Ngay khi UBND TP. Hà Nội vừa tuyên bố nới lỏng giãn cách từ 6h sáng nay (21/9), một trong những thông tin được người dân rất quan tâm lúc này là cần những giấy tờ, thủ tục gì đối với người ra, vào địa phận TP. Hà Nội.
Trao đổi với VietTimes, Đại tá Trần Ngọc Dương - Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội - cho biết, các chốt kiểm dịch của TP Hà Nội vẫn thực hiện theo tinh thần Chỉ thị 16 của Chính phủ, kiểm soát chặt chẽ người ra vào TP. Cùng với đó, hiện Hà Nội chưa có quy định bắt buộc phải tiêm vaccine phòng COVID-19 thì mới được vào địa bàn.
Như vậy sẽ vẫn tiếp tục kiểm tra các loại giấy tờ, áp dụng cụ thể với từng nhóm người như sau:
- Người ở tỉnh, thành khác vào TP. làm việc, lao động trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được phép hoạt động: Cần có giấy xác nhận của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp theo mẫu.
- Cán bộ, nhân viên, người lao động có địa chỉ thường trú tại Hà Nội làm việc, lao động tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, TP. khác: Cần có giấy xác nhận là cán bộ, công nhân, người lao động của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, TP. đó và giấy xác nhận của chính quyền nơi cư trú theo mẫu.
- Trường hợp ra, vào TP. vì lý do công vụ, phòng chống dịch bệnh, ngoại giao, vận chuyển công nhân, chuyên gia: Cần các loại giấy tờ chứng minh việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó và giấy đi đường theo mẫu.
Cả 3 trường hợp trên không yêu cầu có kết quả xét nghiệm âm tính virus SARS-Cov-2 bằng phương pháp PCR nhưng người đứng đầu đơn vị chịu trách nhiệm về việc cán bộ, nhân viên gây lây nhiễm dịch bệnh do không chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch.
Đại tá Trần Ngọc Dương - Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội. Ảnh: Sở TT&TT Hà Nội. |
- Đối với người dân đi ra khỏi TP. trước ngày 24/7 (thời điểm ban hành Chỉ thị số 17) đến nay muốn quay lại Hà Nội; các trường hợp người buôn bán hàng hóa thiết yếu từ các địa phương, tỉnh, thành khác vào Hà Nội: Cần chuẩn bị căn cước công dân, các loại giấy tờ chứng minh việc buôn bán; kết quả xét nghiệm âm tính viris SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR (có giá trị trong vòng 3 ngày).
Không cấm người từ tỉnh ngoài vào Hà Nội mà vào phải đáp ứng đủ các điều kiện phòng chống dịch theo quy định.
- Trường hợp là người ở tỉnh, thành khác đưa, đón bệnh nhân khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn TP.; lễ tang; đi sân bay Nội Bài để công tác (kể cả người đưa đón) cần chuẩn bị: Căn cước công dân, hộ chiếu, vé máy bay, kết quả xét nghiệm âm tính virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR (có giá trị trong vòng 3 ngày).
- Đối với bệnh nhân vào Hà Nội khám, chữa bệnh: Cần có hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện; lịch trình vào, ra; địa điểm xuất phát, nơi đến để kiểm soát quá trình tham gia lưu thông trên địa bàn TP.
Tại buổi họp báo của Thành ủy Hà Nội chiều 20/9, đại diện Công an TP Hà Nội cho biết, dự kiến thu hẹp các chốt đang thực hiện kiểm soát ra vào TP. Cụ thể, trong giai đoạn tiếp theo, Công an TP Hà Nội sẽ duy trì 55 chốt trên địa bàn, trong đó có 22 chốt tại quốc lộ ra, vào TP, 33 chốt tại các đường ngang, lối mở giáp ranh với các tỉnh lân cận, trong khi trước đây là 23 chốt của các tuyến quốc lộ, 44 chốt đường ngang, lối mở.
Việc lưu thông tại các chốt sẽ dựa trên nguyên tắc kiểm soát chặt cả người vào, người ra khỏi TP., đồng thời cũng kiểm soát chặt chẽ người từ các vùng dịch, vùng nguy cơ cao vào TP.
Trong thời gian tiếp theo, Công an TP. tiếp tục tăng cường ứng dụng CNTT, phối hợp chặt chẽ với Sở TT&TT để triển khai việc quét mã QR Code tại các chốt kiểm soát; trong kiểm soát người vào TP. chú trọng khai báo y tế, xét nghiệm và các yếu tố dịch tễ.
Trong quá trình triển khai các chốt kiểm soát ra vào TP từ ngày 24/7 đến nay, Công an TP Hà Nội đánh giá, các chốt kiểm soát cơ bản đã ngăn chặn sự xâm lấn dịch bệnh vào TP, kiểm soát được phương tiện ra vào. Vì vậy, giai đoạn tiếp theo cần duy trì các chốt kiểm soát để bảo vệ thành quả chống dịch. Việc đặt chốt trên nguyên tắc kiểm soát cả chiều vào và chiều ra Hà Nội, kiểm soát chặt người từ vùng có dịch, vùng nguy cơ vào TP.
Nêu thêm lý do vẫn chưa được chủ quan trong công tác phòng, chống dịch, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong phân tích, mặc dù hiện nay TP. đã tiêm vaccine mũi 1 cho trên 94% người trên 18 tuổi đủ điều kiện, đây là tỷ lệ rất cao, nhưng theo yêu cầu của ngành Y tế, trạng thái của TP. vẫn chưa thể trở lại “bình thường mới”, vì hiện nay tỷ lệ tiêm mũi 2 của Hà Nội mới đạt 12%, trong khi yêu cầu bắt buộc phải là trên 70% mũi 1 và trên hoặc bằng 20% mũi 2.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong chủ trì buổi họp báo của Thành ủy Hà Nội chiều 20/9. Ảnh: Sở TT&TT HN. |
“Do vậy, nguy cơ dịch bệnh bùng phát vẫn còn, chưa thể lạc quan có thể mở cửa ngay trở lại cuộc sống bình thường được" - ông Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.
Nói về chỉ thị được áp dụng từ ngày 21/9, Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong cho biết thêm: "Chỉ thị này sẽ áp dụng cho 2 tuần tiếp theo nhưng trên thực tế không 'đóng đinh' trong 2 tuần mà căn cứ thực tiễn có thể điều chỉnh cho phù hợp (....) vì đối với dịch bệnh thì 'không thể nói trước điều gì".