Hà Nội: Tăng cường ứng dụng CNTT gian đoạn nới lỏng giãn cách, dùng QR Code giám sát người ra vào TP

VietTimes – UBND TP. Hà Nội cho biết sẽ tăng cường ứng dụng CNTT cho công tác phòng chống dịch, trong giám sát, truy vết, đặc biệt triển khai việc quét mã QR Code tại các chốt để quản lý di biến động dân cư áp dụng từ 21/9.
Tại các chốt kiểm dịch, cán bộ Công an sẽ đối chiếu thông tin công dân khai báo trên hệ thống và xác nhận thông tin công dân.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng thông tin tại cuộc họp báo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn - vừa diễn ra mới đây.

Ông Chử Xuân Dũng khẳng định, theo nguyên tắc và định hướng lớn, TP sẽ không áp dụng quy định phân vùng, không áp dụng cấp giấy đi đường cho tổ chức, cá nhân di chuyển trên địa bàn TP, tăng cường ứng dụng CNTT cho công tác phòng chống dịch, trong giám sát, truy vết. Không phát sinh thêm thủ tục hành chính đối với cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn.

Các cá nhân, tổ chức, đơn vị thực hiện theo tiêu chí hướng dẫn, quy định an toàn về COVID-19 được đăng trên Cổng Thông tin điện tử Sở Y tế và các sở, ngành.

Trong quá trình triển khai, TP phân cấp, uỷ quyền cho các sở ngành, địa phương tiếp tục hướng dẫn cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp để thực hiện tốt nhất giải pháp phục hồi sản xuất, kinh tế, kinh doanh dịch vụ phải đảm bảo yêu cầu phòng dịch.

Đặc biệt, Hà Nội tiếp tục duy trì phong toả hẹp, quản lý chặt các điểm phong toả trên địa bàn, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, đẩy nhanh tốc độ truy vết khi có trường hợp dương tính phát sinh để ngăn chặn, cách ly ngay nguồn lây.

Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng mong muốn và đề nghị tất cả người dân, tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn TP tiếp tục nâng cao ý thức, trách nhiệm, tuân thủ nghiêm quy định về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để giữ vững thành quả trong thời gian qua, từ đó làm tốt công tác an sinh, phục hồi và phát triển kinh tế.

Làm rõ thông tin trên, Đại tá Trần Ngọc Dương - Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội - cho biết Công an TP tiếp tục tăng cường ứng dụng CNTT, phối hợp chặt chẽ với Sở TT&TT để triển khai việc quét mã QR Code tại các chốt kiểm soát; trong kiểm soát người vào TP, chú trọng khai báo y tế, xét nghiệm và các yếu tố dịch tễ.

Công an Hà Nội sẽ thu hẹp các chốt kiểm soát ra vào TP đang thực hiện. Cụ thể, trong giai đoạn tiếp theo, duy trì 55 chốt trên địa bàn TP, trong đó có 22 chốt tại quốc lộ ra, vào TP, 33 chốt tại các đường ngang, lối mở giáp ranh với các tỉnh lân cận (trước đó là 23 chốt của các tuyến quốc lộ, 44 chốt đường ngang, lối mở).

Trong quá trình triển khai các chốt kiểm soát ra vào TP từ ngày 24/7 đến nay, Công an TP. Hà Nội đánh giá, các chốt kiểm soát cơ bản đã ngăn chặn sự xâm lấn dịch bệnh vào TP, kiểm soát được phương tiện ra vào. Vì vậy, giai đoạn tiếp theo cần duy trì các chốt kiểm soát để bảo vệ thành quả chống dịch. Việc đặt chốt trên nguyên tắc kiểm soát cả chiều vào và chiều ra Hà Nội, kiểm soát chặt người từ vùng có dịch, vùng nguy cơ vào TP.

Hướng dẫn cách lấy mã QR Code để ra vào Hà Nội

Từ ngày 14/9, Công an TP Hà Nội đã đưa vào sử dụng 45 hệ thống camera quét mã QR Code khai báo di chuyển nội địa tại các chốt kiểm soát phòng, chống dịch ở cửa ngõ ra vào thành phố.

Đây là một phần trên hệ thống phần mềm kiểm soát cơ sở dữ liệu dân cư của Cục Cảnh sát QLHC về TTXH. Các camera tự động quét mã QR code, cán bộ trực chốt kiểm tra đối sánh thông tin công dân kê khai cũng như giấy tờ xuất trình của công dân qua máy tính kết nối.

Để có mã QR code này, người dân cần thực hiện đăng kí khai báo y tế qua trang web: https://suckhoe.dancuquocgia.gov.vn hoặc trên ứng dụng (app) VNEID sử dụng điện thoại di động với 2 kho ứng dụng Appstore và CHPlay.

Sau khi đăng nhập đầy đủ thông tin, hệ thống sẽ cung cấp cho người dân một mã QR code để cán bộ tại chốt kiểm dịch kiểm tra thông tin. Tại các chốt kiểm dịch, cán bộ Công an sẽ đối chiếu thông tin công dân khai báo trên hệ thống và xác nhận thông tin công dân.

Thông tin này thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ được thông báo về cấp phường/xã nơi công dân đi - đến, để quản lý kịp thời đúng thông tin và con người thực tế. Qua đó, cơ quan chức năng có thể truy vết lộ trình di chuyển của công dân một cách dễ dàng, nhanh chóng và chính xác nhất, tiết kiệm chi phí trong công tác phòng, chống dịch hiện nay.