Trung Quốc phản ứng gay gắt trước dự luật cấm TikTok của Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Việc Hạ viện Mỹ thông qua dự luật cấm TikTok, trừ khi nó được công ty mẹ Trung Quốc ByteDance bán, đã biến nền tảng chia sẻ video này thành một trong những “điểm nóng” lớn nhất trong cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung.

Ứng dụng TikTok đang trở thành điểm nóng lớn trong cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung (Ảnh: DPA)
Ứng dụng TikTok đang trở thành điểm nóng lớn trong cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung (Ảnh: DPA)

Phản ứng gay gắt từ Trung Quốc

Ngày 13/3 (giờ Mỹ), Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật với số phiếu áp đảo 352 thuận/65 chống với sự ủng hộ rộng rãi của lưỡng đảng.

Ngay sau động thái này, chiều ngày 14/3, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân đã đưa ra phản ứng trong cuộc họp báo thường kỳ.

“Dự luật được Hạ viện Mỹ thông qua đã đặt Mỹ vào thế đối lập với nguyên tắc cạnh tranh công bằng và các quy tắc kinh tế thương mại quốc tế", ông Uông Văn Bân nói. "Nếu cái gọi là lý do "an ninh quốc gia" có thể được sử dụng để tùy tiện đàn áp các công ty xuất sắc của các nước khác, điều đó không công bằng và chính đáng”.

"Cách Mỹ xử lý vụ việc TikTok sẽ cho thế giới thấy rõ hơn liệu cái gọi là quy tắc và trật tự của Mỹ rốt cục có mang lại lợi ích cho thế giới hay chúng chỉ phục vụ cho chính Mỹ", ông nói thêm.

Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Hà Á Đông tại cuộc họp báo chiều ngày 14/3 cũng phản ứng mạnh mẽ với việc Hạ viện Mỹ thông qua dự luật về TikTok. “Mỹ nên nghiêm túc tôn trọng các nguyên tắc của nền kinh tế thị trường và cạnh tranh công bằng, ngừng đàn áp một cách vô lý các công ty của các quốc gia khác và cung cấp một môi trường cởi mở, công bằng và không phân biệt đối xử cho các công ty từ tất cả các quốc gia khác đầu tư kinh doanh tại Mỹ", ông nói.

Ông nhấn mạnh: “Các bên liên quan cần tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp và quy định của Trung Quốc. Trung Quốc sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để kiên quyết bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình”.

uong-van-ban-9861.jpg
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân (Ảnh: Xinhua)

CEO TikTok tuyên bố bảo vệ nền tảng đến cùng

Giám đốc điều hành TikTok Chu Thụ Tư (Shou Zi Chew) cũng đưa ra phát ngôn trong một đoạn video ngay sau khi dự luật được thông qua. Ông nói rằng TikTok trong vài năm qua đã cam kết bảo vệ an ninh dữ liệu người dùng và khiến nền tảng này không bị thao túng từ bên ngoài, “chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục làm như vậy”.

“Nếu dự luật này được ký thành luật, nó sẽ dẫn đến việc TikTok bị cấm ở Mỹ và ngay cả những người bảo trợ dự luật cũng thừa nhận rằng đó là mục tiêu của họ”, ông nói thêm. "Dự luật này sẽ trao thêm quyền lực cho các công ty truyền thông xã hội khác. Nó cũng sẽ lấy đi hàng tỉ USD từ túi của những người sáng tạo số và chủ doanh nghiệp nhỏ, khiến hơn 300.000 việc làm ở Mỹ gặp rủi ro".

Ông Chu Thụ Tư khẳng định "sẽ tiếp tục làm mọi thứ có thể, bao gồm cả việc thực thi các quyền hợp pháp của mình để bảo vệ nền tảng tuyệt vời mà chúng tôi đã cùng các bạn xây dựng. Chúng tôi tin rằng chúng ta có thể cùng nhau vượt qua khó khăn này".

ong-ha-a-dong-8046.jpg
Ông Hà Á Đông, Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc (Ảnh: Xinhua)

Dự luật vẫn cần được bỏ phiếu thông qua tại Thượng viện. Theo Wall Street Journal, hiện không rõ liệu lãnh tụ phe đa số Thượng viện Chuck Schumer có sẵn sàng dành thời gian cần thiết để thúc đẩy dự luật này hay không. Cũng không rõ liệu Ủy ban Thương mại Thượng viện có muốn thực hiện những thay đổi lớn thông qua luật của mình hay không.

Tuần trước, Tổng thống Joe Biden cho biết ông sẽ ký dự luật nếu nó được chuyển đến bàn làm việc của ông. Nhà Trắng hôm 13/3 bày tỏ hy vọng Thượng viện sẽ sớm hành động.

Nếu dự luật này được ký thành luật, nó sẽ buộc công ty mẹ ByteDance của TikTok tại Trung Quốc phải bán ứng dụng video phổ biến này trong 165 ngày, bằng không sẽ phải đối mặt với việc bị cấm ở Mỹ. TikTok hiện có hơn 170 triệu người dùng ở nước Mỹ.

Theo Deutsche Welle