Hạ viện Mỹ cấm TikTok: Sự im lặng của ông chủ kín tiếng và nỗ lực tìm lối thoát của ByteDance

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Từ vận động hành lang cho đến vận động người dùng, ByteDance và TikTok đã phản kháng gay gắt trước áp lực thoái vốn ở Mỹ.

1-3117.png
ByteDance sẽ chống lại áp lực bán TikTok của Mỹ như thế nào? (Ảnh: SCMP)

ByteDance đang tìm người mua TikTok?

Zhang Yiming (Trương Nhất Minh), 40 tuổi, đến từ tỉnh Phúc Kiến, là người sáng lập công ty ByteDance bên trong một căn hộ ở Bắc Kinh cách đây 12 năm. Ông là một trong những doanh nhân thành công nhất mà thế giới từng chứng kiến ​​trong thập kỷ qua, có thể sánh ngang với Elon Musk, Mark Zuckerberg và Sam Altman.

Vị tỉ phú Trung Quốc rất hiếm khi xuất hiện trước công chúng kể từ khi bàn giao quyền điều hành ByteDance cho người bạn cùng phòng thời đại học Liang Rubo cách đây 3 năm. Vốn là người thích ẩn dật, ông vẫn không xuất hiện ngay cả khi công ty của mình đang chịu áp lực chính trị ở cả Mỹ và Trung Quốc.

Sau khi Hạ viện Mỹ thông qua dự luật trong hôm 13/3 buộc ByteDance thoái vốn khỏi TikTok hoặc đối mặt với lệnh cấm ở nước này, đã có nhiều đồn đoán về việc liệu Zhang có cân nhắc nhượng lại quyền sở hữu ứng dụng phổ biến này cho một công ty Mỹ hay không.

Dự luật đang được chuyển tới Thượng viện Mỹ. Tại đây, cả lãnh đạo đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đều bác bỏ ý tưởng đẩy nhanh việc thông qua dự luật này. Trong khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tuần trước cho biết ông sẽ ký dự luật thành luật nếu nó được cả hai viện thông qua.

2-5996.png
Zhang Yiming, người sáng lập Bytedance, trong bức ảnh chụp tháng 4/2019 (Ảnh: Bloomberg)

Trong một video được đăng trên nền tảng này, Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi, một công dân Singapore, gọi quyết định của Hạ viện là “đáng thất vọng” và cho biết sẽ “tiếp tục làm tất cả những gì có thể, bao gồm cả việc thực hiện các quyền hợp pháp của mình”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết dự luật này không khác gì hành vi bắt nạt và "chắc chắn sẽ gây hậu quả với chính nước Mỹ". Global Times, một tờ báo liên kết với Nhân dân Nhật báo (People’s Daily), đã đăng hơn 10 bài báo kể từ tuần trước để ủng hộ TikTok và mô tả dự luật của Mỹ là “cướp bóc”.

Justin Sherman, giám đốc điều hành của công ty tư vấn và nghiên cứu Global Cyber ​​Strategies có trụ sở tại Washington, cho biết ByteDance “chưa từng tính tới việc thoái vốn một cách nghiêm túc. Trước đây, khi điều này xuất hiện, chính phủ Trung Quốc cho biết họ sẽ chặn việc mua bán”.

Cả ByteDance, có trụ sở tại Bắc Kinh, và Zhang, người được cho là đang ở Singapore, đều không bình luận trực tiếp về vấn đề này.

ByteDance tuần trước đã phủ nhận thông tin cho rằng Zhang đang đàm phán với những bên mua tiềm năng của TikTok.

Tỉ phú kín tiếng vẫn im lặng

Sự im lặng của Zhang Yiming tạo thêm bầu không khí bí ẩn cho sự việc. Zhang sở hữu 20% ByteDance, TikTok cho biết vào tháng 4 năm ngoái. Các nhà đầu tư tổ chức nắm giữ 60% cổ phần của công ty, trong khi nhân viên của công ty trên toàn cầu sở hữu phần còn lại.

Các nhà đầu tư của ByteDance tại Mỹ bao gồm các quỹ tư nhân General Atlantic, Susquehanna International Group và Coatue Management, tất cả đều có đại diện trong hội đồng quản trị của ByteDance. Các thành viên hội đồng quản trị khác bao gồm Neil Shen đến từ Sequoia China – sau đổi tên thành HongShan – và Giám đốc điều hành ByteDance Liang Rubo.

Theo báo cáo do Financial Times công bố ngày 15/3, mặc dù các nhà đầu tư Mỹ nắm giữ lượng lớn cổ phần của ByteDance, nhưng Zhang có đủ lượng cổ phiếu với quyền biểu quyết đặc biệt giúp ông có quyền kiểm soát công ty này, bao gồm cả TikTok.

Báo cáo cho biết các nhà đầu tư Mỹ hiện đang xem xét một kế hoạch nhằm tăng quyền biểu quyết của họ trong khi vẫn để ByteDance giữ cổ phần của mình. Tuy nhiên, thỏa thuận này vẫn cần có sự chấp thuận của chính phủ Trung Quốc.

Hôm 14/3, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin trong cuộc phỏng vấn với CNBC cho biết ông đã thảo luận với “một nhóm người” về việc thành lập một nhóm nhà đầu tư để mua TikTok.

Không ai trong số các nhà đầu tư chủ chốt hay các thành viên hội đồng quản trị của ByteDance bình luận công khai về khả năng bán TikTok.

3-7431.png
Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi (phải) rời cuộc họp ở Washington với một thượng nghị sĩ Mỹ trong hôm 14/3 (Ảnh: Bloomberg)

Những bài phát biểu trước đây của Zhang và giai thoại được những người từng làm việc với ông kể lại cho thấy Zhang ấp ủ giấc mơ xây dựng một doanh nghiệp toàn cầu, trong đó thị trường Mỹ là một mảnh ghép quan trọng.

Năm 2020, khi căng thẳng chính trị bắt đầu gia tăng ở Mỹ do TikTok, Zhang đã cố gắng tự mình giải quyết vấn đề bằng cách chấp nhận một cuộc phỏng vấn video từ xa với tạp chí The Atlantic của Mỹ. Trong cuộc trò chuyện đó, ông nói rằng ông không phải là đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Nhưng chẳng bao lâu sau, ông quyết định rời xa ánh đèn sân khấu, thay vào đó giao công việc thường phải xuất hiện trước công chúng cho Chew Shou Zi.

Bức ảnh gần đây nhất của Zhang được công bố từ tháng 6/2021, khi phòng giáo dục ở quê ông thông báo rằng ông đã thành lập một quỹ từ thiện mang tên người bà của mình.

Hoạt động gần đây nhất của ông được đưa tin vào tháng 2 năm nay, khi ông yêu cầu di dời một tấm bia đá ở quê nhà. Những bức ảnh lan truyền trên mạng cho thấy tấm bia được dựng tại đền thờ tổ tiên, ghi chi tiết về hoàn cảnh gia đình của ông, đồng thời ca ngợi ông là “thần tượng” đối với các doanh nhân trẻ.

4-6335.png
Một tòa nhà của ByteDance ở Thượng Hải, Trung Quốc (Ảnh: Bloomberg)

Nhiều lần vượt qua sóng gió

Bất chấp thành công trong kinh doanh, ByteDance vẫn là nằm trong số những công ty bị ảnh hưởng bởi việc siết chặt lĩnh vực internet của Trung Quốc.

Một trong những thành công đầu tiên của họ, ứng dụng chia sẻ những câu nói đùa có tên Neihan Duanzi, có gần 200 triệu người dùng vào thời kỳ đỉnh cao, đã bị chính phủ Trung Quốc đóng cửa vĩnh viễn vào năm 2018 vì “nội dung thô tục”. Zhang sau đó đưa ra lời xin lỗi vì đã “quá tập trung vào sự tăng trưởng và quy mô thay vì chất lượng và trách nhiệm” đồng thời hứa sẽ “sửa chữa những lỗ hổng” trong thuật toán của công ty cùng cơ chế kiểm tra nội dung.

Việc ByteDance lấn sân sang lĩnh vực giáo dục và trò chơi điện tử ở Trung Quốc cũng đối mặt với những trở ngại về mặt pháp lý, buộc công ty phải thu hẹp quy mô dự án dạy học trực tuyến vào năm 2021 và mảng trò chơi điện tử vào năm 2022.

Năm 2022, khi Trung Quốc áp dụng các hạn chế nghiêm ngặt để chặn đà lây lan của Covid-19, Zhang đã chuyển đến Singapore.

Ngược lại, sự giám sát chính trị ở Mỹ dường như không làm chậm đà phát triển của TikTok.

Vào năm 2020, Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Donald Trump đã ký hai lệnh hành pháp buộc TikTok phải bán mình, nhưng sau đó chúng đã bị người kế nhiệm ông thu hồi. Trong khi đó, số lượng người dùng của TikTok ở Mỹ đã tăng từ 100 triệu vào tháng 8/2020 lên 170 triệu vào tháng 1/2024, theo số liệu do công ty cung cấp. Tuy nhiên, những hành động chính trị chống lại TikTok cũng tăng theo.

Bởi vậy, ByteDance đang cố gắng tăng cường ảnh hưởng chính trị của mình trên đất Mỹ. Năm ngoái, ByteDance và TikTok đã chi tổng cộng 10,35 triệu USD cho vận động hành lang, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2020, theo hồ sơ công bố trên website của Thượng viện Mỹ.

Bên cạnh đó, công ty này phải xoa dịu cả Washington và Bắc Kinh.

Khi ông Trump cố gắng ép bán TikTok vào năm 2020, chính phủ Trung Quốc đã can thiệp bằng cách cập nhật các hạn chế xuất khẩu công nghệ trong đó bao gồm phần mềm, cấm ByteDance chuyển giao thuật toán đề xuất nội dung của mình cho chủ sở hữu nước ngoài.

Để đáp ứng yêu cầu từ cả hai phía, ByteDance đã vạch ra kế hoạch thành lập một thực thể riêng biệt mang tên TikTok Global và bán 20% cổ phần cho các nhà đầu tư Mỹ. Hội đồng quản trị của công ty mới sẽ bao gồm các giám đốc hiện tại của ByteDance và giám đốc điều hành của tập đoàn bán lẻ khổng lồ Walmart của Mỹ. Tuy nhiên, sẽ không có sự chuyển giao thuật toán.

Kế hoạch đó đã bị hủy bỏ sau khi ông Trump tái tranh cử thất bại.

Lần này, ByteDance vẫn khó có thể bán TikTok nếu không có sự đồng ý của Bắc Kinh. Bộ Thương mại, cơ quan giám sát xuất khẩu công nghệ, cho biết Trung Quốc sẽ “thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ vững chắc các quyền và lợi ích hợp pháp của mình”.

5-238.png
Những người ủng hộ TikTok đã theo dõi cuộc bỏ phiếu tại Washington, khi Hạ viện thông qua dự luật buộc ByteDance phải bán ứng dụng này hoặc sẽ bị cấm (Ảnh: AP)

Quyết không "nằm im chờ chết"

Việc phản đối lệnh cấm TikTok có thể không chỉ đến từ phía Trung Quốc. Ứng dụng này đang cố gắng huy động lượng người dùng khổng lồ của mình. Tuần trước, TikTok đã gửi cho người dùng Mỹ một thông báo đề nghị họ yêu cầu các đại diện trong Quốc hội phản đối dự luật nhằm vào một trong những ứng dụng yêu thích của họ.

Khi bàn đến mức độ phổ biến của TikTok ở Mỹ, ngay cả các chính trị gia cũng không tránh khỏi.

“Trớ trêu thay, nhiều nghị sĩ Thượng viện và Hạ viện sẽ bỏ phiếu về dự luật cấm TikTok lại thực sự đang sử dụng nền tảng này để tiếp cận cử tri trong các chiến dịch bầu cử sắp tới”, Alex Capri, giảng viên cấp cao tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS) cho biết.

Chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Joe Biden cũng đã mở tài khoản TikTok vào tháng trước.

Phản ứng của TikTok lần này hoàn toàn trái ngược với phản ứng của nó vào năm 2020, khi đạt thỏa thuận bán hoạt động của TikTok tại Mỹ cho một nhóm doanh nghiệp ở nước này – một động thái bị nhiều cư dân mạng Trung Quốc cho là “quỳ gối”.

6-994.png
Một quảng cáo có logo TikTok tại một nhà ga xe lửa ở Trịnh Châu, Trung Quốc (Ảnh: AFP)

Lần này, TikTok đã nhận được nhiều sự ủng hộ ở quê nhà vì lập trường cứng rắn của mình.

“TikTok không chỉ nằm im và chờ chết”, Shanghai Observer, một trang tin tức thuộc tờ báo nhà nước Nhật báo Giải phóng (Liberation Daily), viết trong một báo cáo. “Họ đã huy động người dùng của mình để chống trả”.

Ông Capri cho biết, không giống như cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện, “việc thông qua dự luật tại Thượng viện có thể sẽ gây tranh cãi hơn”. Ông nói, nếu Thượng viện thông qua dự luật kèm theo những thay đổi, hai viện sẽ phải đàm phán để đạt được thỏa hiệp, điều này “có thể mất nhiều thời gian”.

Do đó, thời hạn để ByteDance thoái vốn khỏi TikTok có thể sẽ kéo dài đến sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ và bầu cử tổng thống vào tháng 11 năm nay.

Kể cả khi dự luật được cả hai viện của Quốc hội Mỹ thông qua, TikTok vẫn có thể đưa vụ việc ra tòa.

7-2290.png
Văn phòng của TikTok tại thành phố Culver, California (Ảnh: Reuters)

Năm ngoái, một thẩm phán liên bang đã chặn bang Montana của Mỹ đưa ra lệnh cấm toàn tiểu bang đối với TikTok.

Theo các chuyên gia, cách tốt nhất để giải quyết những lo ngại liên quan đến TikTok là Dự án Texas, một loạt giao thức do TikTok đề xuất nhằm hạn chế quyền truy cập vào dữ liệu người dùng ở Mỹ, phối hợp với chính phủ nước này.

Năm ngoái, TikTok cho biết họ đã chi 1,5 tỉ USD cho dự án mà công ty ước tính sẽ tiêu tốn từ 700 triệu đến 1 tỉ USD mỗi năm sau khi đi vào hoạt động hoàn toàn.

Theo SCMP