biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ thỉnh thoảng căng thẳng, nhưng quân đội hai nước đã không nổ súng vào nhau trong nhiều thập kỷ. Nếu quân đội Ấn Độ bắn lính Trung Quốc trong tương lai, bộ mặt khu vực biên giới giữa hai nước sẽ hoàn toàn thay đổi. Ông ta viết: “Trung Quốc không muốn leo thang xung đột với Ấn Độ, nhưng chúng ta có đủ năng lực để đẩy lùi mọi hành động khiêu khích của quân đội Ấn Độ”.
Thời báo Hoàn cầu ngày 22/6 đăng xã luận, viết: “Nếu chỉ lệnh này được thực thi, quân đội Ấn Độ nổ súng trước vào binh sĩ Trung Quốc trong cuộc xung đột, va chạm ở biên giới Trung - Ấn sẽ nâng lên thành cấp độ xung đột quân sự. Đó rõ ràng là điều đại đa số dân chúng hai nước không muốn thấy”.
Căn cứ của Ấn Độ tập kết quân ở gần nơi xảy ra đụng độ hôm 15/6 (Ảnh: weibo).
|
Báo này viết, “dù đó là lời an ủi của chính phủ Modi với quân đội và dư luận thì cũng là rất vô trách nhiệm. Nó truyền đi tín hiệu Ấn Độ có thể xé bỏ hiệp nghị quan trọng đạt được giữa hai nước. làm gia tăng nghiêm trọng sự mất lòng tin lẫn nhau ở biên giới, đồng thời gia tăng nguy cơ nổ súng trong khu vực này”.
Thời báo Hoàn cầu viết: “Trung Quốc cảnh cáo những phần tử dân tộc chủ nghĩa cuồng nhiệt ở Ấn Độ, họ hãy dội nước lạnh lên đầu để đừng đưa New Dehli đi vào con đường khác, đừng dẫm vào vết xe đổ”.
Bài báo nhấn mạnh “Trung Quốc không muốn chơi ác với Ấn Độ, nhưng một số lực lượng cực đoan ở Ấn Độ đã trở nên mất lý trí, họ đã buộc chính phủ phải nới lỏng sự kiểm soát đối với việc sử dụng súng của lực lượng biên ở giới. Phía Trung Quốc nên làm cho bên kia hiểu rằng không chỉ họ có súng trong tay, súng trong tay người Trung Quốc thậm chí còn tốt hơn. Cần phải thể hiện đầy đủ ý chí của Trung Quốc kiên quyết đánh trả một khi quân đội Ấn Độ nổ súng. Đặc biệt phải để cho các sĩ quan và quân lính Ấn Độ ở tuyến đầu biết rằng, ai bắn phát súng đầu tiên vào PLA, người đó sẽ bị tiêu diệt”.
Căn cứ Trung Quốc mới xuất hiện gần nơi xảy ra xung đột. Góc trái là dong chữ "Biết đánh, biết thắng" (Ảnh: weibo).
|
Khi mà lực lượng quân đội hai bên với đủ loại vũ khí tập trung rất đông trong một khu vực chật hẹp, trong bầu không khí căng thẳng hiện nay với sự đổ lỗi xâm phạm lãnh thổ của nhau, bất cứ một hành động sơ sảy nào cũng sẽ dẫn đến một cuộc chiến tranh biên giới giữa hai nước.