Chia sẻ góc nhìn làm cách nào để đưa các sản phẩm ATTT nội địa được triển khai sâu nhất và rộng nhất, ông Nguyễn Anh Tuấn, PGĐ Trung tâm An ninh mạng, Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel cho biết: Mặc dù chúng ta có những sản phẩm ATTT rất tốt nhưng khi triển khai vào thực tế lại có nhiều vướng mắc.
Khi đầu tư một sản phẩm ATTT thì 2 vấn đề được quan tâm nhất là giá cả và chất lượng. Theo đánh giá của ông Nguyễn Anh Tuấn, các sản phẩm ATTT nội địa tương đương với các sản phẩm ATTT nước ngoài. Thực tế, các giải pháp ATTT của các doanh nghiệp Việt Nam như CMC hay Bkav không hề thua kém các sản phẩm ATTT nước ngoài đã quen thuộc tại Việt Nam.
Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, nếu các sản phẩm nội địa được cung cấp dưới dạng dịch vụ sẽ tốt hơn. Về lý do, ông Tuấn cho hay: “Các vấn đề về tấn công mạng hay các sự cố có thể diễn ra bất cứ lúc nào, nếu hệ thống ATTT nội địa triển khai cho khách hàng nội địa và được vận hành bởi đội ngũ chuyên gia chuyên sâu về ATTT trong nước sẽ tốt hơn rất nhiều so với các sản phẩm nước ngoài”.
Tuy thế, vẫn còn rất nhiều vấn đề tồn tại khi doanh nghiệp Việt triển khai sản phẩm, giải pháp ATTT trong thực tiễn. Cho đến hiện tại, vẫn chưa có một đề án, chính sách cụ thể nào giúp khuyến khích các sản phẩm ATTT nội được triển khai rộng vào thực tiễn.
“Số lượng sản phẩm không quan trọng bằng việc sản phẩm hay dịch vụ được triển khai phủ sâu và rộng đến mức nào. Bởi sản phẩm càng được triển khai sâu rộng bao nhiêu thì càng thông minh bấy nhiêu khi được tối ưu và tinh chỉnh qua các va chạm trong thực tiễn triển khai”, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết thêm.
Chia sẻ quan điểm của Cục ATTT với vấn đề hỗ trợ phát triển sản phẩm, dịch vụ ATTT mạng nội địa, đại diện Cục ATTT cho hay, trong bối cảnh nguồn lực cho việc bảo đảm ATTT rất hạn hẹp, cần ưu tiên đầu tư có trọng tâm trong điểm; ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp đã có các giải pháp bảo đảm ATTT thiết yếu do mình làm chủ công nghệ.
Cùng với đó, đại diện Cục ATTT cho rằng, phần lớn các sản phẩm đã hoàn thiện đang đưa vào sử dụng phổ biến được phát triển bằng nguồn lực của doanh nghiệp. Để một sản phẩm thành công cần tuân theo nguyên tắc thị trường. Do đó, cần tập trung hỗ trợ doanh nghiệp nội địa thông qua việc định hướng đầu ra của các sản phẩm, dịch vụ.
“ATTT là lĩnh vực chuyên sâu, yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ cao, trong khi nguồn nhân lực cho ATTT còn rất hạn chế. Phần lớn nguồn nhân lực ATTT có trình độ cao đang làm việc tại các doanh nghiệp. Cục ATTT cho rằng cần đẩy mạnh thuê giải pháp ATTT của các doanh nghiệp trong nước đối với khối cơ quan nhà nước cũng như để phục vụ công tác quản lý nhà nước về ATTT”, đại diện Cục ATTT nêu rõ.
Khẳng định nhu cầu về sản phẩm, dịch vụ ATTT đang rất lớn, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho biết, nếu thực hiện đầy đủ các quy định trong Luật ATTT mạng, thời gian tới các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có rất nhiều việc phải làm để xây dựng các phương án bảo đảm ATTT cho các hệ thống thông tin. Tuy nhiên, Thứ trưởng cho rằng: “Với tình hình nhân lực như hiện nay sẽ khó có những giải pháp để bảo vệ một cách đầy đủ theo yêu cầu như tinh thần của Luật ATTT mạng, nếu như không có sự tham gia tích cực của khối doanh nghiệp làm ATTT trong nước. Mặt khác, nếu chúng ta bỏ tiền ra mua giải pháp ATTT nước ngoài thì chắc cũng không thể đáp ứng”.
Thứ trưởng cho biết, quan điểm của Bộ TT&TT là làm thế nào tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp trong nước có cơ hội để tham gia, hỗ trợ xây dựng các phương án tạo ra các sản phẩm dịch vụ bảo đảm ATTT.
“Tôi khẳng định rằng, nếu không tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia thì chắc chắn nhà nước sẽ không thể đảm bảo được các công tác ATTT, an ninh mạng. Hội nghị hôm nay cần bàn thẳng thắn xem Nhà nước phải làm gì, tạo nên sự tin cậy gì đối với thế giới về ATTT. Mục đích là làm sao để trong thời gian ngắn chúng ta có được những sản phẩm, dịch vụ ATTT nội địa phục vụ ngay nhu cầu của chúng ta, qua đó việc bóc dỡ mã độc cũng hữu hiệu”, Thứ trưởng chỉ đạo.