Theo đó, đến nay Hà Nội đã kiểm tra đột xuất gần 700 cơ sở, phát hiện 176 cơ sở vi phạm và xử lý 170 cơ sở, phạt tiền trên 1,43 tỷ đồng. Sở NNPTNT xây dựng danh mục 225 cơ sở rau thịt an toàn có giấy chứng nhận đủ điều kiện toàn thực phẩm trên trang web của Sở.
Trong 9 tháng đầu năm, Hà Nội đã kiểm tra gần 77.400 lượt cơ sở và phát hiện trên 12.370 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm, phạt tiền trên 22,6 tỷ đồng, chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 3 vụ.
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, dự kiến cuối năm Thành phố sẽ tiếp nhận 5 xe chuyên dụng do Tập đoàn Vingroup tài trợ xét nghiệm nhanh định tính thực phẩm tại các chợ đầu mối, chợ nông sản... để phát hiện và cảnh báo thực phẩm không đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.
Tại buổi làm việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận những kết quả ban đầu của Hà Nội đã đạt được, tuy nhiên, theo Thủ tướng về mặt tổng thể, đây mới chỉ là kết quả bước đầu, người dân chưa hoàn toàn yên tâm với độ an toàn của thực phẩm. Trong đó, việc quản lý nguồn gốc, chất lượng của một số loại thực phẩm như thực phẩm chức năng chưa có quy chuẩn, việc xử lý tận gốc hoạt động xuất nhập khẩu hoặc nuôi trồng thực phẩm chưa đạt yêu cầu, việc xử phạt các hành vi vi phạm ATTP còn chưa nghiêm.
Thủ tướng yêu cầu Hà Nội quản lý chặt chẽ lò giết mổ gia súc, gia cầm; quyết liệt việc quản lý thức ăn đường phố đưa vào nền nếp, phân cấp, giao trách nhiệm cho UBND các phường. Bên cạnh đó, cần tiếp tục thông tin về thực phẩm an toàn, cảnh báo các loại thực phẩm không an toàn, cơ sở vi phạm để người dân biết; phát triển chuỗi cung cấp thực phẩm sạch cho Thành phố.
Cũng tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý giao Hà Nội nghiên cứu mô hình lực lượng phản ứng nhanh để phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm ATTP.