Theo Deutsche Welle (Tiếng nói nước Đức), Ấn Độ hôm thứ Năm (18/6) đã tổ chức tang lễ cho hơn 20 binh sĩ nước này thiệt mạng trong cuộc xung đột giữa Ấn Độ và Trung Quốc; đồng thời, theo Reuters, quân đội Ấn Độ ở Thung lũng Gallevan duy trì cảnh giác cao. Trong khi Ấn Độ tổ chức tang lễ cho những người lính đã chết, giới truyền thông đã tiết lộ thêm chi tiết về cuộc xung đột.
Hôm thứ Tư (17/6), Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar đã nói chuyện qua điện thoại. Cả hai bên đồng ý tránh áp dụng những bước đi có thể làm tình hình tồi tệ thêm, nhằm duy trì hòa bình và ổn định dọc biên giới. Ngoại trưởng Ấn Độ kêu gọi Trung Quốc "nhìn nhận lại hành động và sửa chữa sai lầm của mình"; ông Vương Nghị thì yêu cầu "Ấn Độ tiến hành điều tra kỹ lưỡng về việc này và trừng phạt nghiêm khắc những người chịu trách nhiệm gây nên vụ việc". Cả hai bên đều cho rằng đối phương phải chịu trách nhiệm về sự kiện xung đột đẫm máu này.
Ấn Độ đưa thi thể những binh sĩ bị chết về bệnh viện (Ảnh: Reuters).
|
Chi tiết xung đột đẫm máu được công khai
BBC ngày 18/6 nói, sau khi Ngoại trưởng hai nước nói chuyện điện thoại, chính phủ Ấn Độ đã ra tuyên bố, quân đội Trung Quốc định xây dựng một công trình kiến trúc tại Thung lũng Galwan trên LAC. Tuyên bố nói vụ việc này “là một hành động có dự mưu, có kế hoạch, họ cần phải chịu trách nhiệm về hành động bạo lực và thương vong”.
Thi thể của các sĩ quan và binh sĩ Ấn Độ sẽ được chuyển về quê nhà và đám tang của họ sẽ được tổ chức tại đó. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố hôm thứ Tư (17/6) rằng: “Những người lính đã hy sinh tại biên giới Trung Quốc sẽ không vô ích ... Bất kể trong tình hình nào, Ấn Độ đều có khả năng đáp trả phù hợp”.
Truyền thông chính thức Trung Quốc vẫn giữ im lặng về quá trình cụ thể của cuộc xung đột và số thương vong, trong khi truyền thông Ấn Độ tiết lộ một số chi tiết về cuộc xung đột “không bắn một viên đạn” nhưng đã gây đổ máu khiến hàng chục người thiệt mạng này.
Financial Times của Anh dẫn lời các cơ quan truyền thông Ấn Độ cho biết cuộc xung đột xảy ra trên một sườn núi hẹp ở độ cao 14.000 feet (khoảng 4.300m) trong đêm tối. Sau khi những người lính Ấn Độ yêu cầu binh lính Trung Quốc rút khỏi một điểm chiến lược, họ muốn kiểm tra xem liệu bên kia có triệt thoái không và đã xảy ra một cuộc ẩu đả. Trong lúc hỗn loạn, một số binh sĩ Ấn Độ đã bị ngã rơi xuống thung lũng. Các binh sĩ ở cả hai bên bắt đầu một cuộc cận chiến và lính Trung Quốc sử dụng vũ khí tự chế, bao gồm các cây gậy được quấn bằng dây thép gai và gậy sắt có đinh. Theo các cơ quan truyền thông Ấn Độ, cũng có nhiều thương vong trong các binh sĩ Trung Quốc.
Theo một bản thỏa thuận song phương năm 1996 giữa Trung Quốc và Ấn Độ, "Cả hai bên không được nổ súng trong phạm vi 2 km dọc tuyến kiểm soát thực tế (Line of Actual Control, LAC)... không được tiến hành các hoạt động nổ hoặc sử dụng súng hoặc chất nổ để săn bắn".
BBC dẫn lời chuyên gia quân sự Ấn Độ Ajai Shukla nói rằng vẫn có một số binh sĩ Ấn Độ vẫn đang mất tích và Ấn Độ vẫn đang nỗ lực để cứu họ khỏi tay Trung Quốc. Một quan chức quân sự cấp cao khác của Ấn Độ nói với BBC rằng tham gia vụ xung đột có 55 binh sĩ Ấn Độ và 300 binh sĩ Trung Quốc.
Lang Nha Côn tự chế được cho là lính Trung Quốc sử dụng để tấn công binh sĩ Ấn Độ (Ảnh: Đông Phương)
|
Trang tin Hoa ngữ Đa Chiều ngày 19/6 đăng bài viết, sau khi xảy ra cuộc hỗn chiến kéo dài khoảng 7 giờ liền ở thung lũng Galwan thuộc khu vực Ladakh, ngày 18/6 các bức ảnh chụp các gậy sắt đính đầy thép gai đã lộ diện do một sĩ quan Ấn Độ cung cấp cho các nhà báo và các chuyên gia. Hình ảnh này khiến lửa căm thù trong dân chúng dâng cao, các nghị sĩ Quốc hội yêu cầu trả thù,có người đề nghị giành lại vùng lãnh thổ do Trung Quốc kiểm soát bên cạnh Tuyến kiểm soát thực tế (LAC).
The Telegraph của Anh ngày 18/6 đã trích dẫn kết luận của các bác sĩ đã khám nghiệm tử thi 20 binh sĩ quân đội Ấn Độ: các vết thương trên thi thể họ gây nên bởi gậy sắt hoặc gậy có đóng đinh hoặc quấn dây thép gai. Hãng tin dẫn lời một số nguồn tin quân sự ở Ấn Độ xác nhận rằng những bức ảnh vũ khí được giới truyền thông và các chuyên gia tiết lộ là có thật.
Truyền thông Anh và chuyên gia quốc phòng Ajai Shukla đều nhận được những bức ảnh về vũ khí có gai sắt nhọn gây chết người trong cuộc xung đột từ các nguồn quân sự Ấn Độ.
Shukla đã tweet vào ngày 18/6: "Hành động tàn bạo sẽ bị lên án. Đây là một vụ ám sát, không phải là một cuộc đối đầu”.
Hình thái đối đầu giữa quân đội hai bên trên biên giới gần khu vực tranh chấp (Ảnh: Đa Chiều)
|
Truyền thông Anh BBC ngày 18/6 dẫn lời một người cung cấp ảnh vũ khí, một sĩ quan quân đội Ấn Độ cao cấp phục vụ ở biên giới Trung-Ấn, nói ngày 18/6 rằng đội tuần tra quân sự Ấn Độ thuộc Tiểu đoàn 16 của Trung đoàn Bihar không mang vũ khí đến điểm tuần tra thứ 14 sau đó bùng nổ cuộc xung đột chết chóc ở cửa thung lũng Calwan, giống như bị quân đội Trung Quốc mai phục.
Theo India Today, nghị sĩ Đảng Nhân dân Ấn Độ Jamyang Tsering Namgyal, người phụ trách khu vực Ladakh, đã phẫn nộ kêu gọi sáp nhập khu vực Trung Quốc kiểm soát, lãnh thổ Aksai Chin - nằm ở khu vực tranh chấp là phần cực Đông của Ladakh. Ông Namgyal nói với India Today: "Những người lính của chúng ta đã bị giết hại và tôi nghĩ đã đến lúc giành lại Aksa Chin”.
Ông Rahul Gandhi, cựu lãnh đạo đảng Quốc Đại Ấn Độ đối lập, đã tweet vào ngày 18/6 và cũng yêu cầu chính phủ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trả đũa Trung Quốc: "Tình hình đã rõ ràng, Trung Quốc đã phạm tội ác chiến tranh”, “Người Trung Quốc đã sử dụng lưỡi lê, gậy sắt có đinh và gậy gỗ quấn dây thép gai ... tập kích những người lính tay không của chúng ta”.
Xe quân sự Ấn Độ ra khu vực biên giới tranh chấp (Ảnh: AP)
|
The Telegraph viết, sau khi Trung Quốc và Ấn Độ đồng ý không sử dụng vũ khí trong các cuộc xung đột biên giới năm 1975, trong 45 năm qua đã có nhiều vụ xung đột giữa hai quân đội gần LAC, nhưng không có ai bị chết.
Đa Chiều nói, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã bày tỏ nghi ngờ về các "bức ảnh vũ khí" tại cuộc họp báo thường kỳ ngày hôm đó, nhưng không trực tiếp bình luận, mà chỉ ra rằng Ấn Độ vượt qua biên giới (LAC) hai lần, "khiêu khích và tấn công Trung Quốc, gây nên cuộc xung đột thể xác nghiêm trọng giữa hai lực lượng quân đội ở biên giới”.
Ấn Độ nhạy cảm hơn?
Theo Deutsche Welle, Thái Tinh, Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu an ninh quốc tế của Học viện Quan hệ quốc tế, Đại học Thanh Hoa, đã viết trong Á Thái Nhật báo (Nhật báo châu Á-Thái Bình Dương) thuộc Tân Hoa Xã: “Trên biên giới Trung - Ấn có những những khu vực tranh chấp. Quân đội hai bên va chạm hoặc xung đột tại vùng tranh chấp là điều khố tránh, thuộc sự kiện xảy ra ngẫu nhiên; tình hình chung ở biên giới phải ổn định và có thể kiểm soát được và không ảnh hưởng đến đại cục”. Tuy nhiên, tác giả cho rằng Ấn Độ nhạy cảm hơn về vấn đề biên giới Trung-Ấn, thể hiện một khi cảm thấy bị đe dọa chiến lược hoặc áp lực quân sự, Ấn Độ có thể áp dụng những hành động phiêu lưu để thăm dò và có ý đồ thay đổi hiện trạng”.
Một trận địa pháo binh của PLA ở gần khu vực xảy ra đụng độ (Ảnh: Weibo)
|
Tranh chấp biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ đã tiếp diễn liên miên từ những năm 1960 đến nay. Trong một cuộc phỏng vấn với Deutsche Welle TV, Cao Chí Khải, Phó Chủ nhiệm của Cơ quan Tư duy Toàn cầu hóa (CCG), Ủy viên Hội đồng học thuật Viện Quan hệ Quốc tế Trung Quốc nói, có một nguyên nhân lịch sử khiến tranh chấp biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ không được giải quyết trong một thời gian dài: Ấn Độ muốn sử dụng biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ do người Anh phân định, trong khi chính phủ Trung Quốc chưa bao giờ công nhận tính hợp pháp của Đường McMahon ấy.
Theo phân tích của Thái Tinh, Ấn Độ hiện đang phải đối mặt với áp lực nghiêm trọng từ dịch bệnh COVID-19 trong nước, những lo ngại về an ninh quốc gia do vấn đề biên giới mang lại đã làm thôi thúc thêm tình cảm dân tộc.
Christian Wagner, một chuyên gia Nam Á tại Quỹ Chính trị và Khoa học Đức (SWP), cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Deutsche Welle rằng tình cảm chống Trung Quốc ở Ấn Độ sẽ đẩy Ấn Độ sang phía Mỹ.
Binh sĩ Ấn Độ canh gác biên giới (Ảnh: AFP)
|
Tuy nhiên, Thái Tinh chỉ ra rằng Ấn Độ "không nên mong đợi tìm kiếm lợi ích thực sự trong trò chơi chiến lược Trung-Mỹ. Mỹ lôi kéo và sử dụng Ấn Độ dưới tiền đề của chính sách “Ưu tiên nước Mỹ”. Đối với Ấn Độ, đó không phải là một đối tác chiến lược toàn cầu đáng tin cậy, cũng không phải đồng minh đáng tin cậy sẽ hỗ trợ và giúp đỡ vô điều kiện cho Ấn Độ trong quan hệ Ấn Độ-Trung Quốc. Các động tác của Ấn Độ ở biên giới không chỉ vô ích cho việc thực hiện chiến lược của Ấn Độ mà còn phân tán năng lượng của Ấn Độ trong việc xử lý tình hình dịch bệnh và giải quyết các mâu thuẫn chủ yếu trong kinh tế và dân sinh, khiến lợi ích cơ bản và lâu dài của Ấn Độ bị tổn hại”.
Cao Chí Khải cho rằng có may mắn lớn trong sự bất hạnh là không xảy ra đấu súng giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Ông cho rằng, "Từ góc độ của Trung Quốc, việc cấp bách lúc này là phải bình tĩnh và tránh kích động. Trung Quốc và Ấn Độ, hai quốc gia đông dân nhất thế giới đều không muốn chiến tranh và một cuộc chiến tranh sẽ có hại cho cả hai bên. Tôi nghĩ quan trọng nhất là hai nước nên đàm phán về việc giải quyết hòa bình xung đột biên giới”.